+
Aa
-
like
comment

Bé gái 15 tháng tử vong do rắn cổ đỏ cắn: Do không có huyết thanh kháng nọc

06/04/2021 19:13

Bé gái 15 tháng tuổi bị rắn cổ đỏ, loài rắn được mệnh danh là “nữ hoàng bóng đêm” cắn tử vong vì hiện cả thế giới cũng không có huyết thanh kháng nọc rắn.

Rắn cổ đỏ. Ảnh minh họa

Ngày 6.4, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM thông tin về trường hợp thương tâm tử vong do rắn cổ đỏ cắn.

Theo đó, bệnh nhi N.T.N.T (15 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang) khi đang chơi ngoài sân thì bị rắn cắn. Người nhà phát hiện bèn lấy lá cây đắp vào nhưng vẫn không cầm được máu, nên chuyển bé đến Bệnh viện tỉnh Tiền Giang.

Sau khi sơ cứu, dùng thuốc chống đông máu, băng ép và truyền 4 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre nhưng bệnh nhi vẫn chảy máu nên bệnh nhi đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.

Buổi chiều đau lòng khi bé gái 15 tháng gặp rắn nữ hoàng bóng đêm trước sân nhà

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ xác định bé không phải do bị rắn lục tre cắn mà là rắn cổ đỏ.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy và một số nước tìm huyết thanh kháng nọc rắn cổ đỏ nhưng bất lực vì không nơi nào có. Hiện chỉ có Nhật đang nghiên cứu, chưa sử dụng được.

Mặc dù bé gái được hồi sức tích cực, truyền máu, chống rối loạn đông máu nhưng trình trạng xuất huyết xảy ra rất nặng, nghi ngờ xuất huyết não. Bệnh nhi đã tử vong sau 2 ngày nhập viện.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương thông tin thêm, rắn cổ đỏ (tên khoa học là Rhabdophis subminiatus, loại rắn nằm trong họ rắn nước Colubridae, thuộc bộ Sqiuamata, được nhà khoa học Hermann Schlegen mô tả lần đầu tiên vào năm 1837) còn có tên gọi là khác là rắn hoa cổ đỏ, rắn học trò, rắn bảy màu. Rắn này có thân màu xanh đen (xanh ô liu) hoặc màu xám đen, màu tại phần đầu sẫm hơn các phần còn lại; cổ rắn có màu đỏ, có màu vàng nhạt đến đỏ nâu… trông bên ngoài… rất đẹp. Nhờ những đặc điểm về hình dáng bên ngoài như vậy nên rắn cổ đỏ được mệnh danh là “nữ hoàng bóng đêm”…

Bác sĩ Phương lưu ý, rắn hoa cổ đỏ có điểm rất đặc biệt là cứ 10 người bị rắn này cắn thì chỉ có 3 người nhiễm độc, 7 người không có triệu chứng gì nên tưởng không độc, do đó có người còn nuôi chơi, nuôi làm cảnh.

Theo bác sĩ Phương, rắn cổ đỏ không tự sản xuất ra nọc độc mà tổng hợp chất độc từ những thứ nó ăn, nên những con ăn nhiều động vật độc thường có độc tính cao hơn (cóc độc, ếch độc) và trữ lại trong khoang hàm sâu chứ không phải răng nanh như các loài rắn khác. Nếu một người chỉ bị rắn cổ đỏ cắn sơ, chưa tới góc hàm thì người bị cắn sẽ không bị dính răng bơm nọc. Còn trường hợp bệnh nhi 15 tháng tuổi nói ở trên có thể không may bị cắn khi con rắn mở to miệng và bơm nọc vào. Ngoài ra, độ nặng nhẹ của bệnh nhân còn tùy thuộc vào lượng nọc con rắn bơm vào.

Bác sĩ Phương khẳng định, rắn cổ đỏ là rắn độc, vì vậy tuyệt đối không cho trẻ chơi hay nuôi. Mặt khác, nọc của rắn này không bị biến đổi bởi nhiệt, a xít hay rượu… nên không được ăn hay ngâm rượu. Nếu bị rắn cắn cần đưa gấp bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị.

Theo thống kê, từ năm 1997 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 24 người bị rắn cổ đỏ cắn. Người bị rắn cổ đỏ cắn sẽ gặp các triệu triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt là rối loạn đông máu. Năm 2009, 2011 Việt Nam ghi nhận có 2 ca tử vong do rắn cổ đỏ cắn.

Duy Tính

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều