Bí mật quốc gia, nguồn gốc khủng hoảng bùng nổ khắp Trung Quốc
Trung Quốc phải đối mặt với sự thiếu hụt thịt lợn trầm trọng và cần tìm nguồn cung thay thế là điều cần thiết để duy trì sự ổn định xã hội.
Khủng hoảng nguồn cung và giá
Không chỉ là thực phẩm phổ biến nhất tại đất nước tỷ dân, thịt lợn còn là biểu tượng của sự thịnh vượng vào năm 2019 năm Kỷ Hợi. Trung Quốc phải đối mặt với sự thiếu hụt thịt lợn trầm trọng và cần tìm nguồn cung thay thế là điều cần thiết để duy trì sự ổn định xã hội.
Thịt lợn chiếm hơn 60% lượng tiêu thụ thịt của đất nước đông dân nhất thế giới, được coi là thước đo phúc lợi tài chính và là điểm tựa cho giá thực phẩm khác. Ngay cả khi giá thịt lợn tăng, tỷ lệ lạm phát tiêu dùng chính thức vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của chính phủ, làm tăng nghi ngờ về độ tin cậy thống kê của chính phủ.
Giá thịt lợn tăng cao lại có thể là tín hiệu tốt cho những người chăn nuôi lợn ở Mỹ, vốn hy vọng sẽ tăng doanh số bán cho Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã đẩy thịt lợn Mỹ ban đầu dưới mức thuế 12% lên tới 72% khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trả đũa để đáp trả thuế quan liên tiếp của Mỹ từ tháng 7 năm ngoái đối với hàng hóa Trung Quốc. Mức tăng mới nhất là 10% vào đầu tháng này.
Chỉ riêng trong tháng 8/2019, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng gần 50%, dự đoán sẽ còn tăng cao cho đến cuối năm.
Theo dữ liệu từ Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn thứ ba của Mỹ trong năm 2018, sau Nhật Bản và Mexico. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu thịt lợn của Mỹ tính theo tấn sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) năm ngoái đã giảm gần 30% so với năm 2017. Giá trị xuất khẩu thịt lợn cũng giảm xuống 852 triệu USD từ 1,1 tỷ USD trong năm 2017.
Lei Yi, nhà phân tích của China Merchants Securities nói trên tờ South China Morning Post: “Trung Quốc cần trên 10 triệu tấn thịt lợn, trong khi toàn bộ trữ lượng thịt lợn đông lạnh chỉ ở mức khoảng 990.000 tấn.”
Do đó, Trung Quốc phải oằn mình tìm kiếm những nguồn nhập khẩu mới để kiềm chế tăng giá từ các quốc gia như Brazil và Đan Mạch và mở nguồn dự trữ thịt lợn khẩn cấp.
Bí mật quốc gia
Thịt lợn là một mặt hàng thực phẩm quan trọng ở Trung Quốc, nên từ TƯ tới các địa phương đều duy trì dự trữ kể từ những năm 1970. Nhưng khối lượng dự trữ là một bí mật nhà nước. Các quan chức Trung Quốc đã tìm cách trấn an người dân về nguồn cung thịt lợn.
Theo Trung tâm quản lý dự trữ hàng hóa Trung Quốc, việc bán lần đầu sẽ được giới hạn ở mức 300 tấn. Thông báo được đưa ra trong thời gian sắp tới kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10. Các lễ kỷ niệm quốc gia sẽ bao gồm một cuộc diễu hành quân sự và một kỳ nghỉ kéo dài một tuần. Khi đó, lượng tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ quan trọng và trong các cuộc họp mặt gia đình.
Theo Tân Hoa Xã, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa khẳng định vào tháng 8: “Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp thịt lợn bằng mọi cách và kiểm soát chặt chẽ đầu cơ thị trường, tích cực thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thịt thay thế và tăng dự trữ thịt lợn đông lạnh.”
Trung Quốc sẽ xả 10.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ nhằm kiềm chế giá cả tăng cao có thể gây bất ổn xã hội trước ngày quốc khánh sắp tới.
Rabobank, một công ty dịch vụ tài chính chuyên về thực phẩm và nông nghiệp, dự đoán năm nay Trung Quốc sẽ mất từ 20% đến 70% số lượng đàn với 350 triệu con lợn.
Các nhà phân tích cho rằng việc triển khai dự trữ thịt lợn sẽ không đủ để hạ nhiệt về giá, dự kiến còn tăng trong thời gian tới nhất là vào đầu năm mới của Trung Quốc. Để tăng cường nguồn cung, Trung Quốc kêu gọi chính quyền địa phương lật ngược các chính sách trước đây về việc đóng cửa các trang trại lợn nhỏ.
Cầu cứu từ quốc tế
Sau khi Mỹ tuyên bố trì hoãn việc tăng thuế từ ngày 1/10 vào dịp quốc khánh Trung Quốc, ngay lập tức, Trung Quốc cũng miễn thuế một số mặt hàng nông sản của Mỹ bao gồm: thịt lợn và đậu nành. Hành động miễn trừ thuế có thể là một con bài mặc cả trong cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.
Tờ Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và tiềm năng lớn đối với hàng nông sản chất lượng cao của Mỹ. Nước này cũng hy vọng Mỹ sẽ giữ đúng lời nói của mình, đạt được tiến bộ về các cam kết và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác nông nghiệp song phương.
Việc đẩy lùi các mức thuế được hoan nghênh vì khi Mỹ nhượng bộ, một nhà kinh tế học ở Trung Tây Mỹ ước tính rằng cứ tăng 1% lượng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc bằng 5% sản lượng chăn nuôi thịt lợn của Mỹ.
Trung Quốc tiêu thụ một nửa sản lượng thịt lợn trên thế giới. Cuộc khủng hoảng thịt lợn có tác động đáng kể đến thương mại thịt toàn cầu. Lỗ hổng lớn trong sản xuất thịt lợn đã dẫn đến một khối lượng lớn thịt lợn được xuất khẩu sang Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới, dẫn đầu là Tây Ban Nha và Đức. Điều này đã góp phần làm tăng giá thịt lợn trên toàn cầu, mặc dù tác động hầu như không được cảm nhận ở Anh.
K.H/(Theo Vietnamnet)