+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sớm công bố quy hoạch KĐT lấn biển Cần Giờ

22/06/2020 18:55

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi nội dung trên với cử tri Cần Giờ, TP.HCM tại cuộc tiếp xúc cử tri chiều nay, 22-6.

Chiều 22-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ đại biểu số 2 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp xúc với cử tri huyện Cần Giờ.

Tổ đại biểu số 2 gồm có bà Tô Thị Bích Châu – chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, ông Dương Ngọc Hải – trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP và ông Nguyễn Minh Hoàng – phó chính ủy Quân khu 7.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sớm công bố quy hoạch KĐT lấn biển Cần Giờ - Ảnh 1.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tiếp xúc

Tại buổi tiếp xúc cử tri, một số cử tri đã có ý kiến về việc thực hiện dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Đây là dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (H.Cần Giờ) vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng từ 600ha lên thành 2.870ha.

Cử tri Bùi Khánh Hiền (thị trấn Cần Thạnh) cho rằng, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ triển khai đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thay đổi đời sống người dân Cần Giờ.

Tuy nhiên, ông Hiền cũng kiến nghị Quốc hội nên có giám sát về dự án này.

Cũng nói về dự án này, cử tri Đồng Văn Thiện (thị trấn Cần Thạnh) cho rằng, dự án được phê duyệt từ năm 2007 đến nay. Vì vậy, ông Thiện kiến nghị Bí thư Thành ủy cùng đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh việc làm dự án.

Ông Lê Minh Dũng – chủ tịch UBND huyện Cần Giờ – cho biết, sau khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng, UBND huyện Cần Giờ đang phối hợp với chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo để triển khai dự án.

Ông Dũng cũng kiến nghị các sở, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ huyện để cùng chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sớm công bố quy hoạch KĐT lấn biển Cần Giờ - Ảnh 2.
Cử tri Bùi Khánh Hiền (thị trấn Cần Thạnh) phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Trao đổi với cử tri về dự án này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận ý kiến của người dân. Đồng thời, Bí thư Nhân đề nghị UBND TP cần công bố quy hoạch dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ vừa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng để người dân được biết.

Theo Bí thư Nhân, sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chắc chắn sẽ làm. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện dự án tiếp theo như thế nào cần được công khai để người dân được rõ.

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được phê duyệt điều chỉnh tên tự án từ “Hệ thống công trình lấn biển và Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ” thành “Đầu tư mở rộng dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”.

Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỉ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỉ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỉ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).

Dự án được thực hiện với mục tiêu xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ trở thành Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…

Về tổ chức thực hiện, dự án do Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Thủ tướng chỉ đạo chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo các vấn đề liên quan, trong đó có các nội dung bảo vệ môi trường, tổ chức triển khai thực hiện, quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về quy hoạch mở rộng dự án, việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất đúng quy định đảm bảo không thất thu ngân sách Nhà nước, chuyển mục đích sử dụng đất cho chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Cuối năm 2025 sẽ hoàn thành cầu Cần Giờ

Ông Bùi Hòa An – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết, theo kế hoạch, nếu việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án cầu Cần Giờ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.

Trao đổi về dự án này, ông Bùi Hòa An – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết, tháng 3-2019, UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.

Theo đó, cầu Cần Giờ sẽ có kết cấu cầu dây văng một trụ tháp thể hiện ý tưởng kiến trúc phác họa hình tượng cây đước, đặc trưng của huyện Cần Giờ.

Ngoài ra, cầu sẽ được thiết kế sử dụng lan can hình sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu. Ý tưởng chiếu sáng nghệ thuật cho cầu Cần Giờ cũng sẽ được thiết kế kèm theo.

Cầu Cần Giờ sẽ vượt sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu. Điểm đầu của cầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía Nam. Tổng chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 7,41km.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, trước đây, chủ đầu tư đề xuất làm dự án theo một trong hai phương thức là hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) hoặc BT.

Khi đó, theo dự kiến, khoảng tháng 9 hoặc tháng 10-2021 sẽ khởi công dự án cầu Cần Giờ và cuối năm 2024 sẽ hoàn thành dự án này.

Tuy nhiên, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mà luật này lại bỏ loại hình hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) ra khỏi danh mục hợp đồng các dự án thuộc phương thức đầu tư PPP.

Do vậy, TP phải có thời gian điều chỉnh lại việc lựa chọn nhà đầu tư, kéo theo đó thời gian khởi công, hoàn thành dự án cũng phải lùi lại.

Theo đó, dự kiến đầu năm 2022, TP sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đến cuối quý 1-2022 sẽ triển khai dự án. Nếu theo hợp đồng 3 năm thì dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu 2026.

Trong phần phát biểu của mình, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng mong muốn bà con ở huyện Cần Giờ sẽ phối hợp cùng với cơ quan chức năng và chủ đầu tư hoàn thành sớm việc giải phóng mặt bằng.

Bởi vì, theo ông An, kinh nghiệm xưa nay, thời gian giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian hơn đầu tư xây dựng công trình. Mặt khác, giải phóng mặt bằng cũng thường làm chậm tiến độ làm dự án. Nếu được người dân đồng lòng, hỗ trợ, dự án mới hi vọng xây dựng đúng tiến độ.

TIẾN LONG/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều