+
Aa
-
like
comment

Bệnh nhân người Anh có “vô ơn”?

13/07/2020 18:54

Thông tin bệnh nhân người Anh về nước và từ chối các báo đài chụp ảnh quay phim phỏng vấn khiến khá nhiều người tức tối, khó chịu. Trong đó, có một tờ báo viết ra hẳn hoi là ông ấy chảnh. Trên mạng xã hồi cũng có khá nhiều lời lẽ tiêu cực về ông ấy; “ném đá” luôn vào ngành y, vào cả nhà nước Việt Nam vì tội “ngạo nghễ”. Thậm chí, có người còn suy diễn so sánh rằng ngàn đồng bào ở nước ngoài chưa về được mà đi lo cho một cái ông đâu đâu; người dân mình còn phải từ chối trợ cấp trong khi dồn hết tâm lực để cứu một kẻ “không ra gì”.

Bênh nhân người Anh âu khi bình phục từ chối phỏng vấn.

Tóm lại, câu chuyện có đáng phải như thế hay không? Bệnh nhân người Anh đòi hỏi quá đáng hay chính chúng ta đòi hỏi quá đáng?

Thứ nhất, bất luận ông ấy thế nào thì ngành y của Việt Nam đã làm đúng khi không bỏ rơi bất kỳ ai và đã viết ra một câu chuyện cứu người thật đẹp trong mùa dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Chẳng có điều gì phải sân si, khi đưa một con người dưới đáy tuyệt vọng về sự sống quay trở lại cuộc sống tươi đẹp. Ai làm được điều đó, thật đáng ca ngợi. Phần thưởng này không dành cho sự “ngạo nghễ” mà là người thật việc thật, việc thật, tâm thật.

Nếu ông ấy từ chối truyền thông Việt Nam thì cũng đâu có sao? Xin thưa, nhân vật chính ở đây là các y bác sĩ, là sự tận tâm thậm chí cả sự hy sinh của họ khi cứu chữa bệnh nhân, chứ ông ấy hay ai khác cũng đều giống nhau cả. Bạn cần gì một lời cảm ơn xã giao? Kể cả thật lòng, đầy mùi mẫn, văn hay chữ tốt; các tác phẩm truyền thông đẹp cần phải dành cho các y bác sĩ Việt Nam vì họ mới thật sự là những người xứng đáng.

Bệnh nhân người Anh được các y bác sỹ Việt Nam chăm sóc tận tình.

Thứ hai, ông ấy có “vô ơn” không? Thưa là không. Ông ấy không phải được “chữa chùa” mà có bảo hiểm thanh toán. Ông ta không xin chúng ta mà chúng ta tình nguyện cứu sống ông ấy. Khi bạn đang làm một việc tốt, bạn đang ở thế thượng phong, hà cớ gì phải cúi xuống để sân si với những điều vô cùng bé nhỏ và thậm chí hơi nhảm nhí? Khi giúp ai đó thật lòng, cái chính là chúng ta nghĩ về tấm lòng chứ đừng nghĩ về những lời cảm ơn. Đành rằng lời cảm ơn là thể hiện văn hoá sống, nhưng nếu không có điều đó từ kẻ được giúp thì kẻ giúp cũng đâu mất mát gì.

Thứ ba, ông ấy có quyền từ chối lên báo không? Xin thưa là có. Chúng ta cần tôn trọng điều đó. Các bạn thử đặt mình vào ông ấy đi, xuất hiện rầm rộ trên truyền thông với tư cách bệnh nhân, dù một bên là câu chuyện đẹp, các bạn muốn điều đó nhưng có thể ông ấy không muốn “lộ diện” trên truyền thông nữa. Ai cũng muốn mình khoẻ mạnh vui vẻ chứ lúc nào cũng bị dán cái mác bệnh nhân Covid-19, nổi tiếng vì được “chết đi sống lại”, nếu là các bạn, các bạn muốn điều đó?

Bệnh nhân người Anh chia sẻ niềm vui, hạnh phúc khi hồi phục sức khỏe với bác sỹ Việt Nam.

Thứ tư, đừng so sánh sự chăm sóc ông ấy với đồng bào mình đang thiệt thòi vì Covid-19, vì chuyện gì ra chuyện đó. Nếu không phải ông ấy mà là một chị công dân Việt Nam ở nước ngoài về hay một ông hành khất ngoài phố bị nhiễm thì vẫn được đối xử như nhau trong trường hợp này.

Thay vì cần một lời cảm ơn hay một vài câu “tôi yêu Việt Nam” gì đó từ ông ấy thì chúng ta nên tập trung vinh danh các tập thể, cá nhân y các sĩ đã làm việc tận tình, cật lực thời gian vừa qua. Ngẫm lại thì ông ấy không “vô ơn” đâu, mà chính chúng ta đang “vô lý” mà thôi.

Theo FB Đường chúng ta đi

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều