Bí mật nhà nghề ít được biết đến của làng tình báo CIA và KGB
Dù được bảo mật, các “ngón nghề” về tuyển dụng, huấn luyện… của các cơ quan tình báo khét tiếng như CIA, KGB vẫn bị lộ ra ngoài.
Điệp viên CIA phải thông hiểu về Liên Xô
Để thu thập thông tin về Liên Xô, CIA đã tích cực sử dụng các nguồn mở và từ những năm 1960, ở Mỹ đã có các hệ thống dịch máy các ấn phẩm của Liên Xô, chủ yếu là các công trình khoa học. Tuy nhiên, cùng với việc đó, cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ liên tục gửi các điệp viên và kẻ phá hoại đã qua các khóa huấn luyện đặc biệt tới lãnh thổ Xô viết.
Hàng nghìn người Mỹ và công dân của các nước khác trên thế giới thông qua các kênh trao đổi khoa học, du lịch, văn hóa quốc tế và ngoại giao đã ở Liên Xô một cách hợp pháp. Những người nước ngoài được tình báo Mỹ tuyển dụng nhận được hướng dẫn cơ bản, cụ thể và chi tiết về tâm lý của người Xô viết – điều cần thiết để thu thập thành công thông tin từ các công dân Liên Xô.
Vào những năm 1950, CIA đã phê duyệt “Kế hoạch Tấn công Tâm lý (Liên Xô)”, trong đó, có liệt kê một danh sách các giá trị chung của Nga và “thế giới tự do”. Trước hết, đó là lòng hiếu khách, sự trung thực, tình yêu thương gia đình, lòng nhân ái và sự hào phóng. Người ta cho rằng các cuộc trò chuyện về những chủ đề này có thể thu hút được thiện cảm của những người đối thoại Liên Xô và khiến họ thẳng thắn.
Đặc biệt người Nga thích nói về sự đóng góp của người Nga đối với văn hóa thế giới, về nền văn học Nga vĩ đại. Khi đòn đánh vào lòng tự tôn dân tộc của người Nga không có kết quả, người Mỹ sử dụng “con bê vàng” – khai thác việc công dân Liên Xô thường bán thông tin để đổi lấy hàng hóa, đồ ngoại. Khi cả điều này cũng không giúp được gì, các điệp viên phải dùng đến áp lực mở.
“Để thu hút những người nắm giữ thông tin tình báo đáng quan tâm vào mạng lưới gián điệp của mình, các cơ quan đặc vụ Mỹ không từ bất cứ thủ đoạn nào”, cuốn “Bí mật của các cơ quan mật vụ Mỹ” xuất bản ở Moscow năm 1973 cho biết. Họ kích động nhân dân Liên Xô thực hiện các hành động bất hợp pháp, tạo ra các tình huống để có thể bị buộc tội, tuyên truyền và kích thích lòng tham kinh tế, tìm kiếm điểm yếu ở nạn nhân của họ; sau đó, thường bằng cách tống tiền trực tiếp, cố gắng thuyết phục “con mồi” hợp tác”.
Một loại gián điệp khác của CIA là những cựu công dân Liên Xô, thường là những người thuộc làn sóng di cư thứ hai. Trong những năm 1949-1960, việc gửi ồ ạt các đặc vụ loại này được thực hiện theo chương trình Aerosol. Những người này vượt qua biên giới ở những nơi khó tiếp cận, và đôi khi được thả dù. Ở Liên Xô, họ dùng tiền bạc thu phục các thành viên của tổ chức chống Liên Xô, đại diện của các dân tộc thiểu số của Nga, người Ukraine chống đối và những người Baltic theo chủ nghĩa dân tộc.
Các điệp viên là người di cư được đào tạo tại “Viện Nghiên cứu Liên Xô” và tại một số trường tình báo. Theo quy luật, những người này nhớ về thực tế Liên Xô, tuy nhiên, nhiều điều đã thay đổi trong thời gian họ vắng mặt. Các điệp viên có thể bị lộ vì họ không biết các câu cửa miệng, tiếng lóng từ các bộ phim hoặc các từ viết tắt thông thường xuất hiện trong những năm gần đây.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tạp chí Time đã đăng một bài báo về trại huấn luyện “Mũ nồi xanh” ở Bad Tölz, Tây Đức. Ở đó, những kẻ phá hoại được dạy tiếng Nga và các ngôn ngữ Đông Âu khác. Ngoài việc thông thạo ngôn ngữ, các đặc vụ phải biết, ví dụ, lời của các bài hát phổ biến. Thông tin có giá trị về nội dung của các chương trình đào tạo đã được cung cấp cho các cơ quan mật vụ Liên Xô bởi điệp viên CIA Yevgeny Golubev, người được đào tạo tại trường tình báo ở Badwerisofen (Bavaria) mà người Mỹ đã tung vào Sakhalin năm 1952.
