+
Aa
-
like
comment

Bẻ lái, đánh võng, xuyên tạc vụ án hình sự: một thủ đoạn nguy hiểm

Bảo An - 13/12/2020 18:52

Sáng ngày 11/12/2020, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước. Kết thúc phiên xét xử, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Hoàng Trung 24 tháng tù; bị cáo Phạm Quang Dũng 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Anh Ngọc 18 tháng tù.

Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đồng phạm trước tòa

Vụ án ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và đồng phạm chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là vụ án “nóng” bởi người phạm tội từng là quan chức cấp cao, người đứng đầu trong hệ thống cơ quan hành chính của Hà Nội; khách thể bị xâm phạm là bí mật quốc gia. Ngoài ông Chung, tất cả các đồng phạm khác cùng đều từng công tác trong ngành Công an. Với những lý do trên, vụ án luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là một “miếng bánh” béo bở để các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lợi dụng tiến hành xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Sau khi phiên toàn xét xử sơ thẩm kết thúc và bản án được đưa ra, ngay lập tức các đối tượng cơ hội chính trị đã tiến hành công kích, tung ra những luận điệu xấu, độc nhằm hướng lái dư luận đi theo hướng tiêu cực. Đồng thời, các đối tượng đang cố tình kích động sự hoài nghi, tâm lý mâu thuẫn, chống đối với Đảng, Nhà nước.

Trước hết, các đối tượng ra sức xuyên tạc quá trình xét xử vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước nêu trên. Theo lập luận được các đối tượng tung ra, việc phiên tòa được xét xử kín là không đảm bảo sự khách quan, minh bạch, đi ngược lại quy định của pháp luật, thể hiện sự bao che cho sai phạm.

Mặt khác, các đối tượng cố tình xuyên tạc mức án được đưa ra, cho rằng hình phạt đối với các bị cáo là nhẹ nhàng, không mang tính răn đe. Thậm chí, để bao biện cho lập luận của mình, các đối tượng còn tiến hành so sánh mức án mà các bị can trong vụ án nêu trên bị tuyên với mức án của một số bị can trong các vụ án khác và quy chụp cho rằng án nhẹ cho quan, án nặng cho dân, vu khống nền tư pháp của chúng ta không công bằng.

Hay ở một góc độ khác, các đối tượng cố tình chính trị hóa vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước do ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm thực hiện. Các đối tượng này tung ra lập luận đầy màu sắc chính trị, với những thuyết âm mưu vô cùng đen tối, cho rằng việc xét xử, kết án ông Chung chỉ là một chiêu trò “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực” giữa các “phe nhóm” trước Đại hội XIII.

Những luận điệu nêu trên là hết sức sai lầm, tiêu cực, thể hiện cái nhìn phiến diện, thiển cận, thiếu hiểu biết.

Bàn về việc xét xử kín, cần phải nhấn mạnh đây là việc làm hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật. Điều 25, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”. Trong phiên toàn xét xử kín, ngoài Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín mà chỉ có thể trở lại phòng xét xử để nghe tuyên án công khai nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án, hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án để tiếp tục dự thính, theo dõi việc xét xử công khai. Đối với vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước mà ông Nguyễn Đức Chung là bị can, việc xét xử kín là điều cần thiết để bảo vệ bí mật Nhà nước.

Về mức án mà ông Nguyễn Đức Chung nói riêng và các bị can trong vụ án nói chung bị tuyên, đây là mức án phù hợp. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, đồng thời ngăn ngừa khả năng họ phạm tội mới. Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Với các bị can trong vụ án trên, tất cả đều có tình tiết giảm nhẹ. Đồng thời, nhiều người đã có những đóng góp nhất định cho xã hội. Vì vậy, việc quyết định hình phạt như đã tuyên không hề có sự ưu ái, bao che nào mà nó hoàn toàn khách quan, công tâm, đúng đắn.

Việc xử lý, kết án bất kỳ ai đều căn cứ trên các quy định của pháp luật. Trước pháp luật, mọi người đều công bằng, bình đẳng với nhau. Ai sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đó, không hề có sự ưu ái, bao che. Mặt khác, việc xét xử là hoàn toàn khách quan, đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, việc “chính trị hóa”, bẻ lái, xuyên tạc, công kích một vụ án hình sự suy cho cùng chỉ là một vở kịch để cá đối tượng chống đối tận dụng nhằm công kích chính quyền.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều