Bị ông Đoàn Ngọc Hải đòi lại tiền, lãnh đạo TP Châu Đốc lên tiếng
Bị ông Đoàn Ngọc Hải lên mạng xã hội đòi lại tiền đã hỗ trợ cất nhà cho dân, ông Lâm Quang Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc khẳng định: “Chúng tôi không vô cảm”.
Chuyện bắt đầu từ thông tin trên mạng xã hội. Sáng 10.4.2021, trên Facebook của ông Đoàn Ngọc Hải công bố đích danh 2 địa phương, trong đó có TP. Châu Đốc (An Giang) đã chậm xây nhà tình thương cho đồng bào nghèo sau khi đã tiếp nhận tiền hỗ trợ.
Cụ thể, ông Hải viết: “Tôi đã chuyển khoản cho đơn vị của các quý vị vào ngày 2.3.2021, đến hôm nay đã là 1 tháng 8 ngày và sau nhiều lần viết bài cảnh báo, nhắc khẩn trương xây nhà tình thương cho đồng bào nghèo trước mùa mưa sắp tới, nhưng đến nay vẫn không thấy gì. Theo ông Hải, điều này là “QUÁ VÔ CẢM, KHÔNG GIỮ THỂ DIỆN VÀ KHÔNG CÓ MỘT TÍ TRÁCH NHIỆM NÀO TRƯỚC ĐỒNG BÀO QUỐC DÂN (nguyên văn).
Theo ông Hải, danh sách hộ nghèo, lãnh đạo địa phương luôn có sẵn và việc xây nhà tình thương chỉ hết khoảng 15 ngày.
Trong khi đó, theo ông Thi, việc ông Hải “nóng lòng”, thể hiện mong muốn chuyển nhanh “tấm lòng vàng” của nhà hảo tâm đến người dân, rất đáng hoan nghênh. Nhưng địa phương cũng có cái khó. “Không phải chúng tôi biện minh, nhưng thực sự Châu Đốc không phải vô cảm…” – ông Thi chia sẻ.
Theo ông Thi, đúng là năm nào Châu Đốc cũng kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ người dân địa phương. Vừa qua, thông qua chị Thủy, phó Văn phòng Thành ủy Châu Đốc, ông Hải có nhã ý gởi đóng góp 106 triệu đồng hỗ trợ Châu Đốc cất nhà tình thương. Tuy nhiên, địa phương không thể, vừa nhận xong là tung ra cất nhà ngay mà phải tuân thủ quy trình luật định.
Theo ông Thi, do đến năm 2019 Châu Đốc không còn hộ nghèo, chỉ có hộ cận nghèo và đến 2020 giảm thêm 200 hộ cận nghèo nữa. Vì vậy, sau khi tiếp nhận số tiền trên, Châu Đốc đã đưa vô Quỹ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Châu Đốc để nơi đây tổ chức xem xét cất nhà cho người dân theo quy định Nhà nước. Châu Đốc cũng đã thống nhất, khi cất xong, sẽ mời đại diện nhà hảo tâm đến bàn giao.
Cụ thể, phải tổ chức bình xét đối tượng đúng theo tiêu chí và áp dụng số tiền hỗ trợ đúng theo quy định. Theo ông Thi, Châu Đốc chỉ có thể thực hiện hỗ trợ nhà cho người dân khó khăn với số tiền là 40 triệu đồng/căn, chứ không thể áp dụng cao hơn mức dành cho nhà hộ chính sách.
Vì thế nếu chấp nhận tất cả những tiêu chí riêng của các nhóm từ thiện, dễ dẫn đến hệ lụy. Bởi mỗi đoàn có mức hỗ trợ khác nhau, tiêu chí khác nhau… nên khi triển khai, không chỉ gây ra nạn không chấp hành quy định pháp luật, thiếu công bằng xã hội mà còn bắc cầu mầm bất ổn xã hội…
“Sáng nay, trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Châu Đốc, chúng tôi thống nhất, nếu vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ, mà bị đòi lại tiền, Châu Đốc sẽ chuyển trả lại” – ông Thi nhấn mạnh – “Điều này không có nghĩa là Châu Đốc không cần. Ngược lại, Châu Đốc rất cần và luôn mong muốn các nhà hảo tâm chung tay cùng địa phương hỗ trợ người dân khó khăn, nhưng trên hết, Châu Đốc vẫn cương quyết quan điểm: Thượng tôn pháp luật”.
Lục Tùng