Bị cáo trong “Tổ đồng thuận”: Xác định đất đồng Sênh, xã Đồng Tâm của người dân là sai
Chiều 8/9, HĐXX TAND TP Hà Nội đành thời gian để các luật sư bào chữa cho các bị cáo tham gia xét hỏi nhằm làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến vụ án đổ xăng thiêu sống ba đồng chí Công an đang thi hành nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm.
Trong số 29 bị cáo hầu toà, 25 bị cáo bị truy tố về tội giết người (Điều 123 BLHS năm 2015), 4 bị cáo bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 BLHS năm 2015).
Tại phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), các luật sư đã tham gia xét hỏi các bị cáo, tập trung thẩm vấn xoay quanh việc bàn bạc, chuẩn bị hung khí và thực hiện hành vi ném bom xăng, lựu đạn, dao bầu gắn tuýp sắt… nhằm sát hại lực lượng làm nhiệm vụ. Trả lời câu hỏi của các luật sư, nhiều bị cáo khai bất nhất với lời khai trước đó và mâu thuẫn với lời khai của mình tại cơ quan điều tra.
Khai về việc ở cùng phòng với Lê Đình Kình vào đêm 8/1, rạng sáng 9/1/2020, lúc đầu bị cáo Bùi Viết Hiểu khai trong phòng rất tối, không thể nhìn rõ. Nhưng về sau, bị cáo Hiểu lại khai lúc đó đã nhìn thấy Lê Đình Kình 2 tay cầm đinh xiên cá dài 1,7 m, có 4 mũi xiên, Kình đứng dựa lưng vào tường.
Bị cáo Bùi Văn Tiến khai đêm 8/1, bị cáo ném “bom” xăng xuống trước cửa nhà Lê Đình Kình, các chai bom xăng khác Tiến không đưa tiếp cho ai. Bị cáo Tiến còn khai, bị cáo không vận chuyển vũ khí lên trần nhà Lê Đình Kình, không tham gia “Tổ đồng thuận”, chỉ là người dân bình thường.
Bị cáo Tiến cho rằng, mình cũng không tham gia, chuẩn bị cho việc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ mà việc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ chỉ là tình thế bất ngờ. Tiến cho rằng, việc vợ bị cáo là Trần Thị Phượng (cũng là bị cáo trong vụ án) đóng góp 1 triệu đồng để mua lựu đạn không liên quan đến mình.
Cáo trạng khẳng định, đêm 8/1, Bùi Viết Tiến đã cùng các bị cáo khác có mặt tại nhà Lê Đình Kình để bàn bạc cách thức tấn công lực lượng Công an làm nhiệm vụ. Nhóm này đã bê “bom” xăng, gạch đá, pháo, tuýp sắt gắn dao bầu lên mái tầng 1 nhà Lê Đình Chức, Lê Đình Kình và lên mái nhà tầng 2 nhà kề sát nhà Lê Đình Chức. Trước đó, bản thân Tiến cũng góp 1 triệu đồng để mua lựu đạn.
Bị cáo Đào Thị Kim khai việc bị cáo đưa cho chồng là Nguyễn Quốc Tiến (cũng là bị cáo trong vụ án) vay 1 triệu đồng, nhưng không biết là để chồng mua lựu đạn, không biết và không liên quan đến việc này. Dù khai bất nhất như vậy, nhưng bị cáo Quốc Tiến lại thừa nhận đã chuẩn bị xăng, trực tiếp làm “bom” xăng, chuẩn bị dây thép để làm bùi nhùi… nhằm tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Bị cáo Quốc Tiến thừa nhận hành vi của mình là sai và xin lỗi gia đình 3 đồng Công an đã hy sinh.
Trước đó, trả lời thẩm vấn của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Bùi Thị Đục khai rằng, bị cáo Lê Đình Công, Nguyễn Quốc Tiến bảo làm “bom” xăng, bùi nhùi, nhưng không biết để làm gì. Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi “bom” xăng, bùi nhùi không phải là đồ chơi nên không thể làm mà không có động cơ, mục đích, thì bị cáo Bùi Thị Đục không trả lời được.
Liên quan đến việc tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, trả lời các câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Văn Quân cho biết, khi bị cáo ném “bom” xăng và gạch đá từ trên cao xuống thì lực lượng làm nhiệm vụ vừa về đến cổng làng, chưa có hành động gì. Bị cáo Quân cho biết, bị cáo được dặn là “Ném dọa Công an để không bắt được ông Kình.”
Đặc biệt, trong chiều 8/9, bị cáo Bùi Viết Hiểu (SN 1943), tham gia “Tổ đồng thuận” cùng Lê Đình Kình chủ động xin được trình bày thêm. Bị cáo Hiểu xin lỗi HĐXX vì trong ngày xét xử đầu tiên, bị cáo khai nguồn đất đất từ năm 1981 là quá lạc hậu, vì từ đó đến năm 1990, Luật Đất đai thay đổi nhiều nhưng bị cáo không biết, cũng không kịp cập nhật tình hình về đất đai nên đến thời điểm này, bị cáo đã nhận thấy mọi hành vi, lời nói mình sai, nguyên nhân chính là do bị cáo không nắm bắt kịp pháp luật mới.
Bị cáo Hiểu khẳng định “Nhận thức của bị cáo và một số người dân ở xã Đồng Tâm khi xác định đất đồng Sênh của người dân là sai”. Do đó bị cáo Hiểu mong muốn HĐXX “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy lại”. Từ đó xem xét, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, đồng thời giảm nhẹ hình phạt cho những người đã nhận thức rõ sai phạm như bị cáo.
Trả lời câu hỏi của các luật sư, các bị cáo khác trong gia đình họ Lê như: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Lê Đình Quân… đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình liên quan đến việc sát hại ba đồng chí Công an trong lúc làm nhiệm vụ. Các bị cáo lý giải cho hành vi phạm tội của mình là do thiếu hiểu biết về pháp luật nên “Tổ đồng thuận”bị lôi kéo vào con đường phạm tội, do đó đã có những hành vi như: đánh kẻng báo động khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ đến xã Đồng Tâm, cầm đá, dao, “bom” xăng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm. Các bị cáo này mong muốn HĐXX xem xét, cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Sáng mai (9/9), phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Nguyễn Hưng/CAND