+
Aa
-
like
comment

Bệnh “ngại” của “quan”, thật vô cùng quan ngại!

18/09/2019 09:27

Dự án thiếu vốn không thể triển khai, Nhà nước có tiền mà không tiêu được là tình trạng được nêu tại nhiều cuộc họp về bàn về đầu tư công trong những năm gần đây.

Bệnh “ngại” của “quan”, thật vô cùng quan ngại! - 1

Một phần nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là xuất phát từ hiện tượng quan chức “sợ sai”, “không làm gì”, đổ thừa cho chính sách, cho hoàn cảnh hoặc do chủ nghĩa “xét lại” ở các dự án.

Điều này cũng được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, hoàn thiện hồ sơ giải ngân của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, xuất hiện tâm lý ngại hoàn thiện thủ tục, ngại triển khai do chưa nắm vững quy định pháp luật, sợ trách nhiệm…”.

Còn nhớ, đúng một tháng trước, trong cuộc họp ngày 19/8 với một số bộ, ngành và lãnh đạo TP Hà Nội, TPHCM, khi nghe Bộ Tài chính báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã không giấu nổi sự rốt ruột.

Ông Huệ nói: “Tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi. Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. Các đồng chí có thấy vô cảm không?”. Bài “Phó Thủ tướng: Đừng “vô cảm” với đồng vốn ngân sách!”” – Dân trí ngày 20.8.2019.

Từ “vô cảm” mà ông Huệ nêu ở đây, theo người viết là rất “đắt”. Bởi như phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Hệ lụy của giải ngân chậm sẽ rất lớn, là vấn đề “không thể coi thường”.

“Chúng ta phải biết rằng, dự án đầu tư công là nền tảng, là dự án mở đường và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Nếu đầu tư công giải ngân chậm vậy sẽ khiến hiệu ứng lan tỏa của nền kinh tế giảm và đánh mất hiệu quả” – ông Thiên cho biết.

Và cũng phải nhấn mạnh rằng, trong khi dự án “nằm yên”, không nhúc nhích thì tiền Nhà nước đi vay vẫn phải trả lãi, thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về mặt ngân sách là rõ ràng! Do đó, bất cứ ai có trách nhiệm với đồng vốn Nhà nước, với tiền thuế đóng góp của nhân dân đều cảm thấy nóng lòng, thậm chí là xót gan, xót ruột.

Vậy nhưng với nhiều quan chức có bổn phận, có lẽ sự an toàn của bản thân họ còn quan trọng hơn nhiều so với lợi ích của đất nước và của người dân. Người viết chỉ băn khoăn rằng nếu như làm đúng chức trách, phận sự, thì làm sao phải lo, làm sao mà sợ hãi?!

Nêu quan điểm trên Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã chỉ ra một thực tế đầy nghịch lý, đó là “cái đáng làm thì không dám làm, cái không nên làm lại làm mà còn làm rất nhanh, rất mạnh tay”. Đứng sau đó là cả câu chuyện lợi ích nhóm, là tư lợi cá nhân và vô số những vấn đề khác nữa.

Hay như ông Trần Đình Thiên cũng phân tích: Nếu dự án được duyệt rồi tức là phải đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn. Còn nếu có tiêu chí rồi, nơi cấp phép làm lơ đi, rồi lại dừng dự án thì rõ ràng vấn đề ở đây là có ẩn tình, “nhấp nháy” gì đằng sau.

Vậy chẳng nhẽ, cán bộ được dân bầu lên lại cứ chọn việc dễ, việc an toàn, “vô hại” mà làm, còn việc khó thì gác lại cho nhiệm kỳ kế tiếp, hoặc đùn đẩy lên cấp trên, chờ Thủ tướng chỉ đạo?! Nếu vậy, biết bao cơ hội mà doanh nghiệp và nền kinh tế bị bỏ lỡ, bao thiệt hại do sự trì trệ gây ra, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Làm quan mà “ngại” trách nhiệm, sợ rủi ro đến mức “co rúm” lại, không quyết được gì thì thật là… quan ngại! Chi bằng cứ tránh sang một bên, chiếc ghế trách nhiệm đó hãy để người có đủ phẩm chất, “dám làm, dám chịu” đảm đương thay, tin rằng không thiếu!

Bích Diệp

Bài mới
Đọc nhiều