+
Aa
-
like
comment

Bệnh nhân phấn khởi khi thông tuyến tỉnh BHYT

05/01/2021 07:06

Hàng trăm lượt bệnh nhân ở các bệnh viện lớn tại TP.HCM mặc dù điều trị nội trú trái tuyến đã được điều chỉnh mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến kể từ ngày 1-1-2021. 

Bệnh nhân Trần Thị Thuần vui mừng khi được BHYT chi trả mức viện phí như đúng tuyến tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HL
Bệnh nhân Trần Thị Thuần vui mừng khi được BHYT chi trả mức viện phí như đúng tuyến tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HL

Từ năm 2021, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.

Quy định trên được áp dụng từ ngày 1-1, tuy nhiên ghi nhận tại các bệnh viện (BV) lớn ở TP.HCM vào sáng 4-1, nhiều người dân vẫn chưa cập nhật quy định, trong đó một số bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân khá bất ngờ khi được áp dụng theo quy định mới.

Bất ngờ vì được miễn 100% viện phí

Tại Khoa hô hấp, BV Nhi đồng 2, trước khi xuất viện, chị Lê Thị Cẩm Nhung (22 tuổi, ngụ Bình Dương) rất bất ngờ khi được điều dưỡng tư vấn bệnh nhi NHK (ba tháng tuổi), con của chị, được BHYT thanh toán 100% viện phí (thay vì trước đây chỉ được hưởng 60%) cho bốn ngày nằm viện kể từ ngày 1-1, mặc dù đi khám bệnh trái tuyến.

Chị Nhung chia sẻ cách đây hơn 10 ngày, BV tuyến địa phương điều trị viêm phổi cho bé, sau khi xuất viện hai ngày thì bệnh tái lại. Vào ngày 24-12-2020, chị đưa bé lên BV Nhi đồng 2 để thăm khám lại do có tình trạng ho, sốt, tiêu chảy. “Ban đầu tôi tính khám cho bé rồi về luôn nhưng bác sĩ có chỉ định cho bé nhập BV vì nặng. Do khám không đúng tuyến nên tôi cũng lo sẽ tốn kém, giờ được miễn mấy ngày sau, tôi thấy cũng nhẹ gánh hơn” – chị Nhung nói.

Chị Trần Thị Thuần (44 tuổi, ngụ Bình Phước) đang điều trị tại Khoa nội tổng hợp, BV Ung bướu TP đi khám tại BV theo dạng trái tuyến nên không được hưởng chế độ BHYT. Tuy nhiên, chị có chỉ định nhập BV để cắt khối u vào ngày 1-1 nên nghiễm nhiên được BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.

Chị Thuần chia sẻ, ba năm trước phát hiện khối u hạch dưới hàm và gần đây khối u càng to nên quyết định vào thẳng BV Ung bướu TP, mặc dù đăng ký tuyến ban đầu tại BV đa khoa tỉnh Bình Phước. “Đi khám theo BHYT tôi sợ chờ đợi lâu, làm giấy chuyển tuyến mất thời gian nên vào đây khám luôn cho nhanh. Giờ nghe được hưởng mức 80% BHYT như đúng tuyến tôi mừng lắm, mấy bữa trước khi vào BV tôi cũng phải đi vay ít tiền dằn túi chứ sợ không có đủ” – chị Thuần kể lại.

Trong lúc ngồi chờ làm thủ tục xuất viện tại BV Nhân dân Gia Định, ông Lê Văn Minh (56 tuổi) chia sẻ: “Tôi ở Bình Phước, bị viêm hô hấp khá lâu. Do BV địa phương chữa hoài không khỏi nên tôi đến BV này điều trị từ giữa tháng 12-2020 tới nay, chi phí khám trái tuyến tốn không ít. Khi nghe tin bệnh nhân điều trị nội trú trái tuyến sẽ được BHYT thanh toán y chang bệnh nhân, tôi mừng lắm. Vậy là tôi được BHYT thanh toán như đúng tuyến trọn ba ngày điều trị (từ ngày 1 đến 3-1)”.

BS Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết từ ngày 1 đến 3-1, BV này cho xuất viện 47 trường hợp trước đây thuộc diện trái tuyến. Tuy nhiên, sau khi thực hiện quy định mới, tất cả 47 trường hợp nói trên được hưởng BHYT trong phạm vi quyền lợi như đúng tuyến.

