+
Aa
-
like
comment

Bệnh nhân 91: Quyết định chuyển sang Chợ Rẫy, tiếp tục tìm nguồn ghép phổi toàn phần

20/05/2020 09:30

Cuộc hội chẩn mới nhất cho bệnh nhân phi công người Anh đã quyết định chuyển ông này sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tích cực, song song tìm nguồn phổi hiến tặng để ghép phổi toàn phần khi đủ điều kiện.

Bệnh nhân 91: Quyết định chuyển sang Chợ Rẫy, tiếp tục tìm nguồn ghép phổi toàn phần - Ảnh 1.
PGS Nguyễn Hữu Ước, chuyên gia về ghép tim phổi, tham gia hội chẩn tại điểm cầu Bệnh viện Việt Đức – Ảnh: THÚY ANH

Ngày 19-5, các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM… đã có cuộc hội chẩn ba miền Bắc – Trung – Nam lần thứ 3 trong vòng hơn 10 ngày, để tìm giải pháp can thiệp hiệu quả nhất cho bệnh nhân COVID-19 số 91.

Thông tin từ cuộc hội chẩn cho hay kết quả chụp CT mới nhất (ngày 18-5) cho thấy phổi của bệnh nhân đã có phục hồi ít nhiều: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đánh giá phục hồi được 20%, Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá phục hồi được 30%, trong khi trước đây chỉ có 10% phổi có hoạt động.

Phổi có phục hồi thêm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về cơ hội phục hồi phổi cho bệnh nhân phi công người Anh này (vì thực tế đã có phục hồi trong những ngày vừa qua, thay vì biện pháp duy nhất là ghép phổi), một thành viên tham gia cuộc hội chẩn chia sẻ: “Có hi vọng phổi phục hồi thêm, nhưng khó ở chỗ các vị trí phổi đã đông đặc, máu không đến được, hoại tử hoặc nhiễm trùng, trong khi bệnh nhân không tỉnh để có thể ho khạc chất bẩn ra ngoài…”.

Chuyên gia trên cho biết thêm, bệnh nhân đã có những cải thiện nhất định về sức khỏe. Về nội khoa, những can thiệp như những ngày vừa qua đã là can thiệp mạnh mẽ nhất, nhưng nếu không có biện pháp khác như ghép phổi thì cơ hội hồi phục bằng nội khoa là khó.

Mặc dù đã có cải thiện nhưng bệnh nhân vẫn đang nhiễm trùng, nhiễm nấm, suy đa tạng, vì vậy các bác sĩ sẽ đánh giá về chức năng thận, tim, gan…

Hội đồng cũng đã quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy, về thời điểm thì Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sẽ cùng thống nhất.

Sẽ phải ghép cả 2 lá phổi

Tại cuộc hội chẩn, Bộ Y tế cho biết chỉ riêng tại Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đã có 59 người đăng ký hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân 91.

“Tuy nhiên bệnh nhân cần ghép phổi toàn phần, vì vậy ưu tiên số 1 vẫn là tìm phổi hiến tặng từ người hiến chết não. Khi chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị tích cực, bên cạnh tìm nguồn phổi hiến tặng để ghép phổi khi đủ điều kiện” – chuyên gia này cho biết.

Bệnh nhân 91 là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất trong số 324 bệnh nhân ghi nhận được cho đến nay ở Việt Nam, với nhiều tình trạng sức khỏe rất xấu: phổi đông đặc, rối loạn đông máu, suy đa tạng…

Bệnh nhân đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO). Các bác sĩ Việt Nam đang nỗ lực trên 100% sức lực để cứu bệnh nhân, nhưng đây là một ca bệnh khó. Tất cả chỉ có thể là hi vọng.

Có hi vọng mong manh cuối đường hầm

Chiều 19-5, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) – cho biết kết quả CT scan lần thứ 2 của bệnh nhân 91 (phi công người Anh) cho thấy phần phổi hồi phục khoảng 20-30%. Mặc dù kết quả khả quan hơn nhưng phương án ghép phổi vẫn phải chuẩn bị nếu quá trình phục hồi phổi không tiến triển thêm.

“Có hi vọng mong manh cuối đường hầm. Với 20-30% phần phổi hồi phục thì bệnh nhân vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống ECMO” – ông Châu thông tin.

Về hướng sắp tới, ông Châu cho hay bệnh nhân tiếp tục điều trị nội khoa, phối hợp ngoại khoa, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ghép phổi (trong trường hợp bắt buộc phải ghép).

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ngày 19-5 tình hình sức khỏe bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc an thần, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Siêu âm phổi phải xẹp thùy giữa dưới, không tràn khí. Phổi trái nở nhiều, hết xẹp. Bệnh nhân tiếp tục duy trì thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 26, can thiệp ECMO ngày thứ 44, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm.

Trước đó, ngày 13-5, kết quả CT scan phổi bệnh nhân 91 cho thấy toàn bộ 2 lá phổi đã xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ chết nếu dứt ECMO, vì vậy cách duy nhất để cứu bệnh nhân là ghép phổi.

LAN ANH – XUÂN MAI/TTO

Bài mới
Đọc nhiều