+
Aa
-
like
comment

Bệnh viện xin tạm ứng 10,2 tỷ đồng trả lương cho các y bác sĩ

14/01/2022 09:01

Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét tạm ứng cho BV Tuệ Tĩnh 10,2 tỷ đồng để kịp thời chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay.

Liên quan đến việc hơn 40 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường “cầu cứu” vì bị “khất” lương 8 tháng qua, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đã có thông tin chi tiết về nguyên nhân dẫn đến sự việc này, cũng như hướng giải quyết vụ việc.

Đáng chú ý, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét tạm ứng trước cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh 10,2 tỷ đồng để chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay cho cán bộ viên chức và người lao động.

Bệnh viện gần như không có bệnh nhân vì… Covid-19 

Theo Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên. Bệnh viện Tuệ Tĩnh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng các quy định của Nhà nước và của Học viện.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và kết quả hoạt động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

 

Chiều 11-12/1, khoảng hơn 40 cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, cùng với băng rôn nhằm gây sức ép để Bệnh viện trả khoản lương đã nợ suốt 8 tháng qua.

Trong điều kiện đó, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu. Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II năm 2021 đạt 51,19% và quý III năm 2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của Bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương. Tuy nguồn thu giảm rất lớn, nhưng Bệnh viện vẫn phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm do dịch bệnh Covid-19 như là: Mua sắm trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn; chi phí phục vụ công tác tiêm chủng cho viên chức, người lao động và thân nhân cán bộ, viên chức; cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương. Trong các đợt dịch vừa qua, Học viện và Bệnh viện đã cử gần 500 giảng viên, sinh viên tham gia phòng chống dịch tại Bắc Giang, TPHCM và Hà Nội.

Trước những khó khăn đó, từ tháng 5 đến nay, Bệnh viện chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Ban lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện cùng các phòng chức năng đã có nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như động viên, giải đáp và làm rõ những thắc mắc của viên chức, người lao động trong thời gian vừa qua, đồng thời thông báo đến toàn thể viên chức, người lao động Bệnh viện về các giải pháp mà Bệnh viện, Học viện đã báo cáo, đề xuất, kiến nghị Bộ Y tế, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam xem xét, giải quyết vấn đề tiền lương của viên chức, người lao động. Bộ Y tế và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với Học viện, Bệnh viện về nội dung này.

Bộ Y tế đã 2 lần có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cũng để giải quyết về vấn đề này, ngày 5/1, thanh tra Bộ Y tế đã mời đại diện người lao động của Bệnh viện để làm việc cùng với các Vụ/Cục của Bộ Y tế và đại diện Lãnh đạo Học viện, Bệnh viện.

Đề nghị Bộ Y tế tạm ứng 10,2 tỷ đồng để trả nợ lương

Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan ngay sau mỗi sự việc xảy ra để xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp giải quyết nhằm ổn định tình hình đơn vị.

Học việc đã báo cáo Bộ Y tế để Học viện được phép cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh tạm ứng từ nguồn quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện để Bệnh viện thực hiện chi trả 50% tiền lương, phụ cấp tháng 12/2021 và tháng 1/2022 cho cán bộ viên chức, người lao động. Đồng thời, Học viện đề nghị Bộ Y tế xem xét bố trí gấp nguồn kinh phí của Bộ Y tế nhằm tạm ứng trước cho Bệnh viện với số tiền là 10,2 tỷ đồng, để Bệnh viện có kinh phí kịp thời thực hiện chi trả phần tiền lương, phụ cấp còn nợ từ tháng 5/2021 đến nay cho cán bộ viên chức và người lao động Bệnh viện.

Học viện đã tổ chức họp, thống nhất cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh ứng trước khoản kinh phí chi lương và thống nhất chi các khoản phúc lợi, Tết nguyên đán Nhâm Dần theo mức chi chung toàn Học viện cho viên chức, người lao động thuộc Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Sau 3 năm tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ Tài chính,…) điều chỉnh từ loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên sang loại hình đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế, có kinh phí vượt qua khó khăn của giai đoạn dịch bệnh.

Theo phản ánh của các nhân viên bệnh viện, phần lớn cán bộ Bệnh viện Tuệ Tĩnh là điều dưỡng viên. Do đó, hệ số lương của người lao động rất thấp. Tính cả phụ cấp ngành hay phụ cấp độc hại thì nhân viên chỉ được 6-7 triệu đồng/tháng, nếu đầy đủ lương 100%. “Từ tháng 5 chúng tôi chỉ nhận được có một nửa, tức là hơn 3 triệu đồng một tháng. Mức lương này không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày”, một nhân viên bệnh viện cho biết.

Qua tìm hiểu, nhiều nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh trong 8 tháng qua phải tranh thủ làm thêm công việc ở ngoài, để có tiền trang trải cuộc sống, từ làm phòng khám, chạy shipper cho đến…bán rau.

Liên quan đến vụ việc 40 y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh “xuống đường” gây áp lực đòi khoản lương nợ suốt 8 tháng qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng.

Trước đó, chiều 11-12/1, khoảng hơn 40 cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, cùng với băng rôn nhằm gây sức ép để Bệnh viện trả khoản lương đã nợ suốt 8 tháng qua.

Nhiều cán bộ, viên chức tham gia “xuống đường” đòi lương chia sẻ, bước đường cùng họ mới phải làm như vậy. Suốt 8 tháng nợ lương, chi phí sinh hoạt hàng tháng không đủ, không ít cán bộ viên chức phải vay mượn khắp nơi để chi trả sinh hoạt phí, lao động ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập…

Liên quan đến sự việc, ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1 tới.

Hồng Anh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều