+
Aa
-
like
comment

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo xử lý nóng một ‘quan quận’ vi phạm

Hồng Anh - 23/10/2019 10:23

Chiều 22-10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát tại 7 công trình xây dựng trái phép trên đất của ông Lê Hữu Thành, phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, và nói rất có thể sẽ “phải sắp xếp lại” chức vụ của ông Thành. 

Quá trình kiểm tra thực tế cho thấy việc giải quyết những sai phạm của phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức quá chậm…

Ông Nguyễn Thiện Nhân (giữa) kiểm tra thực địa công trình xây dựng không phép của Phó chủ tịch thường trực HĐND Q.Thủ Đức Lê Hữu Thành
Ông Nguyễn Thiện Nhân (giữa) kiểm tra thực địa công trình xây dựng không phép của Phó chủ tịch thường trực HĐND Q.Thủ Đức Lê Hữu Thành

Mặc dù đang tham gia họp Quốc hội (kỳ họp 8 Quốc hội khóa 14) tại Hà Nội, nhưng ngay sau khi Thanh Niên trong 2 ngày 21 – 22.10 đăng tải loạt bài điều tra: Vì sao Thủ Đức thành “điểm nóng” xây dựng trái phép?: “Quan” làm sai sao nói được dân!; Người “đứng sau” các công trình xây dựng không phép, ông Nguyễn Thiện Nhân lập tức từ Hà Nội vào lại TP.HCM chủ trì cuộc họp. “Buổi làm việc xuất phát từ vấn đề báo chí nêu. Hôm nay trên cơ sở thông tin báo chí thì TP có buổi làm việc với Q.Thủ Đức”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Công trình sai phạm hoạt động bình thường

Báo cáo với bí thư Thành ủy, Quận ủy Thủ Đức cho rằng sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi sai phạm, nhất là với cán bộ lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và cũng không bao che cho những sai phạm của ông Lê Hữu Thành”.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế chiều 22-10 cho thấy trong số 7 công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên vẫn hoạt động bình thường.

Theo ông Lê Hòa Bình – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thẩm quyền kiểm tra, xử lý những công trình vi phạm của ông Lê Hữu Thành và gia đình thuộc trách nhiệm của UBND phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức.

“UBND phường có kiểm tra, phát hiện vi phạm xây dựng, có ra các quyết định xử lý nhưng thực hiện không đầy đủ. Các nhà xưởng này không bảo đảm quy định về phòng chống cháy nổ” – ông Bình nhận xét.

Các ý kiến đưa ra đều cho thấy vụ việc đã được xử lý quá chậm, không những thế mà còn phát sinh thêm vì công trình trái phép đầu tiên phát hiện từ năm 2012, tức là đã 7 năm trước. Đáng chú ý, tháng 5-2019 UBND phường tiến hành cưỡng chế nhưng lại bị quận yêu cầu ngừng lại nhằm rà soát thủ tục và dừng cho đến nay.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho rằng UBND quận Thủ Đức phải rà soát lại quy hoạch trên toàn địa bàn quận. Vị trí gia đình ông Thành xây dựng sai phép thuộc quy hoạch ga Bình Triệu đã “treo” hơn 20 năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi về nhà, đất của người dân nơi đây.

“Việc rà soát quy hoạch và điều chỉnh cho phù hợp cũng sẽ giảm được rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép” – ông Bình kiến nghị.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết sắp tới sẽ công bố chương trình liên tịch liên kết giữa thanh tra Sở Xây dựng và các quận huyện để tăng cường lực lượng cho các địa phương, nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình trật tự xây dựng. “Việc này sẽ được thực hiện trong khi chờ Thủ tướng cho ý kiến về đề án thành lập đội quản lý trật tự xây dựng tại các quận huyện” – ông Bình khẳng định.

Ông Phạm Đức Hải, phó chủ tịch HĐND TP, cũng cho rằng UBND quận Thủ Đức cần có đánh giá lại những khu quy hoạch kéo dài trên địa bàn quận và đề nghị HĐND quận Thủ Đức phải đưa vào chương trình giám sát cuối năm 2019 nội dung về xây dựng không phép và xây dựng sai phép.

Riêng HĐND TP sẽ giao Ban đô thị giám sát việc xây dựng sai phép và không phép trên địa bàn quận Thủ Đức trong tháng 11-2019.

Ông Lê Hữu Thành xây dựng không phép: Phải sắp xếp lại chức phó chủ tịch HĐND quận - Ảnh 1.
Một công trình sai phép trên đường 32, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM

Phải chấm dứt ngay

Ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo trong tháng 11, UBND TP phải có chuyên đề phân loại các dạng vi phạm xây dựng, trường hợp nào được tồn tại, trường hợp nào phải tháo dỡ, gom lại thành hệ thống quy tắc để xử lý thống nhất trên toàn TP. Song song đó, các địa phương phải rà soát quy hoạch, trả lời cho dân chỗ nào làm được, chỗ nào giữ lại.

