“Bệnh hòa bình”: Điểm yếu chí tử của Quân đội Trung Quốc
Lịch sử đã chứng minh, yếu tố trang bị hiện đại tuy quan trọng nhưng nếu người lính không thể vận hành hiệu quả trang bị đó, lực lượng quân sự vẫn chưa thể trở nên “nguy hiểm”.
Ngày 26/8, tờ National Interest xuất bản bài viết Don’t Sweat China’s Aircraft Carriers or Stealth Fighters: The ‘Peace Disease’ Is a Problem (tạm dịch: Đừng sợ hãi tàu sân bay và máy bay tàng hình của TQ: Bệnh hòa bình mới là vấn đề thực sự) của tác giả Charlie Lyons Jones.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn đa chiều, đặc biệt là quan điểm của phương Tây đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc về quân sự trong thời gian gần đây, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
“Gã khổng lồ” Trung Quốc trỗi dậy có thực sự khỏe mạnh?
Việc hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Trung Quốc đã gây ra một cuộc thảo luận căng thẳng về các ưu tiên quốc phòng của Australia.
Nó làm sống lại các cuộc tranh luận cũ về một học thuyết “Bảo vệ (nền) độc lập của Australia” hay hình thành một liên minh (quân sự) sâu sắc hơn với Hoa Kỳ.
Các cuộc tranh luận có một điểm chung, đó là không am hiểu về những điểm yếu và thiếu sót của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Điều quan trọng nhất mà các nhà hoạch định quốc phòng Australia cần hiểu là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “căn bệnh hòa bình” của PLA.
“Căn bệnh” này chính là thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Các nhà phân tích Trung Quốc xác định rằng việc không có các hoạt động huấn luyện trong điều kiện thực tế đã trở thành nỗi lo lắng của nhà cầm quyền Trung Quốc về khả năng của PLA trong một cuộc xung đột.
Cụ thể là nhà cầm quyền TQ lo ngại rằng PLA không có kinh nghiệm với cường độ chiến đấu cao trong chiến tranh hiện đại.
Người Trung Quốc cũng tự nhận ra điểm yếu của mình
Trong một bài viết gần đây cho tờ báo chính thức của PLA, Nhật báo Quân giải phóng nhân dân, các tác giả Chen Yongyi và Liu Yuanyuan viết rằng “Ở thời chiến, quân đội vừa chiến đấu vừa tìm hiểu được kẻ địch”.
Họ cho rằng việc duy trì tiếp cận kẻ địch giúp PLA nhận thức được cả trách nhiệm và thách thức của không gian chiến đấu hiện đại.
Trong khi một số tướng lĩnh “than vãn” về vấn đề kinh nghiệm chiến đấu, thì việc tìm cách giải quyết vấn đề thiếu kinh nghiệm trong các cuộc xung đột ngắn hiện đại sẽ cho phép PLA thu hẹp khoảng cách với quân đội Mỹ
Tuy nhiên, để xoa dịu nỗi sợ hãi về sự thiếu chuẩn bị của PLA, TQ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện chất lượng đào tạo của PLA.
Vào đầu năm 2019, tờ PLA Daily đã xuất bản một bài viết trên trang nhất kêu gọi binh lính TQ “nắm vững việc huấn luyện chiến đấu thực tế” để đáp ứng mục tiêu về một quân đội “nguy hiểm hơn” có thể sánh ngang với những kẻ địch “cao cấp hơn”.
Tuy nhiên, mặc dù tập trung vào việc cải thiện chất lượng huấn luyện quân sự, các vấn đề về hiệu suất và sẵn sàng chiến đấu vẫn là câu hỏi lớn đối với PLA.
Nhà báo Chen Dianhong từ PLA Daily gần đây đã dẫn lời của Chỉ huy Quân đoàn 75 PLA đang gặp vấn đề vì thiếu sự chuẩn bị cho chiến đấu.
“Chất lượng và số lượng trang thiết bị vũ khí không đạt yêu cầu và không đủ cho hoạt động huấn luyện thường ngày”.
