Bệnh viện tư ‘chia lửa’ chống dịch
1h, vừa đưa F0 vào bệnh viện dã chiến Bình Chánh cấp cứu, bác sĩ Trần Văn Dương nhận tiếp cuộc gọi có ca khác trở nặng, vội cùng đồng nghiệp lái xe cứu thương đi trong màn đêm.
F0 cần hỗ trợ là người đàn ông 65 tuổi suy hô hấp nặng, khó thở, ở quận 8. Bác sĩ Trần Văn Dương (36 tuổi, Giám đốc Phòng khám Đa Khoa Sài Gòn Medic) cùng bác sĩ hồi sức cấp cứu Nguyễn Minh Luân cho người bệnh thở oxy, đưa đi bệnh viện.
Được 1/3 quãng đường, bệnh nhân có dấu hiệu ngưng thở. Sau khi chia nhau bóp bóng, nhồi tim nhưng tình hình không cải thiện, bác sĩ Luân phải đặt nội khí quản ngay trên xe và thực hiện các bước hồi sức. Người đàn ông dần qua cơn nguy kịch, SpO2 nâng dần từ 52% lên 58%, sau đó lên 75% khi xe vừa đến bệnh viện.
Đây là ca thứ 8 trong ngày nhóm bác sĩ Dương hỗ trợ cấp cứu.
Từ cuối tháng 6, mỗi ngày TP HCM ghi nhận 2.000-3.000 ca nhiễm, hotline hỗ trợ và xe chở bệnh nhân đều quá tải, nhiều người bệnh trở nặng vì không thể tiếp cận lực lượng y tế… Xót ruột, anh Dương đóng cửa phòng khám, gửi công văn cho Sở Y tế đề xuất tình nguyện tham gia chống dịch. Ban đầu, nhóm anh gồm 10 bác sĩ và điều dưỡng, một xe cứu thương, chia thành 3 đội hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, khám miễn phí cho cư dân tại nhà. Trung bình mỗi ngày nhóm chở 5-10 ca cấp cứu.
“Chúng tôi không thể ngồi yên giữa đại dịch. Nhân lực mỏng, xe ít, đang chở bệnh nhân ở quận này thì F0 ở quận khác gọi. Tôi quyết định bỏ tiền túi đầu tư thêm một xe cứu thương và kêu gọi người tình nguyện chống dịch”, bác sĩ Dương chia sẻ.
Hiện, nhóm anh có hơn 60 nhân viên y tế, tình nguyện viên được chia thành 8 đội hỗ trợ tiêm chủng, xét nghiệm tại hai xã Tân Kiên và Phong Phú (huyện Bình Chánh) – một trong những nơi nhiều ca nhiễm nhất. Trên mỗi xe cấp cứu được trang bị máy thở cơ bản, hai máy thở mini, thiết bị đặt nội khí quản dành cấp cứu F0. Hai tháng qua, tổng cộng nhóm đã hỗ trợ chuyển bệnh cấp cứu hơn 2.000 F0, cung cấp hàng trăm lượt bình oxy, máy đo SpO2, máy thở oxy cho bệnh nhân điều trị tại nhà.
Mỗi tháng, anh Dương phải chi gần 300 triệu đồng cho các khoản để duy trì phòng khám làm nơi hoạt động cho các tình nguyện viên. Riêng chi phí ăn uống sinh hoạt, mua sắm trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ chống dịch, thuốc, kit xét nghiệm… hết gần 700 triệu đồng. Nhiều mạnh thường quân, một số gia đình bệnh nhân được hỗ trợ miễn phí đã tìm đến đóng góp đồ bảo hộ, bình oxy, thiết bị y tế cùng chung tay chống dịch.
“Tôi cũng lo lắng khi sức khoẻ và tài lực đã dần cạn kiệt, khó giúp được nhiều người bệnh. Nếu chỉ mình tôi thì dễ nhưng đây là cả team, mỗi người một hoàn cảnh. Dịch có thể còn dài, sức khoẻ anh em bị bào mòn mà không có khoản động viên hỗ trợ sẽ rất dễ nản”, bác sĩ Dương nói.
Giám đốc Phòng khám Đa Khoa Sài Gòn Medic cho biết dự tính hỗ trợ chống dịch đến khi TP HCM hết giãn cách, sau đó quay lại mở cửa phòng khám để tiếp nhận bệnh nhân và F0 cần điều trị.
Để “chia lửa” với hệ thống y tế thành phố lúc số ca nhiễm lên tới cả trăm nghìn, cuối tháng 7, nhiều bệnh viện tư, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã chuyển công năng để điều trị Covid-19.
Bà Lê Thị Loãn Ngọc (Phó giám đốc tài chính Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức) cho biết, hiện cơ sở điều trị cho 165 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 9 ca thở máy, 9 ca sử dụng máy thở oxy dòng cao (HNFC). Tổng số ca đã xuất viện đến 25/8 là 115. Bệnh viện đang huy động hơn 400 y bác sĩ để bảo đảm công tác chăm sóc và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Sau thời gian đi vào hoạt động, hiện bệnh viện nâng quy mô từ 100 giường lên 200 giường bệnh.
