Bí quyết của vùng đất bị lạm phát bỏ quên

Lạm phát hiện đang là vấn đề nhức nhối với đa số các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Tại EU, lạm phát đã lên tới gần 10%. Trong khi hàng loạt quốc gia đang đau đầu vì giá cả tăng phi mã, Thụy Sỹ vẫn ung ung với mức lạm phát chỉ 3%. Vậy bí mật của Thụy Sỹ là gì?

Trong cả thời kỳ khó khăn lẫn tươi đẹp, đồng franc Thụy Sỹ (CHF) vẫn luôn mạnh mẽ, thậm chí còn đã vượt qua giá của EUR trong những tháng gần đây.

Từ lâu, CHF đã được coi như là kênh trú ẩn an toàn do sự ổn định của nền kinh tế và chính trị Thụy Sỹ cũng như tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra khiến nhà đầu tư chuyển tài sản vào đồng CHF, khiến giá đồng nội tệ của Thụy Sỹ tăng.

Đồng nội tệ mạnh giúp giá hàng hóa nhập khẩu giảm xuống. Bởi Thụy Sỹ phụ thuộc lớn vào hàng hóa từ nước ngoài, chi phí nhập khẩu giảm sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát.

Tờ Neue Zürcher Zeitung cho biết: “Hàng hóa nhập khẩu là nhân tố chính thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, [đồng franc mạnh] đã khiến hàng nhập khẩu rẻ đi, giúp Thụy Sỹ có sức mua lớn hơn trên thị trường quốc tế”.

Ngoài ra, đồng nội tệ của Thụy Sỹ còn được bảo đảm bởi kho dự trữ vàng lớn thứ 8 thế giới, với hơn 1.000 tấn. Trước đây, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) từng yêu cầu các ngân hàng thương mại phải nắm giữ 40% dự trữ bằng vàng, tuy nhiên quy định này đã bị dỡ bỏ từ năm 1999.

Cuộc xung đột Ukraine, các biện pháp trừng phạt và hành động trả đũa của Nga đã đẩy giá năng lượng tăng cao và là nhân tố chính thúc đẩy lạm phát tại các châu Âu. Giá khí đốt, điện tại đa số các nước đều tăng gấp nhiều lần chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây.

Tuy nhiên, như đã nói thủy điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu điện năng của Thụy Sỹ, và nhìn chung, tỷ lệ năng lượng trong giỏ hàng hóa cũng thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác.

Với sự trợ giúp của nhiều công nghệ khác nhau, Thụy Sỹ đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bởi vậy, cú sốc năng lượng trên thị trường thế giới không ảnh hưởng lớn tới Thụy Sỹ.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chưa đến 1% lượng điện tiêu thụ ở Thụy Sỹ là từ dầu mỏ và khí đốt, trong khi 57% có nguồn gốc từ thủy điện và 34% từ năng lượng hạt nhân.

Tại Liên minh châu Âu (EU), hơn 1/5 lượng điện được được sản xuất bằng khí đốt và hơn 1/8 bằng than đá, hai loại hàng hóa có mức tăng giá chóng mặt trong những tháng qua.

Chi phí lao động cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng tới lạm phát tại Thụy Sỹ. Theo tờ The European Times, đa số giá cả của một các mặt hàng như lương thực tại Thụy Sỹ tới từ lao động chứ không phải nguyên vật liệu.

Một ví dụ điển hình là bánh mì. Tại Thụy Sỹ, giá một kilogram bánh mì là 5,5 EUR, trong khi giá ở Đức chỉ là 2,4 EUR. Giả sử hai nước cùng nhập bột mỳ, trứng, sữa thì khi giá bột mỳ tăng thêm 0,1 EUR, bánh mì của Thụy Sỹ sẽ chỉ đắt hơn 2%, so với 4% ở Đức.

Nếu như so sánh với các quốc gia nghèo hơn ở châu Âu như Bulgaria, thì tỷ lệ tăng giá của bánh mỳ khi nguyên liệu tăng thêm 0,1 EUR sẽ còn lớn hơn nhiều.

Một điểm khác biệt nữa của Thụy Sỹ là sự chú trọng tới ngành sản xuất nội địa. Quốc gia này sẽ chỉ cho phép nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài nếu chúng không cạnh tranh trực tiếp với nền sản xuất trong nước.

Thụy Sĩ là một trong những nước giàu có nhất thế giới, với GDP bình quân cao hơn cả các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản và Đức. Các thành phố Zurich và Geneva cũng thường xuyên nằm trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU).

Tỷ lệ thu nhập chi cho thực phẩm và chỗ ở của người Thụy Sĩ cũng thấp hơn so với cho những thứ không thiết yếu. Giá tăng chủ yếu nằm ở nhu yếu phẩm, như nhiên liệu, lương thực. Vì thế, người dân nước này ít cảm nhận được tác động từ lạm phát

Trong số các sản phẩm chủ chốt thường được dùng để theo dõi lạm phát ở châu Âu (gồm thực phẩm, nhà ở và phương tiện giao thông), gần một phần ba chịu sự quản lý giá của chính phủ Thụy Sĩ.

Giá thực phẩm nước này tháng 12 năm ngoái chỉ tăng 4% so với năm trước đó. Mức này ở Mỹ là 11,9%, Anh là 17% và Đức là gần 20%.

Thuế nhập khẩu cao với một số loại nông sản cũng đồng nghĩa các sản phẩm nội địa, như sữa hay phomai, có giá dễ chịu hơn. Điều này giúp kích thích kinh tế trong nước.

Nội dung: Hạ Băng
Đồ họa: M.N

Từ khóa: ,