+
Aa
-
like
comment

BCĐ Quốc gia phòng, chống COVID-19: Cần có chiến lược xét nghiệm mới

03/09/2020 18:23

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trước nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn tồn tại Việt Nam cần có một chiến lược xét nghiệm mới phù hợp thực tế.

Ngày 3/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về tăng cường năng lực xét nghiệm, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh hiện nay, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tính đến 15 giờ ngày 3/9, thế giới ghi nhận hơn 26,1 triệu người mắc COVID-19; trong đó có hơn 865.500 người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam ghi nhận 1.046 người mắc COVID-19, trong đó có 748 người khỏi bệnh, 35 người tử vong.

Vẫn tồn tại nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng

Nhận định diễn biến dịch COVID-19 trong nước, đại diện Bộ Y tế cho biết nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn, như ở các trường hợp nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2; các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng…

Thời gian tới, thời tiết có nhiều thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm về hô hấp phát triển mạnh; do đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần tiếp tục được duy trì và tăng cường.

Trước nhận định của Bộ Y tế, các chuyên gia thống nhất cần tăng cường năng lực xét nghiệm trong nước để sàng lọc nhanh, chính xác, qua đó phân loại, theo dõi sức khỏe từng nhóm đối tượng khác nhau.

Cần có chiến lược xét nghiệm mới

Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cần có chiến lược xét nghiệm mới.

Theo đó, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới nhằm sử dụng sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên tại những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… với thời gian nhanh, kết quả chính xác, đem lại lợi ích tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam… góp phần chống dịch hiệu quả.

BCD Quoc gia phong, chong COVID-19: Can co chien luoc xet nghiem moi hinh anh 1
Quang cảnh cuộc họp.

Về công nghệ test kháng nguyên, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đơn vị đang tích cực phối hợp với Hoa Kỳ, nhận chuyển giao quy trình để sớm thử phương án này trên thực địa Việt Nam.

Hiện nay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang liên hệ các đơn vị có máy đọc kết quả xét nghiệm từ phương án này.

Một số nhà sản xuất trong nước phát triển thành công bộ xét nghiệm

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, đơn vị, Việt Nam có cơ bản các công nghệ và sinh phẩm xét nghiệm.

Riêng công nghệ xét nghiệm kháng nguyên (phát hiện được ngay người mới nhiễm virus SARS-CoV-2), các chuyên gia đánh giá cao sự vào cuộc của 3 đơn vị trong nước nghiên cứu, đang ở trong giai đoạn cuối cùng để có sản phẩm này.

Có mặt tại cuộc họp, giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Medicon Đào Đình Khôi cho biết Công ty và một số các nhà sản xuất của Việt Nam phát triển thành công bộ xét nghiệm COVID-19.

Bộ xét nghiệm “Trueline COVID-19 IgG/IgM Rapid Test” phát hiện kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 trong máu toàn phần, huyết thanh hoặc huyết tương và cho kết quả trong vòng 15 phút. Hiện Công ty đang tiếp tục phát triển phương án xét nghiệm kháng nguyên giai đoạn 1.

Ông Đào Đình Khôi cho biết: “Trong giai đoạn nghiên cứu phát triển kháng nguyên virus SARS-CoV-2, chúng tôi mong muốn các cơ quan nghiên cứu quan tâm đến nhà sản xuất. Thông qua các cơ chế, nhà sản xuất có điều kiện tiếp cận mẫu lâm sàng, từ đó nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh tối ưu các công thức sản xuất test thử kháng nguyên, để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.”

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt cho rằng hiện phương pháp xét nghiệm Realtime PCR xác định, khoanh vùng chính xác nhất các đối tượng nghi mắc COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Phan Quốc Việt, trong giai đoạn “sống chung với dịch hiện nay,” Việt Nam cần huy động tất cả công cụ hiện có như test kháng nguyên, test Realtime-LAMP… tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

Ông Phan Quốc Việt đề xuất: “Trong lúc chống dịch, tất cả các doanh nghiệp nên cùng ngồi lại, bắt tay nhau; bổ sung, cộng hưởng sức mạnh để cho ra sản phẩm chung; qua đó thay đổi chiến lược xét nghiệm, tăng số lượng mẫu xét nghiệm/ngày; góp phần thực hiện hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên cho rằng các doanh nghiệp nên cùng nhau phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị trong sản xuất xét nghiệm kháng nguyên.

Hiện đơn vị đang triển khai phương án Realtime-LAMP diễn ra trong 30 phút, cho phép phát hiện SARS-CoV-2 với độ nhạy tương đương với Realtime RT-PCR.

Phương án này tận dụng được các nguồn máy móc, thiết bị sẵn có của các Trung tâm y tế dự phòng, nâng công suất xét nghiệm với độ nhạy chính xác (1 copy/microlit). Qua đó, công suất xét nghiệm có thể tăng lên từ 9-12 lần; đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh tại sân bay, bệnh viện… trong thời gian ngắn, lưu lượng lớn.

”Sống chung an toàn với dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép” 

Các chuyên gia cho rằng, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã triển khai hiệu quả chiến lược chống dịch nói chung, chiến lược xét nghiệm nói riêng.

Tuy nhiên, trước tình hình “sống chung an toàn với dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép,” các chuyên gia cho rằng, cần đổi mới chiến lược xét nghiệm; trong đó, đẩy mạnh phương án xét nghiệm kháng nguyên nhằm góp phần duy trì các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội…

Ban Chỉ đạo giao Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, khẩn trương triển khai phương pháp kháng nguyên được sử dụng phổ biến, hiệu quả như phương pháp Realtime PCR trước đó.

Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: sẵn sàng về nhân lực; trang thiết bị vật tư, máy móc; phương pháp xét nghiệm… trong tình huống có 10.000 người mắc COVID-19, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chiến lược xét nghiệm, sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Về các phương án sản xuất vắcxin chống COVID-19, các chuyên gia thống nhất, trên tinh thần tự lực, tự cường, các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vắcxin.

Tại cuộc họp, đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết, cho đến thời điểm này, tổng chi phí chống dịch COVID-19 của Việt Nam là gần 400 triệu USD.

Diệp Trương/ TTXVN

Bài mới
Đọc nhiều