+
Aa
-
like
comment

Bên cạnh sự hy sinh của những ‘cánh quân’ thầm lặng là sự phá hoại của kẻ núp sau bàn phím

Văn Dân - 07/04/2020 14:35

Vậy là Việt Nam đã bước sang tuần thứ 2 của hai tuần quyết định dịch có bùng phát hay không? Cũng đã là buổi sáng thứ 2 liên tiếp chưa có thêm ca nhiễm mới nào. Nhưng chặng đường phía trước còn lắm gian nan, không thể chủ quan. Và dưới sự chỉ đạo của “Bộ chỉ huy tối cao” là Trung ương Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở chuyển động ngày càng mạnh mẽ chủ động khóa chặt, vô hiệu hóa “ả cô vi” quái ác. Hơn 2 tháng qua, không thể kể hết những hy sinh thầm lặng của những ‘cánh quân’ trong hành trình nỗ lực hết mình vì cuộc chiến giữa thời bình. Mà ở đó như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Các lực lượng phải làm việc không có đêm, không có ngày”. Họ chính là…

Hơn 2 tháng qua, không thể kể hết những hy sinh thầm lặng của những ‘cánh quân’ trong hành trình nỗ lực hết mình vì cuộc chiến giữa thời bình.

“CÁNH QUÂN THỨ NHẤT”, phải kể đến những cống hiến hết mình, chẳng quản vất vả hiểm nguy chực chờ của những “thiên thần áo trắng” trên mọi miền Tổ quốc. Những người mang trong mình lời thề Hippocrates, khoác trên người bộ đồ bảo hộ, không hề nao núng, vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài giành giật sinh mệnh cho từng người bệnh. Họ đã tạm gác lại tình thân và những giây phút quây quần bên gia đình kể cả trong ngày xuân năm mới để trực chiến, tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm và nghi nghi nhiễm. Đó còn là những nhà khoa học sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vác-xin phòng dịch. Công việc thầm lặng của “những chiến sĩ trên tuyến đầu” chống dịch đã để lại những cảm xúc yêu thương, trân trọng của mọi người, góp phần lan tỏa tình vị tha, lòng nhân ái trong cộng đồng.

“CÁNH QUÂN THỨ HAI”, chính là lực lượng quân đội. Họ đã nhường nơi ăn, chốn ở cho những người cách ly, ngày đêm tăng cường chốt chặn, kiểm soát đường mòn, lối mở; thành lập các bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly tập trung; cùng vô kể những việc không tên như phòng độc, khử trùng; tổ chức tiếp nhận, quản lý, giám sát, chăm sóc, cách ly; cùng hiệp đồng tác chiến với các lực lượng công an, y tế thực hiện tốt công tác phát hiện, tìm kiếm, giám sát cách ly…

Đúng đợt rét Nàng Bân. Vùng núi biên giới nhiều nơi mưa lạnh, có vùng ngày nắng nóng đêm sương giá, có vùng mưa dầm giề. Sức chịu đựng con người có hạn, nhưng với người lính Biên phòng thì có xá gì. Chỉ mong sao mọi người ai cũng được bình an mạnh khỏe, chiến thắng covid.

Song hành cùng quân đội, “CÁNH QUÂN THỨ BA” chính là lực lượng Công an nhân dân. Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng “đi tận ngõ, gõ tận nhà” là hàng loạt những biện pháp chủ động cứng rắn “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thể hiện tinh thần “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong” của lực lượng Công an cùng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đang triển khai một cách quyết liệt. Mà ở đó, mỗi người dân, gia đình, thôn, xã như trở thành “một pháo đài”, còn lực lượng Công an tựa như “lá chắn thép” trong công tác phòng chống dịch. Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân được người dân ví von bằng ngôn đáng yêu “người vận chuyển mang sắc phục” đã nói lên được nghĩa tình keo sơn giữa quân và dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân được người dân ví von bằng ngôn đáng yêu “người vận chuyển mang sắc phục” đã nói lên được nghĩa tình keo sơn giữa quân và dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Vất vả là thế, nhưng nhiệm vụ “an dân” đâu chỉ dừng lại ở nhiêu đó, khi mà “cánh quân phá hoại” đã đang nương theo dịch bệnh để thực hiện những hành vi vô lương. Theo Bộ Công an, kể từ khi xuất hiện dịch, đã có gần 900.000 tin, bài, clip liên quan đến dịch bệnh được đăng tải trên mạng, trong đó, có nhiều tin đồn thất thiệt, tin giả với nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận, bôi nhọ danh dự cá nhân, làm sai lệch nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam. Kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, lực lượng Công an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức triệu tập gần 200 trường hợp và xử lý hành chính hơn 30 trường hợp có hành vi tung tin thất thiệt về dịch bệnh. Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực hơn một năm), cùng các văn bản pháp luật khác chính là liều thuốc “dã tật” nhằm ngăn ngừa tin giả trong bối cảnh nóng bỏng của dịch bệnh. Để hiện thực hóa hơn nữa quân lệnh của Bộ trưởng Công an Tô Lâm: “chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải giữ được sức khỏe cho nhân dân, vừa phải giữ được tâm lý bình tĩnh, không hoang mang trong nhân dân”.

