Bến xe Miền Đông kín người rời TP.HCM về quê ăn tết
Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 5.2, tức 24 tháng Chạp, xe đậu kín bến, hàng dài người tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc chờ được lên xe về quê ăn Tết cùng gia đình “năm Covid”.
Giữa lúc xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở nhiều tỉnh thành, nhiều người vẫn mong muốn được rời TP.HCM về quê để đoàn tụ cùng gia đình dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Chỉ mới hơn 3 giờ chiều, dù không phải là giờ cao điểm nhưng lượng khách có mặt tại bến xe Miền Đông đã rất đông. Càng về chiều tối, lượng người đổ về đây càng tăng lên khiến việc di chuyển trong các bãi xe gặp nhiều khó khăn.
“Tôi thấy mình không có nguy cơ nhiễm bệnh nên mới dám về”
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các hành khách và nhân viên làm việc tại bến xe đều tuân thủ tốt việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Việc đo thân nhiệt tại các cửa ra vào quầy vé cũng được thực hiện để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Chờ được lên xe để về Kon Tum ăn tết cùng gia đình, anh Xuân Phúc (30 tuổi, hiện đang làm việc tại Q.3, TP.HCM) lộ rõ sự mệt mỏi vì phải chờ đợi trong thời tiết nóng bức. Anh cho biết anh khá lo lắng khi phải đến những nơi công cộng như bến xe vì tình hình dịch bệnh phức tạp.
“Cứ tưởng năm nay được về quê ăn tết ngon lành thì đùng một cái dịch bệnh bùng phát, nhất là khi TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Trước khi quyết định về nhà, tôi đã xem rất kỹ các thông tin về dịch bệnh, nhất là lịch trình của các ca nhiễm để xác định mình có phải F1, F2 gì không. Tôi thấy mình không có nguy cơ nhiễm bệnh nên mới dám về chứ không lỡ lây cho người thân thì chắc tôi ân hận suốt đời”, anh nói.
Đồng hương với anh Phúc, bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi) đi cùng chuyến xe với anh để về quê. Bà cho biết mình vào TP.HCM làm tạp vụ được hơn 5 năm và năm nào bà cũng về quê ăn tết cùng gia đình.
Làm sạch Bến xe Miền Đông, đón dòng người về quê ăn tết giữa đại dịch Covid-19
Để phòng dịch Covid-19, khi ra bến xe bà mang một lớp khẩu trang y tế rồi đến một lớp khẩu trang vải “cho chắc ăn”. Bà cũng chuẩn bị sẵn trong túi một chai nước rửa tay khô, cứ lâu lâu lại lấy ra sử dụng.
Bà Hà lo lắng: “Dịch bệnh mà, kỹ lưỡng vẫn hơn. Không chỉ tôi mà bất cứ ai ở đây vì khi muốn về quê cũng đắn đo lắm, sợ mình mang bệnh về nhà thôi. Giờ ngồi uống nước mà phải gỡ khẩu trang ra tôi còn sợ mà. Tôi phải kỹ thật kỹ để không làm liên lụy đến ai”.
Trước khi về quê, bà gọi hỏi con cháu về việc khi về quê có phải cách ly hay khai báo y tế gì không.
Theo ghi nhận, những chuyến xe đi Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa… đông hành còn các xe đi Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ít khách hơn hẳn. Đặc biệt, các chuyến xe về Hải Dương dường như đều trong trạng thái… không có khách.
Dù lượng khách tập trung ở các bến xe đông, tuy nhiên theo nhiều nhà xe lượng khách vẫn không bằng thời điểm này năm ngoái. “Năm trước, khi chưa có dịch thì đông lắm, không ai nhúc nhích được luôn”, nhân viên một nhà xe cho hay.
Anh Lê Tự Tự (38 tuổi, quê Đà Nẵng) – người điều hành nhà xe Hoàng Long chuyên chở khách từ TP.HCM đi Hải Phòng cho biết từ khi dịch bùng phát tại TP.Chí Linh (Hải Dương), hãng xe của anh thất thu khi đa phần hành khách đều hủy vé.
“Vì Covid-19, Tết năm nay lượng khách giảm 90% – 95%, nói thẳng ra là không có khách. Chuyến xe này có 4 khách thôi, cộng thêm chúng tôi nữa cũng là về Hải Phòng ăn tết ngoài đó luôn”, anh rầu rĩ.
“Không gì vui bằng được đoàn tụ gia đình ngày Tết”
Đến bãi đỗ dành cho xe khách chở người từ TP.HCM về Gia Lai, chúng tôi gặp bà Võ Thị Vui (60 tuổi, quê Gia Lai) cùng bạn của mình đang khệ nệ hành lý để chuẩn bị chất lên xe. Bà Vui vào TP.HCM giúp việc nhà.
“Đến nay là ngày 24 tết chủ cho nghỉ thì tôi lập tức dọn đồ về. Cả một năm làm lụng vất vả, tích góp được ít tiền cũng chỉ mong mua được ít quà cho con cháu. Các cháu nhỏ ở nhà trông tôi lắm. Về nhà để còn thắp nén hương cho ông bà tổ tiên vào ngày tết”, bà bộc bạch.
Khi biết Gia Lai có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, bà lo không được về quê năm nay. Vừa khoe món quà năm mới mua về cho các cháu, bà vừa tâm sự: “Cũng may là nơi có ca nhiễm xa chỗ tôi, vì tôi ở H.Đức Cơ nên khi về chỉ cần khai báo y tế là được. Không có niềm vui nào bằng việc được đoàn tụ gia đình vào những ngày cuối năm”, bà nói.
Cùng con gái vào TP.HCM làm việc, hai cha con ông Võ Trọng Ý (50 tuổi, quê Phú Yên) cũng tranh thủ về quê ngày 24 tháng Chạp. “Hai cha con tôi làm việc ở đây cả năm, cũng thấy nhớ nhà. Chúng tôi tranh thủ để về thăm quê vì tình hình ở quê cũng ổn và dịch bệnh ở nhiều nơi trên cả nước hiện đang được kiểm soát tốt”, ông lạc quan.
CAO AN BIÊN/ TNO