Tại BV Nhân dân 115, BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV, cho hay từ ngày 1-1, BV đã rà soát và ghi nhận tổng cộng 81 bệnh nhân nhập BV trái tuyến để chuyển sang đúng tuyến.

BS Sóng cho biết bệnh nhân muốn điều trị nội trú phải được sàng lọc kỹ tại khoa cấp cứu. BV không nhận những trường hợp bệnh thông thường, bệnh nhẹ. “Khi bệnh nhân đến khám, các BV tuyến dưới cũng cần tư vấn những trường hợp nên và không nên lên BV tuyến trên điều trị để tránh tình trạng quá tải tại những BV này. Chỉ nên lên BV tuyến trên điều trị khi bệnh nặng hoặc cần can thiệp kỹ thuật cao” – BS Sóng nói.

Bệnh nhân phấn khởi khi thông tuyến tỉnh BHYT - ảnh 1
Chị Lê Thị Cẩm Nhung đang được điều dưỡng tư vấn về mức viện phí nội trú của con chị được BHYT chi trả theo quy định mới tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: HL

Cân nhắc khi khám trái tuyến

Quy định thông tuyến BHYT tuyến tỉnh mới áp dụng nên các BV cũng chưa ghi nhận sự gia tăng trường hợp bệnh nhân từ các tỉnh lên điều trị nội trú trái tuyến và đo lường được mức độ ảnh hưởng của chính sách.

Hiện tại, các BV đều phổ biến các khoa, phòng áp dụng mức hưởng BHYT đúng tuyến đối với các bệnh nhân nhập BV không cần giấy chuyển viện, chuyển tuyến để bệnh nhân hưởng đúng quyền lợi. Bên cạnh đó, quán triệt nhân viên xem xét chỉ định nhập BV đúng, tránh lạm dụng.

Theo các lãnh đạo BV, chính sách thông tuyến là tin vui, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân nhưng cũng kéo theo nhiều lo lắng cho cả tuyến dưới và tuyến trên.

“BV tuyến dưới có nguy cơ mất bệnh nhân, còn tuyến trên quá tải nếu bệnh nhân nhập BV nội trú nhiều, nằm ghép sẽ không an toàn, lây nhiễm chéo, làm giảm sự hài lòng của bệnh nhân. Bệnh nhân nhập BV tuyến trên nhiều đồng nghĩa tăng số tiền BHYT phải trả do thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn…” – BS Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, chia sẻ.

Chính sách thông tuyến BHYT tuyến tỉnh chỉ áp dụng cho bệnh nhân nhập BV điều trị. Tuy nhiên, trước khi được nhập BV điều trị, người bệnh phải khám ngoại trú và trả tiền cho các xét nghiệm tốn kém như chụp X-quang, MRI, CT. Vì vậy, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, khuyến cáo người bệnh có BHYT vẫn nên xin giấy chuyển tuyến để đảm bảo quyền lợi.

“Có một điều bệnh nhân cần lưu ý. Đó là không phải bất cứ bệnh gì cũng được BV Nhân dân Gia Định chỉ định điều trị nội trú. Một khi chỉ bị bệnh thông thường, các BV tuyến dưới có thể chữa thì BV không tiếp nhận điều trị nội trú. Do vậy, bệnh nhân cần đến nơi đăng ký KCB ban đầu để được khám. Nếu cần thiết, nơi đây sẽ tư vấn bệnh nhân lên BV tuyến trên điều trị” – BS Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, bổ sung thêm.

Sẽ sơ kết từng quý để điều chỉnh

Trong những năm qua, bình quân số lượt điều trị nội trú của người bệnh vượt tuyến BHYT (từ các tỉnh khu vực phía Nam) tại các BV trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 3%, chiếm khoảng 5% tổng chi KCB BHYT.

Theo dự báo của ngành y tế, số lượt bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ tăng khi bắt đầu liên thông tuyến tỉnh, chưa kể số lượt bệnh nhân ở các tỉnh sử dụng KCB dịch vụ theo yêu cầu (không dùng thẻ BHYT) chuyển sang sử dụng thẻ BHYT khi bắt đầu liên thông.

Để có thể đánh giá cụ thể số lượt gia tăng, Sở Y tế và BHXH TP sẽ sơ kết tình hình KCB BHYT trên địa bàn theo từng quý trong năm 2021 nhằm chủ động đề xuất điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT cho phù hợp.

BS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

TRẦN NGỌC – HOÀNG LAN/PLO

Bài mới
Đọc nhiều