“CÁNH QUÂN THỨ TƯ”, chính là lực lượng báo chí tuyên truyền và cộng đồng mạng tích cực. Họ chính là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân trên lĩnh vực thông tin, liên lạc. Đặc biệt, vai trò của báo chí, cộng đồng mạng xã hội tích cực trong “cuộc chiến” hiện tại còn rõ ràng hơn bao giờ hết khi đã tận dụng tối đa những tiện ích trên nền tảng Internet, kịp thời thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới người dân biết rõ tình hình đang diễn ra cũng như cách thức phòng, chống dịch, đẩy lùi các tin giả, tin xấu độc cũng theo mạng internet mà lan tràn rộng khắp gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân.

Đó còn là từng tin nhắn 20 ngàn, từng mớ rau, cân gạo mà người dân vốn khó khăn chắt chiu, nhường nhịn nhau hay sớt chia cùng Chính phủ.

“CÁNH QUÂN THỨ NĂM”, chính là cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp, nhiều mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong cả nước đã đóng góp hàng trăm tỷ, hàng chục tấn gạo, vật dụng y tế, nhà ở cho người cách ly để hỗ trợ công tác phòng chống dịch thật đúng đạo lý truyền thống của dân ta “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”. Cùng với những đóng góp tiền tỷ, tiền triệu đó còn là những thùng mỳ dành cho nhau khi cơ nhỡ. Đó còn là từng tin nhắn 20 ngàn, từng mớ rau, cân gạo mà người dân vốn khó khăn chắt chiu, nhường nhịn nhau hay sớt chia cùng Chính phủ. Cũng lâu rồi hai chữ “đồng bào” lại trở nên thiêng liêng đến vậy. Nó nhắc nhớ về cội nguồn. Và, hơn hết thảy, nó thể hiện cốt cách của dân tộc con Lạc cháu Hồng: mạnh mẽ, đoàn kết, nghĩa tình.

Tinh thần bất diệt của chiến thắng 30/4 đang lên cao, cuộc chiến này sẽ sớm thành công khi có sự đoàn kết một lòng của các “cánh quân” nêu trên và tất yếu không thể thiếu được một “cánh quân vô địch” đó chính là toàn dân. Sức mạnh của nhân dân đã quyết định chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và hôm nay lực lượng vô địch này lại tiếp tục được phát huy với ý chí chiến thắng “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch” đúng như lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tất cả đã tạo nên một “kháng thể” Việt Nam bảo toàn sức khỏe trên diện rộng. 3 ngày qua, số người phát hiện mới mắc ở nước ta giảm sâu, có ngày không có; số người chữa khỏi dịch ngày một nhiều hơn; số người bệnh nặng do Covid-19 giảm gần hết, không có ca tử vong. An ninh, trật tự xã hội vẫn ổn định, cuộc sống không có những sự xáo trộn lớn quá lớn, tâm lý đại đa số người dân vẫn vững vàng. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, trách nhiệm, trí tuệ và sự đồng tâm hiệp lực, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến chưa có tiền lệ này. Đồng thời, thổi bay, bẻ gãy những luận điệu sai trái, xuyên tạc và lạc lõng khiến lòng người rối loạn của đám “cánh quân phá hoại”. Trong lúc những cán bộ y tế tuyến đầu đang chiến đấu với dịch bệnh không quản ngày đêm; những cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an không ngại ngần vất vả, nguy hiểm tham gia phòng chống dịch bệnh từ biên giới đến những khu cách ly… đã không giúp ích được gì, chúng lại “phá công cuộc dập dịch” của toàn đảng, toàn dân bằng bàn phím và “bơm” ra xã hội những thông tin sai trái, bịa đặt, gây nghi kỵ, chia rẽ lòng người.

Chống dịch thời Covid-19 đã cho thấy rất rõ, bên cạnh sự hy sinh của những ‘cánh quân’ thầm lặng là sự phá hoại của kẻ núp sau bàn phím. Vì vậy hãy cân nhắc trước khi like, share những thông tin tiêu cực mà bạn có thể thấy đâu đó trên mạng xã hội.

Văn Dân

Bài mới
Đọc nhiều