Bệnh “công thần” vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
Một căn bệnh tuy không mới nhưng hết sức nguy hiểm đó là bệnh “công thần”, “kiêu ngạo cộng sản”. Người mắc căn bệnh này là những cán bộ, nguyên là cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, nhiều người có công lao, thành tích nhưng đáng tiếc là không giữ mình dẫn đến kiêu ngạo, “công thần”, thậm chí chà đạp cả lý tưởng đã từng theo đuổi. Căn bệnh này rất cần phải xử lý nghiêm nhằm góp phần tạo nên sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội…
Họ đã và đang tự đánh mất chính mình
Có những người tự coi mình là “công thần”, “đại thần” và rồi tự cho bản thân, người nhà hưởng những đặc quyền, đặc lợi.
Trong các căn bệnh mà cán bộ, đặc biệt là những cán bộ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo hay mắc phải thời gian vừa qua, bệnh “công thần” dù ít được nhắc đến nhưng nó lại đang hiện hữu không ít trong thực tế. Có những người lãnh đạo tự cho mình là quan trọng, tự cho mình là người đã đóng góp lớn cho Đảng, Nhà nước và sau đó đưa ra các yêu sách, đòi hỏi về những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân, gia đình.
Cán bộ là sức mạnh của quốc gia, là linh hồn của toàn hệ thống chính trị. Vậy nhưng đáng buồn thay, thời gian vừa qua, không ít cán bộ, thậm chí là lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan, đơn vị lại đang có dấu hiệu “ngồi nhầm ghế”, đi nhầm phòng.
Những người nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu, mắc bệnh kiêu ngạo, “công thần” thường nói, viết theo quan điểm suy diễn riêng. Một số người còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm không được thừa nhận, gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Các đối tượng này tự cho mình là “hiểu cao, biết rộng” còn tham gia ký các đơn, “tâm thư”, “thỉnh nguyện tập thể” có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước nhưng lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng…
Điển hình khác là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ. Từ khi nghỉ hưu, ông này đã viết bài, tham gia các diễn đàn chống lại quan điểm, đường lối của Đảng dù được nhắc nhở, kiểm điểm nhưng không chấp hành. Do đó, ông Chu Hảo đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng…
Có người thì đưa ra đòi hỏi về vật chất, đòi nhà, đòi xe; có người lại đưa ra đòi hỏi về vị trí “ghế ngồi”, đòi chức, đòi quyền cho con, em mình. Để rồi sau đó, khi yêu cầu không được đáp ứng thì không ít người lại sinh ra ấm ức, khục khặc, bất mãn với chính quyền. Thậm chí, có người từng gắn bó cả đời với Đảng nhưng khi về hưu chỉ vì không được “vuốt ve”, yêu chiều, chỉ vì những đòi hỏi không được đáp ứng mà sinh ra chống đối, xét lại.
Việc này kéo theo vấn đề nội bộ trở nên mâu thuẫn, mất đoàn kết, khiến cho tập thể bị suy yếu. Và cuối cùng, cả một hệ thống phải gánh chịu những hậu quả, thiệt hại do căn bệnh “công thần” của một người gây ra.
Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý
Cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều nhưng nếu sự chỉ trích đi kèm bệnh “kiêu ngạo cộng sản” và “công thần” thì hậu quả vô cùng nguy hiểm. Ở một góc độ nhất định, những người mắc bệnh “công thần” cũng nguy hiểm không kém những người tham nhũng. Tất cả đều làm suy yếu nội bộ, khiến cho bản chất cách mạng của người cán bộ bị biến chuyển.
Phòng và chống bệnh kiêu ngạo, “công thần” bằng nhiều nội dung và phương thức: Bằng thể chế (nghị quyết, quy định, điều lệ, nguyên tắc của Đảng; pháp luật của Nhà nước); bằng sự nêu gương của cán bộ, nhất là của cán bộ cấp cao; bằng sự kiểm tra, giám sát của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị,…
Để tán phát những thông tin xấu, tiếp tay cho những căn bệnh kiêu ngạo, “công thần”, những điều sai trái có “cánh tay vô hình” của kênh truyền thông mạng xã hội và thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng xấu, cơ hội chính trị thường lợi dụng những cán bộ nghỉ hưu, có tinh thần đấu tranh cao nhưng trong nhiều trường hợp lại thiếu thông tin… Vì thế, cũng cần có biện pháp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, ngăn ngừa các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng.
Phẩm chất của người cán bộ, đảng viên chân chính là khiêm tốn, có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người, suốt đời học hỏi. Bởi vì, cuộc đời phấn đấu, hy sinh của người cán bộ, đảng viên là vì nhân dân, chứ không phải cho cá nhân mình.
Quỳnh Quỳnh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)