+
Aa
-
like
comment

‘Bí thư Nên không ứng cử, tiếng nói của TP.HCM cũng không bị hạn chế’

16/04/2021 06:42

Theo Phó ban Công tác Đại biểu, việc ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử đại biểu Quốc hội không làm hạn chế tiếng nói của TP.HCM, vì sức mạnh nằm ở sự đoàn kết của tập thể.

Sáng 16/4, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau Hội nghị này, danh sách những người đủ điều kiện ứng cử sẽ chính thức được công bố, các ứng viên sẽ bắt đầu chương trình vận động bầu cử.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó trưởng ban Công tác Đại biểu) đã trao đổi với báo chí một số vấn đề liên quan đến công tác bầu cử bên lề một cuộc họp báo do Văn phòng Quốc hội tổ chức.

“Con ông cháu cha” cũng phải đủ tiêu chuẩn

– Thưa ông, tại Hội nghị hiệp thương lần 2, nhiều ý kiến phản ánh danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương có tình trạng “con ông cháu cha” được ưu tiên. Thực tế những ý kiến này được tiếp nhận như thế nào trong quá trình chuẩn bị chốt danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội?

– Việc đưa nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải căn cứ vào tiêu chuẩn. Với đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài tiêu chuẩn chung còn phải đáp ứng các yêu cầu của đại biểu chuyên trách, yêu cầu đó đã được Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn rồi, chúng tôi cụ thể hóa bằng văn bản của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản gửi về các địa phương, bộ ban ngành hướng dẫn thực hiện.

Còn việc “con ông cháu cha”, theo tôi nghĩ không nên đặt nặng vấn đề này mà quan trọng nhất là người ta đáp ứng được các tiêu chuẩn. Tất cả trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì chắc chắn Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ không bao giờ thông qua.

khong uu tien con ong chau cha ung cu dai bieu Quoc hoi anh 2
Việc Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên không ứng cử và nguyên ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục ứng cử vào Quốc hội là “tín hiệu tốt”. Ảnh: Quang Huy.

Hơn nữa, để có tên trong danh sách chính thức tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội phải trải qua nhiều quy trình rất chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đảm bảo độ tuổi. Hiện có nhiều đại biểu chuyên trách có kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhưng không đáp ứng đủ tuổi tái cử. Nếu muốn thì phải tự ứng cử hoặc tham gia một tổ chức xã hội hoặc hiệp hội nào đó để được tổ chức ấy giới thiệu.

Thực tế hiện nay, Quốc hội đang rất thiếu đại biểu chuyên trách. Để mời được một cán bộ ở các bộ, ban, ngành về làm đại biểu Quốc hội khó lắm, vì trách nhiệm rất nặng nề nhưng chế độ chưa tương xứng.

Về việc chọn lựa ứng viên, Bộ Chính trị đã quán triệt “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng từng khẳng định “không vì thiếu người mà vơ bèo vạt tép, mà lấy cho đủ”.

– Nguyên tắc phân bổ đại biểu Trung ương về ứng cử ở địa phương được thực hiện trên cơ sở như thế nào?

– Nguyên tắc phân bổ cũng giống như nhiệm kỳ trước. Thứ nhất là với những người tái cử, khóa trước ứng cử ở đâu thì tiếp tục ưu tiên giới thiệu về địa phương đó.

Với những lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành thì có sự phân công của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị chỉ đạo và Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ có ý kiến.

Theo chủ trương của Bộ Chính trị, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ được ưu tiên ở các địa phương thuận lợi về phương tiện đi lại vì các đồng chí bận nhiều việc. Các ủy viên Bộ Chính trị khác cũng phải chia đều cho miền Bắc – Trung – Nam, và có những đồng chí sẽ phải phân công ở vùng sâu, vùng xa để gắn bó, tạo điều kiện cho các tỉnh.

Sau khi xét các yếu tố trên mới tính đến ưu tiên cho đại biểu ứng cử theo nơi công tác hay quê quán, cái này phải xem xét tổng thể.

– Vậy có hiện tượng “chạy” nơi ứng cử không, thưa ông?

– Không có, chúng tôi khẳng định như vậy bởi vì không thể chạy được.

Ông Nguyễn Thiện Nhân ứng cử là “tín hiệu tốt”

– Một vấn đề khác đang được dư luận rất quan tâm là việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên không ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới, trong khi đó, nguyên Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân là người ứng cử. Vậy ông Nhân có phải trường hợp đầu tiên thôi ủy viên Bộ Chính trị vẫn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội?

– Tôi công tác ở Quốc hội 7 khóa thì có lẽ đây là trường hợp đầu tiên. Nhưng cần lưu ý là ông Nguyễn Thiện Nhân thôi Bộ Chính trị nhưng chưa nghỉ hưu. Ông Nhân vẫn nằm trong cơ cấu cơ quan hành chính Văn phòng đoàn ĐBQH TP.HCM.

Ông Nhân được giới thiệu ở Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, vì nơi công tác là đoàn đại biểu Quốc hội, hiện ông vẫn đang là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

khong uu tien con ong chau cha ung cu dai bieu Quoc hoi anh 1
Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh tất cả trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì chắc chắn Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ không bao giờ thông qua. Ảnh: Hải Quân.

Khi ứng cử, ông Nguyễn Thiện Nhân dù thôi Bộ Chính trị vẫn phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Với người thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, dù đang công tác, nghỉ hưu hay tham gia bất cứ tổ chức chính trị, nghề nghiệp nào cũng đều phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó còn có sự tín nhiệm của cơ quan nơi công tác. Với một người tâm huyết như ông Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta nên ủng hộ, vì họ từng trải qua các cương vị công tác ở cơ sở, ở Trung ương, địa phương, lại là người có bề dày lãnh đạo, nếu đủ điều kiện tham gia ứng cử thì cá nhân tôi ủng hộ, đó là tín hiệu tốt.

– Nhiều ý kiến lo ngại việc ông Nguyễn Văn Nên là Bí thư một thành phố lớn mà không tham gia ứng cử sẽ làm tiếng nói của TP.HCM bị hạn chế. Ông nghĩ sao?

– Theo tôi, việc đó không ảnh hưởng gì bởi vì tham gia ứng cử hay không ứng cử là do Thường vụ TP.HCM giới thiệu.

Vai trò người đứng đầu quan trọng nhưng quan trọng hơn là sức mạnh thể hiện ở sự đoàn kết của một tập thể. Người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội không nhất thiết cứ phải là ủy viên Bộ Chính trị, là Bí thư Thành ủy mới là tốt hơn.

Có những cái người ta căn cứ vào điều kiện thực tế của TP.HCM là đồng chí Bí thư đảm nhiệm nhiều lĩnh vực công tác, không có nhiều điều kiện tham gia nên cử một người phù hợp do tập thể Thường vụ giới thiệu. Việc thành công hay thất bại của một địa phương là do tập thể thường vụ Đảng ủy và tập thể Ban lãnh đạo các bộ, ban, ngành chứ không phải là một cá nhân.

Chuyện đó cũng là một việc nên biểu dương, vì nó chứng tỏ người ta có sự trao đổi rất đồng thuận, không phải cứ là bí thư thì phải ứng cử, không có quy định nào về việc này.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Thu

Bài mới
Đọc nhiều