Nhà nghiên cứu Alexander Kostanov cho biết: “Việc giảng dạy và đào tạo tâm lý cho các học viên nhằm củng cố quan điểm và niềm tin chống Liên Xô của họ. Đồng thời, để cập nhật về tình hình Liên Xô, họ được phép nghe các chương trình phát thanh của Liên Xô, đọc báo Pravda và Izvestia. Say rượu được coi là thói quen xấu nhất của người dân Liên Xô (cùng các điểm yếu cố hữu thường gặp ở người Liên Xô: tham lam, khoe khoang, kiêu căng, v.v.), là “vũ khí” lợi hại đối với các điệp viên. “Cho người đàn ông uống. Rượu là đồng minh của bạn”, một trong những phương châm hành động của CIA.
Huấn luyện điệp viên
Nhà báo, nhà văn và sử gia về ngành tình báo Alexander Vasiliev, tác giả của hai cuốn sách thuộc tài liệu lưu trữ của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (từ 1987 đến 1990, là nhân viên của Tổng cục I KGB, từ giữa những năm 90, sống cùng gia đình ở Anh), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Na Uy rằng, tại Học viện mang tên Yu.V. Andropov, nơi ông theo học 2 năm vào cuối những năm 80, người ta đã dày công đào tạo những cán bộ tình báo kỹ năng che giấu “bản chất gián điệp của họ” không chỉ bằng cách thông qua tóc giả, đeo kính màu và biến đổi hình thức bên ngoài.
Ngoài ngoại ngữ, chính trị và kinh tế, tại Học viện Andropov, các học viên còn được dạy cách tuyển dụng các đặc vụ, trong đó các trò chơi nhập vai được sử dụng – các sĩ quan cấp cao đóng vai người nộp đơn tuyển dụng hoặc đã được tuyển dụng. Alexander Vasiliev cho công tác tuyển dụng là môn học khó nhất, vì nó đòi hỏi học viên phải có sự chuẩn bị tâm lý đặc biệt và khả năng hiểu một người một cách sâu sắc, toàn diện.
Cựu sĩ quan tình báo Vasiliev tin rằng, khó khăn chính trong những năm học tập là phát triển khả năng “tốt với mọi người” – điều này cũng được yêu cầu bởi nghề nghiệp tương lai để thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Một điệp viên không biết cách hòa hợp với mọi người xung quanh mình thì không thể là một điệp viên giỏi – đây là quan điểm, theo Vasiliev, người ta đã dạy ở Học viện.
Hai năm trước, trang The Interpreter đã công bố một loạt tài liệu mật thể hiện chi tiết quá trình đào tạo các điệp viên KGB trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước với sáu giáo trình huấn luyện. Đầu tiên, các sĩ quan tình báo Liên Xô được dạy cách chọn quy trình tuyển dụng điệp viên nước ngoài. Trong giáo trình thứ hai, các học viên trường dòng KGB được huấn luyện đưa thông tin sai lệch, cả truyền miệng và bằng “tài liệu”. Đặc biệt, giáo trình “Tình báo chính trị từ lãnh thổ Liên Xô” cảnh giác các hình thức tuyển dụng công dân Liên Xô.
Trong giáo trình “Giao tiếp với đặc tình”, hướng dẫn về việc lựa chọn địa điểm để giao tiếp với đặc tình đã được trình bày chi tiết. Các điệp viên KGB thậm chí còn được dạy… để “giáo dục” các đặc vụ được tuyển dụng, những người, như được mô tả trong các cẩm nang, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mô hình và hành vi tư sản; các học viên được dạy áp dụng cách tiếp cận riêng với những đối tượng như vậy…
Trong cuốn “Những chỉ dẫn bí mật của CIA và KGB về việc thu thập dữ kiện, âm mưu và thông tin sai lệch” của Viktor Popenko như chính tác giả đã chỉ ra, dựa trên hồi ký của các cựu điệp viên CIA, mà họ đã viết vào thời kỳ hậu Xô viết, kể chi tiết về hệ thống đào tạo các điệp viên CIA. Popenko viện dẫn các đặc điểm thực tế trong một trường tình báo của Mỹ có tên “Trang trại” (“Farm”) đóng ở thị trấn Camp Perry (Virginia).