Không rõ rằng nhà cầm quyền TQ có hoàn toàn tin tưởng Quân đoàn 75, hoặc các quân đoàn khác có thể giải quyết các vấn đề đó và đáp ứng các mục tiêu hiện đại hóa hay không.
Nguyên nhân sâu xa “căn bệnh hòa bình” của Quân đội Trung Quốc
Các vấn đề của hiệu suất chiến đấu kém và thiếu khả năng sẵn sàng chiến đấu có thể thể hiện trong các cuộc tập trận lớn, nhưng chúng bắt nguồn từ đào tạo cơ bản (huấn luyện tân binh).
He Junlin và Sun Yanbao lập luận rằng “chỉ thông qua việc cải thiện huấn luyện cơ bản mới có thể phát huy hết tiềm năng của vũ khí, và nâng cao hiệu quả chiến đấu của PLA”.
Nhận xét của họ chứng minh rằng TQ lo ngại về sự không tương đồng giữa khả năng của vũ khí và chất lượng đào tạo đối với các quân nhân vận hành chúng. Để giải quyết vấn đề này, nhà cầm quyền TQ mong muốn PLA cải thiện việc đào tạo cơ bản tân binh.
Tuy nhiên, việc huấn luyện tốt hơn vẫn chưa đủ khả năng chữa khỏi căn bệnh hòa bình.
Nhà phân tích Timothy Heath từ Tổ chức phân tích RAND lưu ý rằng: “Ngay cả khi có được kinh nghiệm chiến đấu thì nó cũng không tự chuyển thành lợi thế quân sự.
Quân đội phải đi xa hơn, phân tích sâu hơn vào các bài học thu được từ các hoạt động chiến đấu và công tác huấn luyện”.
Dennis J. Blasko đã chỉ ra rằng PLA có hệ thống hồ sơ tự đánh giá về hiệu suất đào tạo. Nó có thể hệ thống hóa cùng với các ví dụ thực tiễn để chuẩn bị cho các cuộc xung đột hiện đại.
Mặc dù một số biện pháp này về lý thuyết có thể chính xác, nhưng PLA đã phải chịu những đánh giá không chính xác về hiệu suất của chính mình trong huấn luyện cơ bản. Những đánh giá bản thân không chính xác này là một triệu chứng khác của vấn đề PLA đang đối mặt.
Nhà báo Xu Tao gần đây đã xuất bản một bài viết chỉ ra rằng một số binh sĩ có thể “bịa” ra những điểm yếu không tồn tại, trong khi cố cường điệu những điểm mạnh trong các bài huấn luyện.
Mặc dù các tác động ngắn hạn của những thông tin này có thể bị hạn chế trong việc đánh giá hiệu suất sai, sự phát triển lực lượng dài hạn của PLA có thể bị tổn hại bởi các sĩ quan ưu tiên các bài tập mà binh lính cảm thấy dễ dàng hơn là các bài huấn luyện căng thẳng.
Điều này dẫn đến mầm bệnh của điều được nhà cầm quyền TQ gọi là “bệnh hòa bình”. Nếu không có kinh nghiệm trong các hoạt động chiến đấu, binh lính sẽ không thể nhận ra điểm yếu trong hoạt động quân sự liên quan đến chiến tranh hiện đại.
Nếu những điểm yếu này “di căn”, sự phát triển lực lượng của PLA cho các nhiệm vụ quan trọng có thể bị tổn hại theo thời gian.
Kết luận
Sự chú ý mà TQ đã dành cho sự thiếu kinh nghiệm của PLA cho thấy đó là một lo lắng chính xác, tuy nhiên cho tới hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy “phương pháp chữa trị”.
Những cải tiến đáng kể chắc chắn đã được thực hiện về số lượng và chất lượng của các nền tảng vũ khí có thể được PLA triển khai, đặc biệt là chú trọng vào lực lượng trên không và trên biển.
Nhưng nếu không có những cải tiến lớn về chất lượng và đào tạo, khả năng đạt được các mục tiêu ngày càng tham vọng của TQ trong khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ có những hạn chế nhất định.
Charlie Lyons Jones là một nhà phân tích các vấn đề quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của ASPI (Viện chính sách chiến lược Australia).
Cao Phúc