“7 công trình sai phạm, lý do gì mà đến 7 năm chưa xử lý xong? Có phải quận chưa nghiêm túc, cán bộ địa bàn chưa nghiêm túc, người trong cuộc cũng cho qua luôn?” – ông Nhân đặt vấn đề.

Bí thư Thành ủy cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: ông Thành từng là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận mà làm sai, làm sao vận động người dân chấp hành pháp luật? Giờ làm phó chủ tịch HĐND quận mà làm sai, làm sao đi giám sát?

Về triển khai Chỉ thị 23 của Thành ủy, theo ông Nguyễn Thiện Nhân là kịp thời. Tuy nhiên, với tinh thần đó, “lẽ ra trường hợp của anh Thành là phải tự khắc phục; nếu báo chí không nêu thì chắc là không biết bao giờ mới tự khắc phục”. Đánh giá về cách xử lý sai phạm của Q.Thủ Đức, ông Nhân cho rằng “nếu chưa nghiêm túc thì cứ nói thẳng đi”, bởi lẽ 7 công trình sai phạm của gia đình ông Lê Hữu Thành từ năm 2012, đã lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, nếu như quy trình chưa chặt chẽ nhưng cũng không thể 7 năm liền mà không xử lý. “Cái cần suy nghĩ, yêu cầu đảng viên gương mẫu nhưng rõ ràng đảng viên không gương mẫu. 7 công trình sai phạm hết”, ông Nhân nói và yêu cầu quận cần làm rõ, đối với sai phạm là phải xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nếu có e ngại, nể nang, thì cần phải chấm dứt ngay.

Riêng đối với các sai phạm đã xảy ra, thêm một lần nữa ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Quận chưa quyết liệt. Chỗ này vừa qua, báo chí nêu sự việc là báo chí nêu đúng. Sự việc kéo dài không xử lý. Sắp tới, phải có một kiểm điểm sâu sắc trong thường vụ”, đồng thời yêu cầu trước 28.10 Q.Thủ Đức phải có báo cáo việc xử lý cụ thể cho TP. Theo ông Nhân, những cán bộ sai phạm phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm rõ ràng. Nếu đủ gương mẫu và đủ uy tín thì công tác tiếp, nhưng nếu không đủ thì phải sắp xếp lại.

Ông Nhân yêu cầu “phải chấm dứt ngay tình trạng này. Riêng về trường hợp ông Lê Hữu Thành, bí thư Thành ủy cho rằng “cần tự xác định xem có đủ điều kiện tiếp tục làm phó chủ tịch HĐND quận nữa không”, và rất có thể sẽ “phải sắp xếp lại”.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế – xã hội những tháng cuối năm 2019 ngày 22-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh sẽ xử nghiêm xây dựng không phép.

Theo giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình, sắp tới sẽ thực thi nhiều giải pháp, trong đó có việc ký kết kế hoạch liên tịch với các địa phương, đưa các đội thanh tra xây dựng địa bàn tiếp cận với phương án chuyển lực lượng này về các địa phương, trở thành đội trật tự đô thị ở các quận huyện để tăng cường lực lượng cho cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận sự xung đột, chồng chéo trong quy định pháp luật cũng như có tình trạng cơ quan chức năng quá thận trọng dẫn tới chậm trễ trong giải quyết, tuy nhiên với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, ông Phong cho biết lãnh đạo TP thống nhất phải xử lý nghiêm.

“Không thể nhân nhượng với vi phạm trật tự xây dựng, phải xử lý một cách nghiêm khắc” – ông Phong nhấn mạnh.

Thanh tra xây dựng: từ quận lên sở, nay xin về quận

Lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận huyện và xã phường tại TP.HCM được thành lập năm 2007 theo quyết định 89 của Thủ tướng, có chức năng chính là quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Sau khi lực lượng này đi vào hoạt động, tình hình xây dựng không phép sai phép tại TP.HCM giảm rõ rệt, trật tự xây dựng trên địa bàn TP được kiểm soát.

Năm 2013, Chính phủ ban hành nghị định 26 quy định thanh tra xây dựng chỉ có 2 cấp là thanh tra bộ và thanh tra sở. Lực lượng thanh tra xây dựng tại TP.HCM lúc này được sắp xếp lại trực thuộc thanh tra Sở Xây dựng, cùng lúc bỏ thanh tra xây dựng cấp xã, phường, thị trấn. Tổng cộng có khoảng 1.200 biên chế.

Đến năm 2018, Sở Xây dựng bắt đầu lập đề án thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận huyện, với mô hình tương tự như trước đây.

Hồng Anh (Tổng hợp)

Bài mới
Đọc nhiều