Bí quyết luyện ‘thần kinh thép’ ở Vùng 2 Hải quân
Các phóng viên đến thăm Vùng 2 Hải quân (đóng tại ngoại ô thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đúng thời điểm các đơn vị trực thuộc đang tích cực luyện tập thể lực và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng biển phía Nam của Tổ quốc trong những ngày chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Chính tại đây, chúng tôi đã phát hiện ra “bí quyết” luyện thần kinh thép của các cán bộ, chiến sỹ Vùng 2 Hải quân để luôn hoàn thành nhiệm vụ ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mang tính đặc thù.
Thao trường của Lữ đoàn 167 là một bãi cỏ rất rộng, vuông vức và bằng phẳng với đầy đủ các dụng cụ để rèn luyện thể lực và nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội như vượt chướng ngại vật, trèo tường, đu dây ngang, xà đơn, xà kép, bật ba bước, chạy vũ trang, nhảy xa, cử tạ, thể hình, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…
Ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận được là sự rắn rỏi, nhanh nhẹn của đội hình cán bộ, chiến sỹ tàu 380.
“Như thể đây là đội hình tuyển vậy”. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tàu 380 là một trong những thành viên nòng cốt của Lữ đoàn 167 tham gia Hội thao Thể dục thể thao Vùng 2 Hải quân năm 2020. Tại đây Lữ đoàn 167 đoạt chức vô địch (5 môn đạt điểm xuất sắc trong tổng số 8 môn thi).
Điều gây sự chú ý cho những người lần đầu tiên có mặt tại thao trường của bộ đội hải quân là một dụng cụ trông lạ mắt, hơi giống chiếc đu đôi thường thấy trong các lễ hội dân gian ở Bắc Bộ.
Tuy nhiên, “chiếc đu” này rất dài, có thể lắc ngang, lắc dọc mà người đu không có điểm nào để bấu víu – khi tiến lên, lùi xuống, quay trở đều hoàn toàn dựa vào sự cân bằng lực của chính mình.
Bộ đội gọi hình thức “đu không bám dây” là môn “đi cầu sóng” và đây là thử thách đặc thù đối với mọi cán bộ, chiến sỹ hải quân.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Thành, Thuyền trưởng tàu 380, cho biết, bộ môn “đi cầu sóng” nhằm huấn luyện cho bộ đội hải quân khả năng chịu đựng sóng gió khi thực hiện nhiệm vụ trên biển. Các thủy thủ thường xuyên phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện sóng, gió to, tàu lắc lư, chao đảo.
Yêu cầu của “đi cầu sóng” đòi hỏi tài khéo léo bẩm sinh cộng với sự luyện tập công phu. Nhìn người khác “đu”, ai cũng nghĩ bài tập này khá đơn giản, thậm chí có phần “bay bổng”.
Thực chất, để không bật ra ngoài, người “đu” phải phối hợp nhuần nhuyễn động tác giữa tay, chân, thân mình nhằm giữ trọng tâm cơ thể không bị lệch khỏi “cầu” và mất thăng bằng. Chiều cao của “cầu sóng” được điều chỉnh cao, thấp, tùy theo yêu cầu của buổi huấn luyện.
Lúc cao nhất, “cầu sóng” cách mặt đất 1 m và đây là thử thách lớn ngay cả với người vốn có hệ thần kinh vững vàng.
“Cầu sóng” mô phỏng con tàu trên biển, luôn bị lắc lư chao đảo và việc tập luyện giúp cho các thủy thủ quen dần với cuộc sống khi gió bão có thể lên đến cấp 6, cấp 7.
Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Thành giải thích: “Các nhà báo hãy hình dung, khi có gió lớn, con tàu giữa đại dương mênh trông như chiếc lá tre, trồi lên sụt xuống theo từng đợt sóng.
Lúc đó, các cán bộ, chiến sỹ hải quân vẫn không được ngồi yên trong ca bin mà phải đi lại trên boong tàu, đi từ vị trí này sang vị trí khác để kiểm tra, quan sát. Làm sao để không bị ngã là điều rất khó khăn. Luyện tập môn “đi cầu sóng” chính là nhằm tạo kỹ năng giữ thăng bằng khi tàu nghiêng ngả”.
Bản thân các chiến sỹ hải quân cũng coi “đi cầu sóng” là môn khó và ít người đạt yêu cầu trong những buổi luyện tập đầu tiên. Bởi vậy, nguyên tắc bất di bất dịch của Ban Chỉ huy Lữ đoàn 167 là “kiên trì cộng với quyết tâm”.
Tấm gương của Trung úy Nguyễn Cảnh Ngọc (quê ở huyên Yên Thành, tỉnh Nghệ An), Trưởng ngành Thông tin ra đa trên tàu 380, được cả Lữ đoàn biết đến. Người sỹ quan trẻ này khi hết giờ tập chính thức còn tranh thủ luyện thêm, kiên trì uốn nắn từng động tác để đạt độ chính xác cao nhất.