“Đến nay, các kinh phí phát sinh nằm ngoài dự toán, bệnh viện vẫn phải gồng để duy trì điều trị cho người bệnh Covid-19”, bà Loan nói. Giá thuốc, vật tư y tế bệnh viện rất khó mua, thậm chí có thuốc đã cố gắng mua theo đúng giá của ngân sách để đảm bảo chi phí cho người bệnh hưởng, song các nhà cung cấp không đủ lượng cung cho những đơn vị thầu nên những đơn vị áp thầu không mua được.
Bệnh viện đã phải chi rất nhiều cho vật tư tiêu hao, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cấp 4, khẩu trang N95, hóa chất khử khuẩn… để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Chi phí xét nghiệm định kỳ để tầm soát và điều trị cho nhân viên nếu chẳng may bị lây nhiễm chéo. Các chi phí liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ đều tăng lên và hiện bệnh viện đều chi trả các khoản này.
“Trước đây số lượng vật tư, máy móc của bệnh viện không sử dụng nhiều, khi chuyển đổi bắt buộc bệnh viện phải trang bị thêm. Thực tế bệnh viện đã đầu tư thêm bồn oxy lỏng, mua mới 5 máy thở chức năng cao, 5 máy HFNC, máy lọc thận liên tục và lọc thận chu kỳ”, bà Ngọc nói.
Tương tự, Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á TP HCM đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây mới khu điều trị dã chiến và tự trang bị các trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao. Từ 6/8 đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 517 ca mắc Covid-19 trong đó có hơn 100 ca nặng phải đưa vào hồi sức tích cực. Hiện 163 Bệnh nhân đã được xuất viện, các trường hợp nằm điều trị đa phần diễn tiến tốt.
Bệnh viện cũng đã đầu tư trang thiết bị cải tiến phương pháp để nâng cao hiệu quả điều trị như máy thở, máy HFNC, phương pháp lọc máu hấp phụ, sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu: Remdesivir, Tocilluzumab.
Đánh giá cao vai trò tham gia chống dịch của lực lượng y tế tư nhân, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế cho các cơ sở này được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Bởi hầu hết các cơ sở đang gặp khó khăn do việc mua sắm thuốc, vật tư y tế… cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.
Cụ thể, cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá mua sắm một số loại thuốc, vật tư y tế… cao hơn giá mua của các cơ sở y tế công lập. Lương các nhân viên y tế tại cơ sở y tế tư nhân cũng cao hơn nhiều lần khối công lập. Ngân sách thành phố không thể chi theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân bởi không có căn cứ để thực hiện. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả tiền điều trị Covid-19 để được chữa trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách.
Bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Tổng thư ký liên chi hội Hành nghề Y tư nhân TP HCM, cho biết thành phố có khoảng 50 bệnh viện tư nhân, 250 phòng khám đa khoa và 6.000-7.000 phòng khám chuyên khoa và phòng mạch tư. Hiện, rất nhiều nơi đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do Covid-19 phức tạp nhưng vẫn tự nguyện tham gia chống dịch cùng địa phương, hoặc theo kêu gọi của ngành y tế.
Ông Hưng hoan nghênh kiến nghị của UBND TP HCM về việc cho các cơ sở y tế tư nhân được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Bởi hệ thống y tế công đang rất quá tải, Bộ Y tế đã huy động hàng chục nghìn nhân sự y tế từ trung ương đến các địa phương, y bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên… chi viện cho thành phố nhưng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân Covid-19 vẫn chưa được đáp ứng hết.
“Với sự tham chiến của mạng lưới các cơ sở y tế tư nhân sẵn có, với sự liên kết chặt chẽ trước nay, chắc chắn sẽ góp phần giảm áp lực cho thành phố. Mặt khác, đặc thù của y tế tư nhân là tự thu, tự chi thì việc thu phí khám chữa bệnh là bình thường, hợp lý”, ông nói.
Theo bác sĩ Hưng, rất nhiều người trong số hơn 20.000 F0 đang điều trị tại nhà sẵn sàng trả phí để được chữa trị theo yêu cầu. Tuy nhiên, mức phí như thế nào phải nằm trong khung, quy định của cơ quan chức năng. Đồng thời bảng giá phải được liệt kê chi tiết, công khai, minh bạch để người dân tự lựa chọn có muốn điều trị tại cơ sở đó hay không.
“Hãy coi Covid-19 là một trong số các mặt bệnh thông thường để đưa ra bảng giá khám, điều trị phù hợp”, bác sĩ Hưng nói. Trong trường hợp người bệnh gặp khó khăn về kinh tế, không thể tự chi trả, cơ sở y tế tư nhân có thể linh động dùng nguồn quỹ từ thiện, công tác của mình cho số ít, hoặc kết nối với các tổ chức từ thiện khác để hỗ trợ người bệnh.
Lê Cầm