Bệnh viện công nào đuổi bệnh nhân?
Những ngày vừa qua, câu chuyện về nhiều y, bác sĩ và cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn “dứt áo ra đi” thu hút được sự quan tâm của dư luận. Lợi dụng “hot trend” này, không ít đối tượng cơ hội đã tiến hành xuyên tạc, biến tướng thông tin liên quan đến hoạt động của các bệnh viện công để tạo ra sự hoài nghi của người dân vào hệ thống y tế nước nhà.
Trên mạng xã hội đang lan truyền một bài viết của tài khoản facebook “Xuân Sơn Võ” với tiêu đề “Không cho chúng nó thoát?”. Với những dòng lập luận dài lê thê, bắt đầu từ câu chuyện hàng chục năm về trước, người này đã đưa ra những nhận định, đánh giá nghe “chẳng mấy xuôi tai”. Theo đó, tài khoản này cho rằng “trình độ chăm sóc toàn diện của phần lớn nhân viên còn rất kém”, bệnh viện công đang “đuổi” bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Dĩ nhiên, đi liền với việc chê bai bệnh viện công thì người này cũng cổ vũ bệnh viện tư “Khi ra tư nhân, tôi đã cố gắng xây dựng chế độ chăm sóc toàn diện ở mức cao nhất”.
Chúng ta không phủ nhận hệ thống y tế công của Việt Nam còn tồn tại không ít bất cập. Tuy nhiên, việc cho rằng bệnh viện công “đuổi” bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng như quy chụp trình độ, năng lực của đội ngũ y tế tại các bệnh viện công còn rất kém là hoàn toàn vô căn cứ, không dựa trên tình hình thực tiễn.
Thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống y tế tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Đặc biệt, nhìn vào hệ thống y tế hiện nay, có thể thấy y tế công vẫn chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam; hệ thống y tế tư nhân chiếm tỷ lệ nhỏ. Và cũng cần nói thẳng, nếu so sánh chi phí dịch vụ cho y tế công và y tế tư nhân tại Việt Nam, dễ dàng có thể thấy chi phí của các dịch vụ y tế tư nhân là vô cùng đắt đỏ. Vì vậy, không phải ai cũng có thể sử dụng dịch vụ y tế tư nhân để được hưởng “chế độ chăm sóc toàn diện ở mức cao nhất” như thông tin mà tài khoản “Xuân Sơn Võ” đưa ra trong bài viết của mình.
Quay lại với lập luận cho rằng bệnh viện công “đuổi” bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đây rõ ràng là một lập luận vô căn cứ. Thực tế cho thấy số lượng bệnh nhân vào thăm khám tại các bệnh viện công là vô cùng lớn. Nếu bệnh viện công “đuổi” bệnh nhân thì liệu bệnh nhân có tiếp tục quay trở lại bệnh viện công hay không? Một điều không thể chối cãi là các bệnh viện công là những nơi tập trung đông đảo nhất các y, bác sĩ có chuyên môn cao, đầu ngành của cả nước. Sử dụng dịch vụ y tế tại bệnh viện công vừa được hưởng mức chi phí thấp, vừa được các bác sĩ chuyên môn sâu chăm khám thì dĩ nhiên người bệnh sẽ lựa chọn bệnh viện công. Chúng ta không phủ nhận việc hệ thống y tế công tại nhiều nơi đang bị quá tải. Tuy nhiên, với chủ trương phát triển hệ thống y tế, thời gian qua, cơ sở vật chất tại các bệnh viện đã từng bước được nâng cao, qua đó đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thay vì than vãn, la ó, bôi lem hình ảnh bệnh viện công lên mạng xã hội, thiết nghĩ, nếu là một bác sĩ chân chính thì cần phải sẻ chia sự đồng cảm với những khó khăn hiện tại để chung sức xây dựng nền y tế Việt Nam phát triển.
Đối với luận điệu cho rằng việc thu phí người nhà khi đến chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện “chỉ là để tận thu”, “giống như kiểu đặt trạm thu phí BOT giao thông ở vị trí mà có đi kiểu nào cũng không thể thoát được”, “không cho chúng nó thoát?”, đây tiếp tục là một nhận định phiến diện, chủ quan và một chiều. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu bệnh viện thu phí người nhà khi đến chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện? Nếu tìm hiểu, số lượng bệnh viện thu phí này không hề cao, chỉ có một vài cơ sở. Theo đánh giá của tài khoản Xuân Sơn Võ, lý do để thu “chính đáng” là “nhằm hạn chế thói quen nuôi bệnh, gây khó khăn cho bệnh viện” và “nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế”. Ấy thế nhưng liệu người này đã đánh giá toàn diện hay chưa? Nếu nhìn ở một góc độ khác, việc người nhà đi chăm sóc bệnh nhân sẽ kéo theo việc sử dụng nhiều tài nguyên khác của bệnh viện như: điện, nước, chi phí dọn dẹp rác thải, vệ sinh… Đây là những khoản phí không nằm trong chi phí chăm sóc bệnh nhân nhưng bệnh viện vẫn phải chi trả. Với những bệnh viện lớn, đầu ngành như bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương…, mỗi ngày phải chăm sóc y tế cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân và đi theo đó là người nhà đến cùng thì số tiền cho các chi phí phát sinh như trên là không hề nhỏ. Vì vậy, việc thu phí người nhà đến chăm sóc không phải là một cách để “đuổi” bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà nó xuất phát từ yêu cầu thực tế.
Không rõ tài khoản Xuân Sơn Võ có mục đích gì khi đưa ra bài viết một chiều, phiến diện như trên nhưng rõ ràng nó đã tạo ra những lầm tưởng tai hại về bệnh viện công.
Bảo An
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả