Bẻ gãy “Mũi tên xuyên”: Hải quân Việt Nam chiến thắng vang dội trước cường quốc số 1 TG
Với âm mưu tiêu diệt lực lượng Hải quân Việt Nam non trẻ sau vụ khiêu khích ở Vịnh Bắc Bộ, Hải quân Mỹ đã phải trả giá đắt khi mất 8 máy bay và một phi công bị bắt sống.
Âm mưu của Mỹ đằng sau “Sự kiện vịnh Bắc Bộ
“Đầu những năm 1960, chiến lược chiến tranh đặc biệt mà Mỹ áp dụng ở miền Nam Việt Nam đã bị phá sản.
Tổng thống Mỹ và Hội đồng an ninh quốc gia đã quyết định chủ trương chiến lược mới: “Gây sức ép tối đa và liên tục bằng cách đưa quân đội vào để Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam; khẩn trương chuẩn bị đưa chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân ra miền Bắc Việt Nam”.
Đánh phá miền Bắc trước hết làm suy yếu Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH), đồng thời cắt đứt nguồn viện trợ của miền Bắc với miền Nam. Để thực hiện kế hoạch đó, Chính quyền Johnson phải tìm ra một cái cớ để dọn đường dư luận và kêu gọi sự đồng thuận của lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Kịch bản của họ là triển khai máy bay và tàu chiến vi phạm không phận, hải phận của VNDCCH với hai mục đích: do thám hệ thống phòng thủ và khiêu khích.
Nếu Việt Nam phản kích, Hoa Kỳ sẽ tuyên truyền và bóp méo sự thật thành VNDCCH tấn công Hoa Kỳ. Từ đó, Hoa Kỳ sẽ leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam.
Theo đúng kịch bản đó, đêm 30 rạng 31.7.1964, tàu biệt kích Hải quân Việt Nam Cộng hòa bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An). Tiếp đó, sáng 1.8, tàu khu trục Maddox (số hiệu DD731) tiến vào khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư rồi tiến lên phía bắc vừa khiêu khích vừa thu thập tin tức tình báo.
Không để cho chúng tự do xâm phạm vùng biển, Phân đội 3 Tiểu đoàn phóng lôi 135 đã xuất kích trừng trị chúng. Mặc dù không bắn trúng quả ngư lôi nào song đã buộc tàu Maddox phải tháo chạy cùng với một số vết đạn 14,5mm trên boong.
Cay cú trước việc một tàu khu trục hiện đại bị những tàu phóng lôi nhỏ bé xua đuổi, phía Mỹ đã vu cho Hải quân Việt Nam (HQVN) tiến công tàu USS Turner Joy của Hải quân Mỹ ngoài vùng biển quốc tế ngày 4.8.1964.
Với lý do trả đũa các cuộc tiến công trên, ngày 5 tháng 8 năm 1964, Hải quân Mỹ đã mở chiến dịch “Mũi Tên Xuyên” với mục tiêu đánh phá một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 7.8.1964, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (còn gọi là Nghị quyết vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào mà chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa bởi “sự hiếu chiến của cộng sản”. Nghị quyết này đã trở thành sự biện minh hợp pháp cho việc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam.
Các cuộc điều tra sau này đã chỉ rõ: sự kiện ngày 2.8.1964 là hành động tự vệ cần thiết của một nước có chủ quyền, còn sự kiện ngày 4.8.1964 là hoàn toàn bịa đặt. Và sự dối trá đó đã qua mắt được Lưỡng viện Hoa Kỳ để hợp thức hóa cho hành động leo thang chiến tranh của chính quyền Johnson.
Thất bại của chiến dịch “Mũi tên xuyên”
Lấy cớ trả đũa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra vào các ngày 2 và 4 tháng 8 năm 1964, được sự cho phép của Tổng thống Johnson, Hải quân Hoa Kỳ đã mở Chiến dịch Mũi Tên Xuyên (tiếng Anh: Operation Pierce Arrow) tiến hành không kích một số mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.