Giống như ở trường KGB, các học viên của trung tâm đào tạo này học ngoại ngữ và các ngành khác (hoạt động tình báo, các hoạt động quân sự và tâm lý…), mỗi người trong số họ được chỉ định một người hướng dẫn-cố vấn, được lưu ý về những điểm mạnh và điểm yếu của đặc vụ tương lai. Chính thức, họ học ở trường tình báo trong một năm, nhưng họ “thử thách” đặc vụ trong trạng thái sẵn sàng “chiến đấu” trong vài năm nữa.
Tại “Farm”, họ được huấn luyện về thể chất và bắn súng (bao gồm cả bắn bằng các loại vũ khí “gián điệp” đặc biệt). Rèn luyện thể chất bao gồm chơi bóng rổ, bóng chuyền, cử tạ. Các giờ học võ thuật tổng hợp để huấn luyện một đặc vụ có thể chống trả trong trường hợp bị kẻ thù tấn công bất ngờ. Trong cuốn sách của Viktor Popenko, thậm chí còn mô tả các hướng dẫn bằng hình ảnh để huấn luyện một số “thủ thuật” gián điệp, được dạy cho các học viên của “Farm”. Có hẳn cả chương ăn cắp mẫu chìa khóa bằng cách sử dụng các loại vật liệu khác nhau để lấy dấu chìa khóa – sử dụng plasticine, stens (dùng trong nha khoa), silicone paste, polyme, thạch cao…
Các nhà sử học hiện đại của các cơ quan đặc vụ tin rằng, sự mất cân đối nhất định giữa số lượng hồi ký của các cựu điệp viên KGB và CIA đã không giúp có được một phép so sánh toàn diện và chi tiết về phương pháp đào tạo của các trường tình báo của Liên Xô và Mỹ; hầu hết thông tin về hoạt động của các cơ sở đào tạo sĩ quan tình báo Liên Xô vẫn còn được bảo mật hoặc được các tác giả hồi ký trình bày một cách xuề xòa, khô khan và không có các thông tin liên quan cần thiết.
Nguyên tắc chọn mật danh
Theo các các nguồn mở, các “mật danh” hoạt động của các tình báo viên trong các tài liệu chính thức của tình báo Liên Xô là ngắn gọn và dễ nhớ, không có quy định nghiêm ngặt nào liên quan đến việc chọn mật danh cụ thể cho một cán bộ tình báo. Cựu thiếu tá KGB Boris Karpichkov (theo một số nguồn tin, là điệp viên hai mang của tình báo Anh), người từng làm việc ở Latvia và chạy sang phương Tây sau khi Liên Xô sụp đổ cho rằng, trong việc lựa chọn “mật danh”, “mỗi người được chọn tùy thích”.
Khi được hỏi tại sao chọn mật danh “Con kiến” (“Ant”) cho mình, Karpichkov giải thích: “Con kiến nhỏ, nhưng nó cắn rất đau!” … Về cơ bản, theo Karpichkov, những người hoạt động trong mặt trận vô hình này có thể tự chọn biệt danh của mình, theo ý của mình. Một đặc điểm thống nhất nổi bật là các mật danh đó phải là một từ, ngắn và kêu, càng nhiều nghĩa càng tốt.
Tổng thống Putin đương nhiệm của Nga có “mật danh” hoạt động là “Platov”, được lấy trong thời gian học tập tại trường tình báo. Theo “cựu trưởng khoa” của trường tình báo nơi Putin học và “người bạn cùng khóa”, chính ông đã chọn “nickname” này cho Putin – ông giải thích sự lựa chọn này là do bút danh ngắn và có từ giống với tên thật.
Mật danh hoạt động nổi tiếng nhất của sĩ quan tình báo huyền thoại Liên Xô Richard Sorge là Ramsay. Ở vùng Penza hiện đại, thuộc quận Mokshan, có làng Ramzai. Từ Finno-Ugric từ “Ramzai” có nghĩa là “Nước tinh khiết”. Các sử gia các cơ quan tình báo của Liên Xô có một giả thuyết rằng mật danh đó được đặt cho Sorge bởi người cố vấn của ông – K. M. Basov – một cán bộ của Cục tình báo đối ngoại Liên Xô.
Lê Ngọc/VOV