Bí thư Hải Dương lên tiếng việc dập dịch lúng túng, thiếu quyết liệt
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh tỉnh đã và đang quyết liệt “dập dịch” COVID-19 trong bối cảnh điều kiện, hoàn cảnh dịch tại địa phương này khác xa so với Quảng Ninh cũng như Đà Nẵng trước đây.
Chiều 17-2, PVcó cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng xoay quanh công tác dập dịch của địa phương này, làm rõ những giải pháp tỉnh đã và đang thực hiện để khoanh vùng, kiểm soát COVID-19 trên địa bàn.
* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng công tác dập dịch COVID-19 của tỉnh Hải Dương có phần lúng túng, thiếu quyết liệt khi phải đến ngày 16-2 địa phương mới có quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh, ông nghĩ sao về điều này?
– Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định tỉnh hoàn toàn chủ động trong việc phòng chống dịch COVID-19 và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược chống dịch mới của Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo trung ương đưa ra.
Cụ thể, chiến lược chống dịch lần này là truy vết thật nhanh, xét nghiệm diện rộng, cách ly, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Ngay từ đầu Hải Dương đã rất quyết liệt dập dịch, chứ không phải đến bây giờ mới bắt đầu. Có thể thấy rõ khi ngày 27-1 ổ dịch tại Công ty TNHH điện tử POYUN, TP Chí Linh được phát hiện thì ngay ngày 28-1 tỉnh đã phong tỏa toàn bộ TP này.
Đối với ổ dịch POYUN, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh đây là ổ dịch lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay khi thời gian ủ bệnh dài, đến khi phát hiện thì thực chất đã thành mấy chu kỳ.
Ngày 5-2, ở huyện Cẩm Giàng mới có khoảng 10 ca nhiễm, chúng tôi cũng đã phong tỏa toàn bộ huyện này ngay thời điểm đó. Số lượng ca nhiễm thời gian qua tăng nhưng 90% đã được cách ly, hạn chế khả năng lây nhiễm cộng đồng.
Các địa phương khác trong tỉnh tuy có ca dương tính nhưng đều là các F1 liên quan ổ dịch tại Chí Linh nên đã được cách ly tập trung trước đó. Khi nghe số lượng công bố, mọi người thấy khá lớn nhưng đây là điều bình thường của dịch tễ.
Ngày 15-2, khi dịch xuất hiện tại 8/12 huyện, thị, TP của tỉnh, chúng tôi quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh và quyết định này là kịp thời, đúng thời điểm chứ không muộn.
* Vậy phương hướng dập dịch của Hải Dương thời gian tới cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Hiện nay tỉnh đang đi từng khu vực một, chiến lược của Hải Dương trong thời gian tới đầu tiên là kiểm soát trên diện rộng thông qua việc cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16-2. Thực tế, biện pháp cách ly xã hội của Hải Dương còn mạnh hơn một bước khi kiểm soát chặt chẽ tất cả người ra, vào để ngăn chặn triệt để tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Thứ hai về diện hẹp, tập trung khống chế dịch trong từng khu vực. Trong đó có hai địa điểm mà dư luận quan tâm đó là Chí Linh và Cẩm Giàng. Hiện nay, chúng tôi có thể khẳng định đã kiểm soát an toàn về dịch bệnh đối với ổ dịch tại TP Chí Linh khi toàn bộ F1 đã được cách ly hoàn toàn, trong những ngày qua những ca dương tính tại đây đều phát sinh trong khu cách ly đã được tập trung.
Vừa qua TP Chí Linh cũng đã lấy mẫu trên diện rộng 2 phường có nguy cơ cao thì 100% đều cho kết quả âm tính. Điều đó khẳng định tỉnh đã úp trúng ổ dịch POYUN. Thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục phong tỏa Chí Linh chứ không chỉ phong tỏa trong 21 ngày.
Đối với các địa phương khác ngoài huyện Cẩm Giàng thì chúng tôi cũng đã kiểm soát tốt bởi các ca bệnh trên những địa phương này đều xuất phát từ ổ dịch POYUN, là F1 đã cách ly và số lượng không đáng kể.
Quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay là tập trung cao độ dập dịch tại Cẩm Giàng với chiến lược cụ thể là bắt buộc 100% doanh nghiệp tại đây phải đăng ký xét nghiệm COVID-19 cho công nhân, người lao động. Nếu công ty nào không xét nghiệm cho công nhân thì kiên quyết không cho sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu 100% người lao động được xét nghiệm phải có kết quả âm tính mới được đi làm. Các doanh nghiệp cũng phải đánh giá mức độ an toàn trong đơn vị mình, sau đó tỉnh thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra từng doanh nghiệp, nếu đủ mức độ an toàn thì mới cho sản xuất.
