Bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn, tài xế hỏi ’em sai cái gì?’
Bị CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn, anh T.Q.P khẳng định không nhậu, yêu cầu CSGT cho xem chuyên đề khi bị kiểm tra nồng độ cồn.
Tối 23.1, Đội CSGT Phú Lâm thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08), Công an TP.HCM tổ chức lực lượng thực hiện chuyên đề “kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế” dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực Trạm thu phí An Sương – An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM), Đội CSGT Phú Lâm đã dừng khoảng 45 xe ô tô, xe tải để kiểm tra nồng độ cồn. Tài xế khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn đã xuống xe yêu cầu được xem chuyên đề vì cho rằng CSGT lập chốt nhưng để biển thông báo khuất tầm nhìn.
“Nhà tôi có công với cách mạng…!”
Khoảng 20 giờ cùng ngày (23.1) Đội CSGT Phú Lâm gồm 4 cán bộ có mặt tại khu vực Trạm thu phí An Sương – An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đối với tài xế lái xe theo hướng từ Q.Bình Tân đi H.Bình Chánh.
Lúc 21 giờ, anh T.Q.P (36 tuổi, quê Đồng Tháp) lái xe ô tô BS 66A 144.xx đến khu vực này, được tổ công tác dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này, anh P. có phần dè dặt, vẫn đeo khẩu trang khi thổi vào máy đo nồng độ cồn cảm biến vì “sợ lây nhiễm Covid-19”, đồng thời yêu cầu cán bộ CSGT đứng xa 2 mét vì anh chưa tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 “lỡ chết ai chịu trách nhiệm?”. Nói rồi anh P. bước xuống xe làm hành động giơ bằng lái xe lên trước mặt cán bộ, trong khi kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế tài xế không cần xuống xe và CSGT cũng chưa yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ kiểm tra hành chính.
Khi CSGT nhắc nhở “Nếu anh không chấp hành hiệu lệnh, nhắc nhở 3 lần thì sẽ có biện pháp xử lý”. Anh P. khẳng định mình không nhậu nên không cần thổi nồng độ cồn, CSGT dừng xe anh là không đúng quy trình, cần xem chuyên đề của CSGT. Đồng thời, anh P. còn cho rằng bảng thông báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn – STOP” là sai quy định, khuất tầm nhìn và có hành động dùng tay đánh, di dời bảng thông báo đến vị trí khác.
Trước yêu cầu của anh P., cán bộ Đội CSGT Phú Lâm giải thích: “Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn… đã được tuyên truyền rộng rãi. Chúng tôi tuần tra, xử lý đều theo kế hoạch rõ ràng và đã được lãnh đạo duyệt. Chúng tôi yêu cầu anh phối hợp kiểm tra nồng độ cồn”. Anh P. đáp: “Tôi thấy anh đưa có chữ kế hoạch, vậy còn dấu mộc đâu?”…
Đáng nói, khi vợ và mẹ xuống xe can ngăn, anh P. cũng phớt lờ, nói tiếp: “Có gì đâu mà sợ, tôi là con gia đình cách mạng. Mấy anh thử đụng vô xe tôi coi. Mấy xe kia sao không bắt đi, thấy xe tôi biển số của tỉnh thì bắt. Ai dám giam xe, giam bằng lái của tôi…”.
Mức xử phạt hành chính lỗi nồng độ cồn vượt mức Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa đến 8 triệu đồng (đối với xe gắn máy); đến 40 triệu (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, đồng thời phương tiện sẽ bị tạm giữ 7 ngày.
Do anh P. không chấp hành hiệu lệnh nên Đội CSGT Phú Lâm đã gọi thông báo lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát khu vực, Trạm thu phí An Sương – An Lạc… đến hiện trường phối hợp giải quyết. Lúc này, anh P. bất ngờ quay sang năn nỉ xin CSGT cho được thổi nồng độ cồn. Sau khi kiểm tra, nồng độ cồn của anh P. là 0,892 miligam/lít khí thở, dưới sự khuyên ngăn của vợ, anh P. đồng ý ký biên bản vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, sau khi nghe CSGT thông báo sẽ giam xe, tạm giữ GPLX…, anh P. mới hốt hoảng gọi điện thoại cầu cứu người thân. Cầu cứu người thân bất thành, anh P. quay sang hỏi CSGT: “Mấy anh bắt người ta mà cái bảng thông báo không chịu để ngoài đường thì ai mà thấy. Bây giờ mấy anh thử đụng vô xe tôi đi… 3 tỉ đó. Mấy anh nói coi tôi sai cái gì, tôi chạy xe đúng làn đường, đúng tốc độ”…
Kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là gì? Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Mô hình này giúp CSGT kiểm tra được nhiều người điều khiển phương tiện hơn mà không bị dồn ứ.
Trước đây, CSGT dùng máy đo nồng độ cồn cũ phải yêu cầu tài xế xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn ở chế độ định lượng mới có thể phát hiện, nên mất nhiều thời gian và số lượng người được kiểm tra ít hơn. Trong khi đó, việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế chỉ cần tài xế dừng xe vào làn đường kiểm tra, không cần xuống xe, nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: “Anh chạy xe có mang theo giấy tờ không?”, “Quê anh ở đâu?”, hoặc đếm từ 1 – 5 là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có vi phạm về nồng độ cồn hay không. Nếu không có vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục lưu thông. Còn trường hợp phát hiện có vi phạm máy sẽ hiện dòng chữ “Cảnh báo”. Lúc này tài xế sẽ được yêu cầu xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn chuyên dụng để xác định được cụ thể mức độ vi phạm. Nhiều trường hợp tài xế ô tô khi nói chuyện với CSGT máy báo “Cảnh báo” nhưng khi kiểm tra định lượng để xác định mức độ vi phạm thì không có cồn. CSGT giải thích, đây có thể là do xe đang chở người có sử dụng rượu, bia hoặc có mùi rượu, bia. Còn trong tình hình dịch Covid-19, đây có thể là do người trên xe sử dụng nước rửa tay có chất cồn…
Hồng Anh