Trưa 5.8.1964, các máy bay F-8 Crusader, A-1 Skyraider, và A-4 Skyhawk, từ các hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga và USS Constellation trên Biển Đông, đã xuất kích 64 lượt đánh phá một số căn cứ của HQVN tại các vùng phụ cận Vinh – Bến Thuỷ (Nghệ An), vùng phụ cận thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh), cửa Lạch Trường (Thanh Hoá) và cửa Gianh (Quảng Bình)…
Ở khu vực Vinh – Bến Thủy, 8 máy bay phản lực cường kích mở đầu trận đánh phá lúc 12 giờ 25 phút. Ngay loạt bom đầu tiên, kho dầu Vinh đã bị trúng bom bốc cháy.
Máy bay địch phân tốp, tiếp tục bắn phá các tàu hải quân đậu ở Cửa Hội. Lực lượng phòng không trên bờ cùng các tàu Hải quân đánh trả địch quyết liệt.
Vào lúc 12 giờ 40 phút, 1 máy bay AD-6 của địch trúng đạn rơi xuống biển, cách bờ khoảng 10km. Ít phút sau, tàu 187 của hải quân đậu ở gần Hòn Ngư phối hợp với các trận địa pháo cao xạ trên bờ bắn rơi chiếc máy bay thứ hai.
Đây là 2 chiếc máy bay đầu tiên của đế quốc Mỹ bị Bộ đội Phòng không, Bộ đội Hải quân và các lực lượng vũ trang địa phương bắn rơi trên vùng trời miền Bắc.
Ở Quảng Bình, cùng thời điểm đánh phá Vinh – Bến Thủy, 8 máy bay A-4D oanh tạc các căn cứ của hải quân ta ở cửa sông Gianh, Mũi Ròn. Các tàu của Hải quân phối hợp với các lực lượng bắn máy bay trên bờ, trong đó có trung đội dân quân xã Cảnh Dương đã anh dũng đánh trả, bắn rơi 1 máy bay địch.
Khoàng 14 giờ, hai tốp gồm 8 chiếc F-8U và AD-6 cất cánh từ tàu sân bay Constellation công kích các tàu hải quân của ta ở Lạch Trường (Thanh Hóa). Khẩu đội súng máy phòng không 14,5mm bảo vệ trạm ra đa kịp thời nổ súng, phối hợp chiến đấu với bộ đội Hải quân và các lực lượng vũ trang địa phương.
Trận đánh kéo dài 26 phút, thêm 2 máy bay địch bị bắn rơi trên vùng trời Thanh Hóa.
Cùng thời gian đánh phá Lạch Trường, hai tốp gồm 8 chiếc máy bay khác vào đánh phá căn cứ của Hải quân ta ở Bãi Cháy (Quảng Ninh). Các tàu của Hải quân vừa bắn trả địch vừa cơ động vượt ra ngoài vịnh hiệp đồng cùng các đơn vị phòng không bắn rơi tại chỗ 2 máy bay địch.
Trung úy Alvarez nhảy dù rơi xuống biển trở thành tên giặc lái đầu tiên bị quân và dân ta bắt sống trên miền Bắc.
16 giờ 30 phút, máy bay địch đánh phá khu vực Vinh – Bến Thủy và cảng Gianh lần thứ hai. Rút kinh nghiệm trận đánh lúc trưa, Trung đoàn 280 cùng quân và dân thành phố Vinh đã phát hiện được địch từ sớm, chủ động nổ súng đánh địch khi chúng bay vào vùng trời thành phố đã bắn rơi 1 máy bay địch.
Trong trận đầu đánh trả cuộc tập kích bất ngờ của không quân địch, các lực lượng vũ trang trên miền Bắc, nòng cốt là Bộ đội Phòng không và Bộ đội Hải quân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, bắn rơi 8 máy bay địch, bắt sống 1 phi công. Phía VNDCCH cháy 1 kho xăng dầu và một số tàu bị bắn hỏng.
Mặc dù số liệu thống kê về tổn thất giữa hai bên còn lệch nhau song có thể nói: Chiến dịch “Mũi tên xuyên” của Hải quân Mỹ đã không đạt được mục đích ban đầu đề ra và còn phải gánh chịu những tổn thất không hề nhỏ.
Tuy nhiên, Chiến dịch này đã mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên quy mô lớn và vô cùng tàn khốc đối với miền Bắc Việt Nam kéo dài suốt 9 năm.
Nguyễn Khắc Nguyệt