Bệnh nhân 188 kết quả đã âm tính sau khi nhập viện điều trị, tiếp tục được cách ly theo dõi thêm
Theo thông tin từ Bộ Y tế sáng ngày 20/4, bệnh nhân số 188 đã có kết quả âm tính và hiện tiếp tục được cách ly theo dõi thêm.
Bệnh nhân số 188 đã được xét nghiệm dịch họng và tỵ hầu bằng phương pháp RT-PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. BN188 tiếp tục được cách ly theo dõi sức khoẻ tại bệnh viện.
Thời gian gần đây tại Việt Nam xuất hiện một số trường hợp bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh Covid-19 nhưng sau đó lại dương tính trở lại. Tiêu biểu nhất trong đó có trường hợp của bệnh nhân số 22 (quốc tịch Anh) đã về nước và mới đây nhất là trường hợp của bệnh nhân 188.
Đối với trường hợp bệnh nhân 22 phát hiện dương tính tình cờ khi xét nghiệm tại sân bay, bệnh nhân không có triệu chứng. Còn đối với trường hợp của bệnh nhân 188 sau khi khỏi bệnh về nhà tiếp tục giám sát y tế thì 3 ngày sau có triệu chứng ho, khó thở. Bệnh nhân được CDC Hà Nội xét nghiệm kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, thụ thể “yêu thích” của virus SARS-CoV-2 là ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng. Khi bệnh một bệnh nhân có triệu chứng là virus đã tấn công xuống đến phổi. Bệnh nhân điều trị được 6-7 ngày hết các triệu chứng, lấy mẫu hầu họng xét nghiệm thì rất khó bắt được virus.
Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng gì, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại và sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính.
“Bệnh nhân dương tính ở đây là phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Với những trường hợp như thế này, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương sẽ được làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không… Tuy nhiên, đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục”, bác sĩ Thái nói.
The bác sĩ Thái việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kỹ thật RT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại 1 vài vật liệu di truyền của virus thôi là sẽ có kết quả dương tính.
Trên thế giới chưa ghi nhận những lây nhiễm thứ phát từ những bệnh nhân đã điều trị khỏi. Việt Nam mình có tỉ lệ mắc không nhiều nên chưa đủ bằng chứng để nói 100% chắc chắn trường hợp dương tính lại không lây ra cộng đồng.
Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.
Ngọc Minh/TQ