+
Aa
-
like
comment

‘Bệnh’ thành tích lại trỗi dậy sau việc 20 người Mày chạy vào rừng trốn COVID-19?

10/04/2020 10:15

Liên quan đến việc 20 hộ dân người Mày ở bản Lòm, xã Trọng Hoá sau khi xem ti vi đã rời bỏ nhà cửa chạy vào rừng trốn dịch COVID-19, thay vì tuyên truyền vận động bà con trở về ổn định cuộc sống, thì ngày 9/4, UBND huyện Minh Hoá có Văn bản 337, báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình, cho rằng không có chuyện bà con chạy vào rừng trốn dịch như báo chí đăng tải.

“Bệnh” thành tích lại trỗi dậy sau việc 20 người Mày chạy vào rừng trốn covid-19 - ảnh 1
Ngôi nhà cửa đóng then cài của 1 trong những hộ dân người Mày chạy vào rừng trốn dịch

Theo báo cáo của UBND huyện Minh Hoá, huyện này đã lập đoàn kiểm tra sau khi báo chí đăng tải nội dung, 20 người Mày chạy vào rừng trốn COVID-19. Trưởng đoàn do ông Đinh Văn Lỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá. Thành viên của đoàn gồm lãnh đạo phòng LĐTB và XH, phòng dân tộc, lãnh đạo xã Dân Hoá, Đồn Biên phòng Ra Mai.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại khu vực xóm K Chăm, thuộc bản Lòm có 22 hộ, 68 nhân khẩu. Hiện đang vào mùa rẫy nên các hộ vào rừng trỉa ngô, trồng sắn. Đoàn đã vào khu vực rẫy (vùng A Lích) gặp 3 hộ dân và họ cho biết đi vào làm rẫy đã 3 ngày nay. Hiện đang trong thời gian nghỉ học nên các hộ cho con cái đi cùng. Đoàn cũng đã gặp lãnh đạo của bản và họ đều khẳng định bà con vào rừng làm nương rẫy… Đoàn không lập biên bản chuyến đi kiểm tra mà chỉ nắm tình hình rồi về viết báo cáo.

“Bệnh” thành tích lại trỗi dậy sau việc 20 người Mày chạy vào rừng trốn covid-19 - ảnh 2
Biên bản của xã Trọng Hoá kiểm tra tình hình được lập vào ngày 7/4

Tuy nhiên, theo biên bản được lập lúc 13 giờ ngày 7/4 (trước 2 ngày UBND huyện Minh Hoá có báo báo), có chữ ký của bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng uỷ xã Trọng Hoá, ông Trịnh Anh Tuấn, Chính trị viên, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai, Bí thư chi bộ bản Lòm, Công an xã, cán bộ xã thì hoàn toàn ngược với báo cáo của UBND huyện Minh Hoá.

Biên bản viết: “Sau khi tiếp nhận thông tin có một số hộ dân bản Lòm vào rừng trốn dịch COVID-19, đoàn công tác đã tổ chức rà soát tận từng nhà, nắm lại thông tin thực tế và thống nhất các nội dung: Tại thời điểm xác minh, bản Lòm có 82 hộ, 426 khẩu, trong đó 15 hộ với 51 khẩu hiện đang đi phát rẫy tại các khu vực đất sản xuất cách bản từ 15-30 phút đi bộ. 20 khẩu thuộc 9 hộ tại xóm Ka Chăm đang ở trên đầu nguồn khe Pờ Re vì sợ COVID-19”.

Biên bản này nói lý do bà con trốn vào rừng tránh COVID-19: “Nguyên nhân bà con vào rừng trốn là do khi xem các bản tin trên tivi thấy có chiều cảnh về dịch ở các nước châu Âu, Mỹ nên sợ. Một số bà con vào mùa rẫy đi vào các khu vực đất sản xuất cách xa bản, tạo nên tâm lý lo lắng nên đã tự phát đi vào rừng”.

Biên bản này cũng đề xuất phương hướng xử lý: “UBND xã Trọng Hóa phối hợp với tổ vận động quần chúng đồn biên phòng Ra Mai, tiếp tục tuyên truyền bà con thực hiện tốt chỉ thị 16 của Thủ tướng, động viên bà con không hoang mang. Các đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng bản, người có uy tín thực hiện trách nhiệm thông báo vận động 20 khẩu, thuộc 9 hộ xóm Ka Chăm trở về nhà như đã cam kết.”

Liên quan đến bản báo cáo do mình ký, ông Đinh Văn Lĩnh thừa nhận chuyến kiểm tra chỉ ghi chép sổ tay mà không lập biên bản và không biết biên bản của xã Trọng Hoá đã lập trong chuyến đi kiểm tra trước đó vào ngày 7/4. Trong lúc đó bà Hồ Thị Thoi khẳng định: Biên bản lập ngày 7/4 là đúng thực tế.

Huyện Minh Hoá (Quảng Bình) nằm trong số 60 huyện nghèo nhất nước, có nhiều đồng bào thiểu số định cư và sinh sống. Có thể nói, đa số đồng bào thiểu số sinh sống ở đây đều còn rất khó khăn và lạc hậu, đang nhờ vào sự trợ cấp của Nhà nước.

Cách đây hơn chục năm, huyện Minh Hoá cũng đã có lần phản ứng gay gắt khi báo chí đưa tin đồng bào Rục (một trong những sắc tộc có nguy cơ tuyệt chủng) bị đói vì bị nước lũ vây gần 1 tháng. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, sau đó đồng bào Rục được quan tâm nhiều hơn mỗi khi lũ lụt về.

Việc bỏ bản chạy vào rừng khi có biến cố trong cuộc sống là thói quen của không ít đồng bào dân tộc thiểu số. Như người Rục, người A Rem đã năm lần bảy lượt trở lại hang đá sinh sống khi làng bản bị đói hay có dịch bệnh.

Mới đây nhất, trong trận bão lớn cuối tháng 9/2017, một số người A Rem ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã bỏ chạy vào hang đá. Nhận được thông tin, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình đã trực tiếp lên thăm và động viên bà con trở về bản.

Hoàng Nam/TPO

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều