Bệnh nhân thứ 21 và những luận điệu xuyên tạc của “dân làm báo”
Suốt những ngày qua, người dân cả nước như “lửa đốt” khi xuất hiện trường hợp thứ 17 nhiễm Covid-19 và sau đó, chỉ ít ngày ghi nhận thêm 17 ca nhiễm. Vậy là sau hơn 20 ngày tạm nghỉ, Việt Nam lại bắt đầu trận chiến đấu mới chống lại dịch Covid-19 một lần nữa. Thế nhưng, trong lúc cả bộ máy chính phủ vào guồng chạy hết công suất thì lại xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh gây xáo trộn xã hội. Trước bối cảnh đó, mới đây Bộ Tư pháp đã ban hành quy định “Cấm cán bộ phát tán thông tin không chính xác, gây hoang mang về covid -19”.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bộ Tư pháp ban hành quy định này, khi mà thông tin phát hiện thêm bệnh nhân số 17 đã khiến Hà Nội chao đảo, cả nước xôn xao, không ít người “cầm đèn chạy trước ô tô”, phát tán những thông tin thất thiệt không qua kiểm chứng vô căn cứ và trái quy định pháp luật. Nhiều người đăng tải những thông tin này chỉ vì lo lắng, hiếu kỳ, bị kích động, nhưng không ít người có mục đích xấu, lôi kéo, phá hoại một cách rất rõ ràng, hoặc cố tình làm việc này để trục lợi. Và không ít người khác bị cuốn theo những tin đồn, những thông tin sai sự thật này một cách vô thức, bị dẫn dắt bởi sự sợ hãi.
Cùng với những thông tin sai sự thật, là hình ảnh người dân đổ xô chen lấn mua đồ tại siêu thị, quầy tạp hóa nhìn như vỡ trận. Các mặt hàng như mì tôm, gạo, giấy vệ sinh, nhu yếu phẩm… được bà con vơ vét, tích trữ quá mức bất chấp chính quyền khẳng định bảo đảm đủ lương thực. Rồi còn có người tính chuyện rời Hà Nội về quê hoặc tạm lánh đi đâu đó một thời gian. Dưới góc độ phòng chống dịch, việc di chuyển, tập trung đông người này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh nếu như ai đó đang ủ sẵn mầm bệnh trong người.
Cũng dễ hiểu việc lòng dân hoang mang, hoảng loạn như vậy, khi mà những thông tin thiếu kiểm chứng, tin đồn thất thiệt như “Hà Nội thất thủ”; “Việt Nam toang rồi”; “còn thêm nhiều ca nhiễm”… được nhiều đối tượng chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Càng trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, các thông tin giả, sai, thiếu chính xác càng có cơ hội để phát tán và gây hại. Vậy nên, có thể thấy việc Bộ Tư pháp ban hành quy định “cấm cán bộ phát tán thông tin chính xác, gây hoang về covid – 19” là dựa vào tình hình thực tế, nhằm khiến người dân bớt hoang mang, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến xã hội và ảnh hưởng đến kinh tế của đất nước. Đây là biện pháp quyết liệt của các đơn vị chức năng liên quan đến việc giải quyết nạn đưa thông tin thất thiệt.
Ấy vậy mà lợi dụng việc Bộ Tư pháp ban hành quy định trên, trang “Dân làn báo” đã móc nối với thông tin ca mắc covid – 19 thứ 21, ông N.Q.T ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội, và một số thông tin trên mạng xã hội nói “đây là ông Nguyễn Quang Thuấn, là thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc” để dẫn dắt người dân hiểu rằng “các lãnh đạo Ba Đình cũng đang run sợ trước kịch bản lây nhiễm, tử vong trong quốc hội Iran và một trong những phương thức hiệu quả xưa nay vẫn dùng là phải bịt miệng đồng chí trước khi chết”. Cho dù bệnh nhân thứ 21 là ông Nguyễn Quang Thuấn hay là ai đi chăng nữa, thì bệnh nhân này cũng đã thực hiện các bước kiểm tra, cách ly theo quy định của Bộ Y tế như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ĐBQH Trương Quang Nghĩa. Những người tiếp xúc gần với ông đều được kiểm tra đầy đủ các bước và cách ly như bao người nhiễm bệnh khác. Như vậy lãnh đạo Việt Nam có cần run sợ như trang “Dân làm báo” xuyên tạc không? Nghĩ cũng hài thật, các “nhà đấu tranh” định dựa hơi dịch bệnh covid – 19 để dẫn dắt dư luận hiểu rằng lãnh đạo Việt Nam lây nhiễm rồi tử vong thế này thì bao giờ “phong trào dân chủ” mới thành công được đây.
Thật là nực cười với những luận điệu lạc lõng như thế này. Khi mà thông tin về ca nhiễm thứ 17 chưa được công bố chính thức thì trên nhiều diễn đàn đã bình luận về bệnh nhân này, mọi thông tin về thân thế, địa chỉ, nguyên nhân nhiễm bệnh đều ngập tràn trên mạng xã hội. Có thể thấy, chỉ trong một vài phút mọi thông tin đã ngay lập tức được lan truyền rộng khắp cả nước. Ra quy định “bịt miệng cán bộ, công chức” vậy thử hỏi ai đủ sức để bịt miệng hơn 90 triệu dân? Có lẽ chỉ có ông trời mới làm được điều đó! Thực tế, quy định này cũng không phải đến bây giờ mới có, mà nó chỉ củng cố thêm các chế tài xử phạt trong phạm vi cán bộ, công chức mà thôi. Thêm nữa, quy định này cấm phát tán thông tin không chính xác, tức là phát tán tin giả, chứ những thông tin thật có ai cấm đoán đâu. Cũng giống như những người dân bình thường, chia sẻ những thông tin đúng có ai nói gì đâu, còn những thông tin giả, thất thiệt thì được mời lên cơ quan điều tra xác minh, và đóng phạt. Vậy thì quy định này có gọi là bịt miệng cán bộ không?
Có thể thấy, với kiểu “bới bèo ra bọt”, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp các đối tượng, cơ hội chính trị đã đổi trắng thay đen, xuyên tạc, hướng lái bản chất vụ việc, trắng trợn vu khống việc chính quyền ra quy định “Cấm cán bộ phát tán thông tin không chính xác, gây hoang mang về covid -19”, là hành động mang tính “bịt miệng”. Các đối tượng đã lấy Thủ tướng và bệnh nhân thứ 21 làm công cụ để thực hiện mưu đồ, tạo sự bất ổn trong xã hội. Khi cả bộ máy chính quyền nỗ lực chống dịch, thì những kẻ này lại mong dịch bệnh hoành hành, đất nước hỗn loạn, người dân hoảng loạn, ra sao cũng mặc kệ, bởi đằng sau những luận điệu gian trá “vì người dân” chính là sự chống đối chính quyền vô cùng quyết liệt.
Thế Khoa