Trung úy Ngọc tâm sự: “Sỹ quan, chiến sỹ thuộc lữ đoàn tàu chiến, sống, làm việc trên biển trong mọi tình huống và điều kiện thời tiết. Nếu không rèn luyện thật kỹ môn “đi cầu sóng” thì khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đây là yêu cầu sống còn, không thể có sự di du, nhân nhượng. Từng qua Học viện Hải quân và có hệ thần kinh vững vàng, nhưng để đạt điểm tối đa trong môn “đi cầu sóng” thì tôi phải bỏ rất nhiều công sức.
Dù đi biển nhiều lần nhưng hễ lên bờ là tôi lại nghiêm túc tập môn “đi cầu sóng”. Không thể chủ quan vì kỹ năng giữ thăng bằng trên sóng cần được rèn luyện thường xuyên”.
Cùng với “đi cầu sóng” thì “vòng quay trụ” là bộ môn rèn luyện thể lực đặc thù của binh chủng hải quân và được Lữ đoàn 167 cũng như tất cả các đơn vị của Vùng 2 Hải quân đặc biệt chú trọng.
Dụng cụ này là một vòng sắt có đường kính gần 2 m và có thể quay thuận hay ngược chiều kim đồng hồ. Phương pháp tập luyện gần giống với cách thức đào tạo phi công vũ trụ.
“Vòng quay trụ” luyện cho bộ đội có hệ tiền đình và hệ thần kinh vững như thép khi sống trong một khoang hẹp của con tàu và gặp gió to, sóng lớn. Các thủy thủ bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, chỉ cảm nhận được mọi việc qua độ rung lắc rất mạnh của con tàu.
Tiền đình bao gồm các bộ phận của tai trong và não, có nhiệm vụ xử lý thông tin cảm giác liên quan đến việc kiểm soát sự cân bằng và chuyển động của mắt.
Đây là hệ thống cảm giác chịu trách nhiệm cung cấp cho não bộ thông tin về chuyển động, vị trí đầu và định hướng không gian. Tiền đình cũng liên quan đến các chức năng vận động cho phép cơ thể con người giữ thăng bằng, ổn định đầu và cơ thể trong quá trình di chuyển và duy trì tư thế.
Bởi vậy, có được hệ tiền đình vững vàng là “trang bị” đầu tiên cần phải tính đến đối với các thành viên tàu chiến.
Tập môn này không quá khó, điều đáng nói là phải duy trì được nhiều vòng quay và khi ra khỏi vòng vẫn đứng vững trên đôi chân của mình.
Trung tá Đặng Xuân Chương, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 167, chia sẻ: Nếu luyện tập bài bản từ đầu đến cuối thì ai cũng có thể đạt yêu cầu của môn “vòng quay trụ” sau một thời gian nỗ lực.
Chiến trường K: Luồn qua chốt địch – Thót tim vì tiếng động quái lạ, thật sự ngỡ ngàng! NÓNG: Ông Trump không tới, ai giao cặp hạt nhân cho ông Biden trong lễ nhậm chức – 65.000 lính Mỹ ở Trung Đông nguy hiểm? Hạm đội 5 Mỹ và tàu chiến Hàn Quốc áp sát Iran, Eo Hormuz lại nóng rực – Thổ ra đòn hiểm, tàu Hy Lạp “ôm đầu máu”!
Người có năng khiếu thì tập nhanh, quay được nhiều vòng. Người nào không có năng khiếu thì phải kiên trì rèn luyện để nâng cao kỹ năng. Khi đã thành thục kỹ thuật thì khả năng tăng dần số vòng không khó.
Trung úy Nguyễn Văn Thắng (quê ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), quân nhân chuyên nghiệp, là một trong những người đạt kết quả rèn luyện “vòng quay trụ” tốt nhất của tàu 380 và Lữ đoàn 167.
Trung úy Thắng chia sẻ: “Để hoàn thành môn này, ngoài hệ tiền đình tốt thì yếu tố khổ luyện rất quan trọng. Tôi không chỉ tập chính khóa, ngoại khóa mà sau mỗi buổi huấn luyện còn tự tập thêm 30 phút.
Lúc đầu, chỉ quay khoảng 15 – 20 vòng là tôi hoa mày chóng mặt, chân đứng không vững, cơm không muốn ăn, có biểu hiện giống hệt say sóng, say xe. Về sau, mỗi ngày tôi tăng thêm một vòng, rồi hai vòng, ba vòng. Đến nay, mỗi buổi tập tôi có thể quay được trên dưới 200 vòng.
Nhờ đó, trong mỗi chuyến đi biển, dù sóng to gió lớn thế nào, tôi vẫn luôn tỉnh táo và giữ được thăng bằng, không bao giờ có biểu hiện say sóng. Với tôi, lời dạy của thế hệ cha anh – Đổ mồ hôi trên thao trường để bớt đổ máu trên chiến trường – vẫn giữ nguyên giá trị”.
Được biết, Lữ đoàn 167 là một trong những đơn vị đạt nhiều thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Vùng 2 Hải quân, góp phần quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ vùng biển rộng hơn 300.000 km2, trải dài từ mũi Ba Kiệm (tỉnh Bình Thuận) đến cửa sông Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu).
Trần Quang Vinh