+
Aa
-
like
comment

BCA đề xuất công dân không cần điền “tờ khai” khi cấp thẻ căn cước gắn chíp

05/12/2020 16:02

Bộ Công an đề xuất từ năm 2021, khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, công dân không phải điền tờ khai mà cảnh sát sẽ tự tra cứu.

Mẫu thẻ căn cước công dân hiên nay. Ảnh:Bá Đô

Ngày 5/12, đại diện Bộ Công an cho biết đây là một trong những đề xuất mới nhất liên quan quy trình, thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước công dân mà Bộ đang lấy ý kiến trong hai tháng, trước khi ban hành vào năm 2021.

Theo đó, khi đăng ký, cấp, đổi thẻ căn cước công dân, đổi từ chứng minh thư 9 số, 12 số, người dân chỉ cần trình chứng minh thư cũ và lấy hình ảnh và vân tay, chụp ảnh mà không phải điền các tờ khai như hiện nay. “Đề xuất này nhằm mục tiêu cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đi làm thủ tục căn cước công dân, tiết kiệm chi phí in giấy tờ”, vị này cho hay.

Với quy trình theo đề xuất, khi công dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp, cán bộ tiếp nhận sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân trên phần mềm điện tử, đối chiếu với thông tin trên chứng minh thư, hoặc sổ hộ khẩu mà người dân cung cấp.

Thông tin của công dân đã được thu thập từ trước, được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được trích xuất và sử dụng để thực hiện sản xuất thẻ căn cước.

Để đề xuất này đi vào thực tế, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị đang hoàn thiện, cập nhật các thông tin công dân lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các đơn vị từ công an cấp xã, thường xuyên cập nhật biến động của loại dữ liệu này hàng ngày, hàng giờ. Dự kiến đến cuối tháng 2/2021 hoàn thiện toàn bộ dữ liệu này trên toàn quốc để chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành cùng khai thác, phục vụ các thủ tục hành chính.

Đề xuất không cần kê khai bản giấy khi cấp thẻ căn cước gắn chíp
Mẫu tờ khai bằng giấy hiện nay gồm có 22 đầu mục thông tin bắt buộc công dân phải kê khai. Ảnh: Phương Sơn

Theo quy định hiện hành, khi công dân đi cấp, đổi thẻ căn cước công dân sẽ được cán bộ phát tờ Kê khai căn cước công dân. Công dân phải kê khai đủ 22 đầu mục thông tin bắt buộc như họ, tên, tuổi, ngày tháng, năm sinh, quê quán, tên cha, mẹ, vợ, chồng, con…

Với cách thức thủ công này, theo tính toán của Bộ Công an, công dân mất khoảng hơn 10 phút để kê khai, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên nếu đề xuất trên được thông qua, từ năm 2021, khi bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân, việc này sẽ được cảnh sát tra trên hệ thống và hoàn thiện theo mẫu có sẵn sẽ giúp rút ngắn thời gian một nửa và tiết kiệm được chi phí in hàng chục triệu tờ khai. Liên quan tiến độ của dự án cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, hiện nay các công việc xây dựng hệ thống, phần mềm đến tận các huyện, miền núi đang được đảm bảo theo yêu cầu đặt ra và không có nhiều vướng mắc, do đó dự kiến vào những ngày đầu tháng 1/2021, công an có thể bắt đầu cấp thẻ.

Bộ Công an đã 4 lần thay đổi chứng minh thư 9 số và 12 số vào các năm 1964, 1999, 2012. Từ năm 2016, Bộ bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch ở mặt sau và đến nay tiếp tục đổi sang thẻ căn cước gắn chíp.

Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Dự kiến với loại thẻ mới, đến tháng 7/2021, Bộ Công an sẽ cấp cho 50 triệu công dân.

Với những người có thẻ căn cước công dân mã vạch mới được cấp, khi hết hạn trên thẻ mới phải đổi lại; các trường hợp chứng minh thư 9 số, 12 số khi hết hạn, người dân sẽ được đổi sang thẻ căn cước gắn chíp.

Bá Đô/VE

Bài mới
Đọc nhiều