Bí ẩn cái chết của vị tỷ phú trong nhà tù Mỹ
Cái chết đột ngột của tỷ phú, nghi phạm ấu dâm Jeffrey Epstein trong nhà tù Mỹ đã dấy lên vô số thuyết âm mưu và hoài nghi liên quan đến nhiều nhân vật có máu mặt, kể cả cựu Tổng thống Bill Clinton.
Cuối tuần vừa qua, hàng loạt các hãng thông tấn lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin, tỷ phú Epstein được phát hiện bất tỉnh nhân sự tại buồng giam ở Trung tâm Cải huấn Metropolitan, New York, Mỹ lúc khoảng 6h30 (theo giờ địa phương) sáng 10/8. Nghi phạm ấu dâm này đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu lập tức nhưng các bác sĩ xác định ông ta đã chết.
Cơ quan quản lý nhà tù liên bang Mỹ tuyên bố, đây rõ ràng là một vụ tự tử. Song, trong dư luận có nhiều ý kiến nghi ngờ nhận định này. Họ đặt ra câu hỏi, ông Epstein chính xác đang nắm giữ những thông tin hệ trọng gì và tại sao một nghi phạm đang bị giám sát nguy cơ tự tử như ông ta lại có thể kết liễu cuộc đời mình trong buồng giam như vậy.
Epstein, 66 tuổi, bị bắt giam từ đầu tháng 7 sau khi ông ta không nhận tội mua dâm hàng loạt trẻ vị thành niên, trong đó có cả những thiếu nữ mới 14 tuổi trong giai đoạn 2002 2005. Epstein dự kiến sẽ chính thức ra hầu tòa vào năm tới và có thể phải lĩnh án tới 45 năm tù giam nếu bị kết tội xâm hại trẻ em và tổ chức mại dâm.
Đáng chú ý, ông Epstein từng cố gắng treo cổ tự tử hôm 23/7 nhưng bất thành. Kể từ đó, nhà chức trách đã giám sát chặt chẽ và tiến hành đánh giá tâm lý hàng ngày của tỷ phú này, nhưng vẫn đưa ông ta trở lại buồng giam ban đầu một tuần sau đó.
Theo CNN, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr bày tỏ sốc nặng về cái chết của tỷ phú Epstein. Quan chức này thừa nhận, sự cố đặt ra những nghi vấn nghiêm trọng cần được làm sáng tỏ.
Julio Rivera, tổng biên tập trang Reactionary Times tin, sự yếu kém trong công tác quản lý của Trung tâm Cải huấn Metropolitan nói riêng và của hệ thống nhà tù Mỹ nói chung phải chịu một phần trách nhiệm về cái chết của Epstein. “Đây là điều hoàn toàn không chấp nhận được xét về bản chất vụ việc, các cáo buộc cũng như số lượng nạn nhân liên quan đến vụ án”, bà Rivera nhấn mạnh, dù công nhận các nhà tù thường khó có đủ kinh phí và nhân lực để liên tục giám sát nguy cơ tự tử của các nghi phạm, dù đó có phải vụ án lớn hay không.
Nhà phân tích chính trị Charles Ortel cũng tán đồng quan điểm cho rằng, sự cố là sai lầm hệ thống của cơ quan quản lý nhà tù liên bang Mỹ. Báo RT dẫn lời ông Ortel giải thích: “Ở Mỹ, ít nhất tại những nhà tù liên bang như nơi giam giữ Epstein, nếu ai đó nằm trong danh sách giám sát nguy cơ tự tử, họ sẽ liên tục bị quay hình và ghi tiếng nói. Ngoài ra, sẽ có thêm một hoặc hai nhân viên chức trách đứng bên ngoài buồng giam của họ”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Nebraska Ben Sasse, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp thuộc Thượng viện Mỹ đã lên tiếng chỉ trích Bộ Tư pháp cũng như cơ quan quản lý nhà tù liên bang. Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Barr, ông Sasse gọi cái chết của Epstein là “sự thất bại của Bộ Tư pháp”, mang đến “thỏa thuận ngọt ngào cuối cùng cho những kẻ đồng lõa với tỷ phú.
“Là cơ quan chịu trách nhiệm giam và truy tố Epstein, Bộ Tư pháp không nên để điều này xảy ra. Cái chết của ông ta không chỉ tước đi cơ hội để các nạn nhân được đối mặt và chứng kiến ông ta bị buộc tội, mà còn gây khó khăn hơn trong việc làm rõ những kẻ đồng lõa với ông ta”, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Thượng viện viết.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở một cuộc điều tra về cái chết của Epstein. Bộ trưởng Barr và công tố viên liên bang cũng cam kết sẽ tiếp tục điều tra vụ án liên quan đến tỷ phú này cũng như làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến nghi vấn ông ta tự sát.
Tuy nhiên, dư luận Mỹ vẫn không ngừng xôn xao bàn tán về sự việc của tỷ phú Epstein. Họ ví những khuất tất quanh cái chết của Epstein tương đương những bí ẩn của vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy, đặc biệt khi vụ án của ông ta có liên quan đến nhiều người có máu mặt.
Theo Bloomberg, trong đơn kiện gửi tòa án, Virginia Roberts Giuffre, 33 tuổi, một người phụ nữ tự nhận là nạn nhân của Epstein tố cáo, khi còn là trẻ vị thành niên, cô bị tỷ phú ép quan hệ tình dục với một số quan chức chính phủ Mỹ, các doanh nhân giàu có và cả những nhân vật quyền lực, tiếng tăm khác như cựu Thống đốc bang New Mexico (Mỹ) Bill Richardson, cựu Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell, Hoàng tử Anh Andrew, tỷ phú Gleen Dubin, đại gia Jean Luc Brunel, nhà khoa học Marvin Minsky, giáo sư luật ĐH Havard Alan Dershowitz, …
Trên mạng xã hội cũng đang lan truyền các thông tin cho rằng, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng đặt chân đến Little St. James, một trong hai hòn đảo thuộc sở hữu của Epstein trong quần đảo Virgin và là nơi ông ta từng tổ chức các bữa tiệc “ấu dâm” trác táng. Các dữ liệu bay lọt vào tay hãng thông tấn Fox hé lộ, ông Clinton đã sử dụng chuyên cơ Boeing 727 của Epstein cho ít nhất 26 chuyến đi của mình từ năm 2001 2003. Sau khi Epstein bị bắt hồi tháng trước, ông Clinton đã ra thông báo phủ nhận từng tới đảo của tỷ phú thác loạn.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho chia sẻ trên Twitter một đường dẫn đến trang tin vắn đề cập tới nghi vấn ông Clinton từng có mặt ở đảo “ấu dâm” của Epstein. Song, lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm cũng trở thành tâm điểm của các tin đồn vì từng quen biết tỷ phú này.
Bản thân ông Trump thừa nhận từng có quan hệ với Epstein, nhưng đã “tuyệt giao” và đuổi ông ta ra khỏi câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình ở Palm Beach, bang Florida cách đây nhiều năm vì lí do không thể tiết lộ.
Các động thái càng thổi bùng những đồn đoán và giả thuyết về việc các chính trị gia thực sự biết gì về những tội ác tình dục của Epstein này. Một số người lo ngại, công chúng sẽ không bao giờ biết sự thật vì các bí mật của vụ án rốt cuộc có thể theo nghi phạm xuống mồ.
Tieu Diem