+
Aa
-
like
comment

Bị tàu sân bay Pháp áp sát, tại sao Iran không hề lo ngại?

Hoài Nam - 19/01/2020 20:39

Vị trí của tàu sân bay Charles De Gaulle hiện nay đang đặt lãnh thổ Iran vào tầm bắn của các tiêm kích hạm Rafale-M Hải quân Pháp.

Bị tàu sân bay Pháp áp sát, tại sao Iran không hề lo ngại?
Bị tàu sân bay Pháp áp sát, tại sao Iran không hề lo ngại?

Hải quân Pháp đã triển khai tàu sân bay hạt nhân Charles De Gaulle tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao giữa khối phương Tây và đồng minh của họ với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Con tàu hiện đang hoạt động ngoài khơi Saudi Arabia.

Theo tạp chí MW, Pháp là một trong những bên chỉ trích kịch liệt nhất chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Vị trí của tàu sân bay Charles De Gaulle hiện nay đang đặt lãnh thổ Iran vào tầm bắn của các tiêm kích hạm Rafale-M Hải quân Pháp.

Pháp hiện là quốc gia duy nhất tại châu Âu có tàu sân bay với khả năng hoạt động đầy đủ, được trang bị cho các hoạt động triển khai lực lượng xa bờ. Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh vẫn chưa triển khai lực lượng không quân trên tàu, trong khi các tiêm kích F-35B của họ phải rất lâu nữa mới sẵn sàng hoạt động.

Tàu sân bay Charles De Gaulle đã gặp phải một số vấn đề về hoạt động và các trục trặc liên quan tới hệ thống đẩy, khiến nó trở nên vô cùng chậm chạp, nhất là nếu so với các tàu sân bay của Mỹ.

Với lượng giãn nước 40.000 tấn, con tàu này chỉ ngang ngửa tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ hay tàu tấn công đổ bộ Type 075 của Trung Quốc – tức là nhẹ hơn khoảng 60% so với các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, như lớp Nimitz và lớp Gerald Ford.

Bị tàu sân bay Pháp áp sát, tại sao Iran không hề lo ngại? - Ảnh 1.
Tiêm kích Rafale-M trên tàu sân bay Charles De Gaulle. Ảnh: USNI News

Do đó, nó được đánh giá là kém hiệu quả hơn, chỉ có một phần nhỏ năng lực dành cho các cuộc không kích.

Bên cạnh đó, con tàu của Pháp cũng không có đội hộ tống hùng hậu như tàu khu trục lớp Arleigh Burke hay tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ, khiến nó không đáng sợ bằng nhóm tàu của Mỹ thường xuyên được triển khai tới khu vực.

Khả năng hạn chế của các tiêm kích Rafale (vẫn chưa tích hợp tên lửa không-đối-không hiện đại, không có khả năng tàng hình) đã làm suy giảm thêm tiềm năng hoạt động của tàu De Gaulle.

Trong khi đó, theo MW, Hải quân và Không quân Iran đã được huấn luyện và trang bị tới mức tiêu chuẩn cao để thực hiện các nhiệm vụ chống tàu và phòng thủ. So với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ – vốn được Iran xem là đối thủ chính – thì chiếc tàu sân bay nhiều vấn đề của Pháp có vẻ chẳng thể nào đáng sợ bằng.

Trước đó vào ngày 17/1 Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly tuyên bố, Paris sẽ triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle để hỗ trợ các hoạt động quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Parly nói: “Pháp đã tham gia cuộc chiến chống Daesh (tên khác của IS) trong 5 năm qua… Trong bối cảnh hiện nay, tàu sân bay sẽ được triển khai”, đồng thời nhấn mạnh, cuộc chiến chống IS “có vai trò quyết định đối với an ninh của các quốc gia châu Âu”.

Hoài Nam (tổng hợp )

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều