+
Aa
-
like
comment

Bí thư Đồng Tháp nói chuyện ‘đi làm thuê, trở về làm chủ’

10/06/2020 13:05

“Ra đi làm thuê, trở về làm chủ” – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ kinh nghiệm đưa người đi lao động nước ngoài của tỉnh, khi thảo luận dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bí thư Đồng Tháp nói chuyện đi làm thuê, trở về làm chủ - Ảnh 1.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tại họp tổ Quốc hội sáng 10-6

Cần có chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài khi trở về để tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực này, bởi hiện đang có tình trạng “bỏ rơi” một lực lượng lớn lao động chất lượng cao làm việc tại nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An – nêu vấn đề khi thảo luận tại tổ sáng 10-6 về dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bỏ rơi lực lượng lớn lao động xuất khẩu trở về

Người Việt Nam lao động ở nước ngoài đã giúp xóa đói giảm nghèo, nhiều địa phương xây dựng dựng nông thôn mới, song theo đại biểu Hiền, thực tiễn còn nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng lừa đảo, cò mồi, quản lý chưa tốt người Việt Nam lao động ở nước ngoài, vẫn còn tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật, bỏ trốn, không về… khiến một số nước không tiếp nhận lao động của nhiều địa phương như Hàn Quốc.

Theo ông Hiền, ba chủ thể cần được lưu ý khi sửa đổi luật là cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của doanh nghiệp và lao động trên cơ sở làm tốt, minh bạch công khai các quy định cụ thể, bảo vệ và quản lý tốt được người lao động.

Bên cạnh lao động có hợp đồng, cần chú ý tới lao động tự do di chuyển làm việc trong ASEAN không có hợp đồng.

Nhấn mạnh chính sách hỗ trợ cho người lao động không chỉ là đào tạo bồi dưỡng trước khi đi lao động, ông Hiền cho rằng cần quan tâm tới cả việc người lao động sau khi về nước, trong đó có việc xây dựng cơ sở dữ liệu lao động làm việc tại các thị trường, chuyên ngành đào tạo, công nhận tay nghề để khi người lao động đi về có tư vấn. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì cần có cơ chế tín dụng hỗ trợ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh điểm mới là dự thảo bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương có thẩm quyền đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Tăng vai trò hỗ trợ của chính quyền

Thực tế, một số địa phương đã thí điểm như Đồng Tháp, ký được nhiều hợp đồng với các tỉnh bạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đưa được rất nhiều lao động đến thị trường tốt mà không mất phí. Nhờ vậy, không có người hợp nào người lao động vi phạm, bỏ trốn ở lại trong hoặc sau thời gian làm việc.

“Ra đi làm thuê, trở về làm chủ”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ kinh nghiệm đưa người đi lao động nước ngoài của tỉnh mình: Trước hết là lựa chọn kỹ người lao động đi tu nghiệp, tiếp thu kỹ thuật, tác phong làm việc để khi trở về lập nghiệp, khởi nghiệp chứ không chỉ là kiếm tiền để xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, Đồng Tháp còn tổ chức các câu lạc bộ gia đình có con em đi lao động nước ngoài, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau, hướng dẫn cha mẹ tiêu tiền con em gửi về cho có hiệu quả chứ không đem tiền đó đi đánh bạc, uống rượu.

“Mô hình này giúp kết nối chặt chẽ, nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Có những vụ việc, nửa đêm công dân gọi Zalo cho cán bộ báo bị quấy rối tình dục bên đó, chính quyền lập tức liên hệ với nghiệp đoàn phía nước bạn, cử được luật sư xuống hỗ trợ ngay”, ông Hoan cho hay.

Đơn vị sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không vì lợi nhuận

Bộ trưởng Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thêm mô hình đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được thí điểm tại 4 địa phương đều cho thấy hiệu quả.

Bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác. Trong khi đó, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện được thực hiện thông qua doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ là cơ quan tham mưu chứ không thể thông qua doanh nghiệp, không đảm bảo khách quan, minh bạch.

Vậy nên, khi để cơ quan tham mưu của chính quyền cấp tỉnh có thể thực hiện việc này thì luật phải “khuôn” điều kiện cơ quan này là một đơn vị sự nghiệp, không phải doanh nghiệp, hoạt động không vì lợi nhuận và cũng không được cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động.

LÊ KIÊN – NGỌC AN/TTO

Bài mới
Đọc nhiều