Bé trai bị biến chứng viêm thanh quản do nhiễm Covid hiếm gặp
Bé trai mắc Covid-19 bị viêm phù nề thanh quản làm nghẽn đường thở, suy hô hấp cấp; tình trạng này y văn thế giới chỉ ghi nhận rải rác một số ca hiếm gặp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 28/3 cho biết bé trai 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, co kéo lồng ngực, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) giảm còn 82%. Hai ngày trước đó bé sốt nhẹ, sổ mũi, ho và khóc khàn tiếng, thở rít vào. Mẹ bé gần đây cũng mắc Covid-19.
Trẻ được chẩn đoán viêm dây thanh quản cấp, suy hô hấp nặng và dương tính Covid-19. Các bác sĩ cho bé thở oxy, dùng kháng viêm, phun khí dung adrenaline để chống phù nề đường thở. Sau một giờ can thiệp, bé vẫn khó thở nên được dùng phối hợp hai loại khí dung adrenaline và budesonide. Điều trị tích cực 5 ngày, hiện sức khỏe bé đã cải thiện, không cần hỗ trợ thở oxy, ăn uống được, tiếp tục theo dõi và điều trị Covid-19.
Theo bác sĩ Tiến, tình trạng viêm thanh quản cấp đến mức suy hô hấp ở trẻ mắc Covid-19 không phổ biến, đến nay Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mới ghi nhận 10 trường hợp. Y văn thế giới ghi nhận một số ca rải rác. Bé trai này là ca biến chứng suy hô hấp nặng nhất, ở mức độ 2B; các trẻ khác bị suy hô hấp ở mức độ 1 và 2A, hồi phục sớm hơn.
Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp thường do nhiễm siêu vi á cúm (parainfluenzae virus), xảy ra ở trẻ từ 5 tháng đến 3 tuổi, nhưng nCoV cũng có thể gây tình trạng này. Bác sĩ nghi ngờ trẻ có thể đồng nhiễm cúm và Covid-19 cùng lúc. Tuy nhiên Việt Nam không làm xét nghiệm chẩn đoán cúm, bởi cúm ít gây tử vong. Do đó, không thể xác định chính xác tác nhân gây viêm thanh quản cấp, bé trai có đồng nhiễm cúm và Covid-19 hay không.
Thanh quản có vị trí ở trước cổ, một phần nhô ra trước còn gọi là “trái cấm”, có chức năng phát âm. Khi thanh quản bị viêm, trẻ sốt, khi nói, khóc có giọng khàn, ho nghe khào khào. Nếu tình trạng sưng viêm phù nề nhiều làm tắc nghẽn đường thở, dẫn đến khó thở, tím tái, thở rít thanh quản thì hít vào, trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đến nay, Việt Nam cơ bản phủ vaccine đủ hai mũi cho người từ 12 tuổi nhưng chưa triển khai tiêm cho nhóm trẻ dưới tuổi này. Chủ trương tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi được Thủ tướng đề cập đến từ cuối tháng 12/2021. Đến cuối tháng 1, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ và được chấp thuận chủ trương mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là nguy cơ. Việc chích ngừa vaccine cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho trẻ được tiêm. Nếu không trẻ sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu trẻ được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều.
Hôm 27/3, Bộ Y tế cho biết chính phủ Australia cam kết viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi, sẽ chia làm hai đợt vận chuyển về Việt Nam. Đợt một có 0,7 triệu liều vaccine Pfizer và 9 triệu liều vaccine Moderna, đợt hai 4 triệu liều vaccine Pfizer. Số vaccine này sẽ được tiêm ngay vào đầu tháng 4.
Bộ Y tế ngày 28/3 yêu cầu các địa phương lập danh sách trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, chuẩn bị tiêm chủng Covid-19 ngay khi được phân bổ vaccine.
Các địa phương sẽ tổ chức tiêm miễn phí, theo hình thức chiến dịch, tại cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Vaccine sử dụng là loại được Bộ Y tế phê duyệt, liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Cha mẹ, người giám hộ sẽ ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ.
Anh Thư