Tiếp đó là yêu cầu phải xây dựng hoàn chỉnh kịch bản doanh nghiệp xuất hiện ca dương tính thì xử lý ra sao, yêu cầu các đơn vị này phải chủ động được cơ sở vật chất đảm bảo cho việc cách ly tạm thời trong vòng 1 ngày đối với số lượng công nhân nhất định.
Đối với các khu dân cư, Hải Dương tiến tới xét nghiệm toàn bộ người dân tại huyện Cẩm Giàng để đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
* Công tác cách ly tập trung của Hải Dương liệu có phải đang có vấn đề khi nguy cơ lây nhiễm chéo xuất hiện?
– Đây là vấn đề mà tỉnh đã nhìn ra và hiện nay đang quyết liệt chấn chỉnh lại các khu cách ly trên địa bàn. Đối với khu cách ly có trên 100 người, chúng tôi giao cho quân đội quản lý 100%. Hoàn thành việc giải tỏa những khu vực cách ly tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo và rà soát các cơ sở cách ly, nếu nơi nào không đảm bảo an toàn thì kiên quyết không cho người vào cách ly.
* Một số địa phương lo ngại nguy cơ dịch lây lan vì lượng người từ Hải Dương đổ về sau Tết, Hải Dương đã làm gì để kiểm soát nguy cơ này?
– Khi dịch bùng phát trước Tết, tất cả công nhân, người địa phương khác đang ở Hải Dương được yêu cầu ở lại ăn Tết nên số lượng này không trở về quê. Chúng tôi đã tổ chức đón Tết đầy đủ cho lượng công nhân này và tôi trực tiếp đi kiểm tra thấy rằng tinh thần họ rất tốt.
Đối với lượng người Hải Dương làm ăn, học tập xa, đa số họ có ý thức không về nếu quê đã có dịch. Còn lượng người đã về ăn Tết, sau khi có lệnh giãn cách xã hội, họ được yêu cầu không đi ra khỏi tỉnh. Chúng tôi đặt nhiều chốt kiểm soát, kiên quyết không cho người từ vùng dịch Hải Dương ra ngoài nên các tỉnh có thể yên tâm.
* Theo ông, Hải Dương có thể khống chế, dập dịch trong bao lâu?
– Thực tế việc chống dịch tại Hải Dương có phần phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với tại Quảng Ninh hay Đà Nẵng trước đây. Có 2 điểm khác là quy mô và loại virus ở Hải Dương biến chủng, tốc độ lây lan cao gấp nhiều lần, không đơn thuần, dù bệnh không nặng lên.
Hải Dương bùng phát dịch trong bối cảnh dịp Tết ở nơi rất đông công nhân, ủ bệnh lâu nên số lượng F1 rất lớn. Mục tiêu của tỉnh là quyết tâm hết thời gian đợt cách ly xã hội toàn tỉnh lần này sẽ cơ bản khống chế được dịch bệnh, giảm dần ca bệnh và thực tế kết quả xét nghiệm cho thấy ca bệnh đang giảm, người dân chấp hành tốt. Như hôm nay (17-2) chúng tôi ghi nhận thêm 19 trường hợp, đều là F1 đã được cách ly.
* TP Hải Dương vừa xuất hiện ổ dịch với chùm ca mắc COVID-19 phức tạp, tỉnh đã có những biện pháp nào nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan?
– Đối với ổ dịch tại TP Hải Dương, chúng tôi đang tập trung truy vết và bước đầu hướng nguyên nhân về việc người chồng trong quá trình đi công tác, có tiếp xúc với F0 rồi lây sang vợ, người thân. Ngành y tế đang lấy xét nghiệm rộng để đánh giá cụ thể hơn.
Ngay sau khi phát hiện, khu vực dân cư liên quan đã được phong tỏa chặt chẽ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tuy nhiên, nhận định của Ban chỉ đạo về ổ dịch này phức tạp hơn ở Cẩm Giàng là chưa chính xác lắm vì tại Cẩm Giàng còn liên quan đến công nhân.
* Một vấn đề khác liên quan giải quyết hàng hóa, nông sản cho bà con sau Tết khi nhiều địa phương siết chặt vấn đề thông thương, Hải Dương đã có phương án gì?
– Ngay trong chiều 16-2, chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Công thương, cùng một số tỉnh, thành bạn về việc giúp Hải Dương lưu thông hàng hóa. Hải Dương có nhiều khu công nghiệp, hàng hóa đều xuất khẩu, linh kiện nhập khẩu. Nếu các tỉnh, thành không cho xe chở hàng lưu thông sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tiến hành phong tỏa hay cách ly vẫn tạo điều kiện sản xuất kinh doanh phát triển nhưng đảm bảo điều kiện sản xuất. Hải Dương có nhiều giải pháp như tại chốt kiểm soát, chúng tôi yêu cầu lái xe phải làm xét nghiệm và có kết quả âm tính mới được ra vào.
Vì thế, chúng tôi mong muốn các tỉnh, thành hỗ trợ Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch này.
TIẾN THẮNG