BBC: Hành động sớm giúp Việt Nam khống chế thành công Covid-19
Việt Nam viết nên câu chuyện thành công trong cuộc chiến với virus corona bằng cách hành động quyết liệt từ sớm. Phản ứng quyết liệt ngay từ ban đầu đã chứng minh hiệu quả về sau.
Dù có đường biên giới dài tiếp giáp Trung Quốc và dân số khoảng 97 triệu người, Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 300 ca bệnh Covid-19 và không có bất kỳ trường hợp nào tử vong. Đã gần một tháng kể từ ca lây nhiễm cộng đồng gần nhất, Việt Nam giờ đây đang bắt đầu mở cửa trở lại.
Theo các chuyên gia, không như nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong vì virus corona trên diện rộng, Việt Nam đã thấy “khe cửa hẹp” để hành động từ sớm và tận dụng cơ hội này tối đa, theo nhận định của BBC.
Biện pháp mạnh tay nhưng hợp lý
Nhận thấy hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải dù cho dịch bệnh lây lan chỉ ở mức vừa phải, Việt Nam chọn ngăn chặn từ sớm và trên diện rộng.
“Khi bạn phải đối phó với những mầm bệnh bí ẩn và chưa rõ mức độ nguy hiểm, tốt nhất là phản ứng mạnh tay hơn”, Todd Pollack, chuyên gia thuộc chương trình Đối tác Tiến bộ Y tế tại Việt Nam (HAIVN), trả lời trên BBC.
Từ đầu tháng 1, trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, chính phủ đã khởi động quá trình chuẩn bị để ứng phó quyết liệt bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán. Thời điểm đó, mới có 2 ca tử vong được ghi nhận ở Trung Quốc.
Khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 23/1, Việt Nam lập tức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp.
“Họ hành động rất nhanh, đến mức vào thời điểm đó có thể là hơi nặng tay, nhưng dần chứng tỏ đó là quyết định hợp lý”, Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh, thành viên một số dự án về bệnh truyền nhiễm của chính phủ, nhận định.
Việt Nam cho thực thi những biện pháp mà các nước phải nhiều tháng sau mới bắt đầu tiến hành: từ hạn chế nhập cảnh, giám sát chặt chẽ các ca nghi nhiễm, đóng cửa biên giới với Trung Quốc, đến tăng cường kiểm tra sức khỏe tại biên giới và những địa điểm rủi ro cao.
Trường học đóng cửa từ kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1 đến giữa tháng 5. Một chiến dịch truy vết tiếp xúc quy mô lớn và huy động nhiều nhân lực được tiến hành từ sớm.
“Đất nước này đã ứng phó với nhiều đợt bùng phát dịch trước đây”, giáo sư Thwaites đề cập một số đợt dịch như SARS (năm 2003), cúm gia cầm (2010), dịch sởi và sốt xuất huyết Dengue.
“Chính phủ và người dân đã quen với việc ứng phó những căn bệnh truyền nhiễm và rất xem trọng công việc này, có lẽ còn nhiều hơn những nước giàu. Họ biết cách xử lý”, ông đánh giá.
Đến giữa tháng 3, mọi trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, cũng như những người thuộc diện tiếp xúc gần với ca nhiễm đã được xác nhận, đều phải cách ly trong 14 ngày. Chi phí phần lớn được chính phủ chi trả.
Bảo vệ cộng đồng trước ca nhiễm không triệu chứng
Theo chuyên gia Guy Thwaites, chiến lược cách ly trên quy mô lớn mang ý nghĩa then chốt vì gần một nửa ca nhiễm không xuất hiện triệu chứng. Mọi trường hợp cách ly đều được xét nghiệm, dù phát bệnh hay có vẻ khỏe mạnh.
Theo ông Guy Thwaites, khoảng 40% ca bệnh được xác nhận tại Việt Nam sẽ không biết họ nhiễm virus nếu không nhờ xét nghiệm.
“Nếu bạn đối diện mức độ này (số người mang mầm bệnh không triệu chứng), cách duy nhất để kiểm soát là những gì Việt Nam đã làm”, ông đánh giá. “Trừ phi bạn cách ly những người đó, họ sẽ lang thang khắp nơi lây bệnh”.
Chiến lược này phần nào lý giải số ca tử vong bằng 0. Phần lớn người Việt về nước là du học sinh, du khách hoặc doanh nhân trẻ và sức khỏe tốt. Họ có cơ hội cao hơn để bình phục.
Việc cách ly ngăn chặn rủi ro họ lây bệnh cho thân nhân là người cao tuổi. Hệ thống y tế có thể tập trung nguồn lực vào một vài ca nghiêm trọng.
Việt Nam không cần phong tỏa toàn quốc mà áp dụng biện pháp này cho những ổ dịch “mới nổi”.
Vào tháng 2, sau khi nhiều ca nhiễm được phát hiện ở xã Sơn Lôi, gần 10.000 dân trong khu vực được đặt trong tình trạng cách ly với bên ngoài.
Biện pháp được áp dụng lại cho gần 11.000 dân ở xã Hạ Lôi, cũng như với nhân viên và bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai. Lệnh cách ly chỉ chấm dứt sau hai tuần liên tiếp không có ca nhiễm mới.
Chiến lược khống chế cục bộ đồng nghĩa Việt Nam không tiến hành xét nghiệm quy mô dân số lớn. Theo Guy Thwaites, ban đầu chiến lược này “có vẻ khá rủi ro”.
“Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn ổn vì họ đã cô lập và duy trì kiểm soát toàn diện với các ca nhiễm”, ông đánh giá.
Thông điệp rõ ràng
Theo Todd Pollack, chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc tuyên truyền cho người dân những biện pháp ứng phó mang ý nghĩa thiết thực. Người dân thường xuyên nhận được tin nhắn trên điện thoại các khuyến cáo tự phòng tránh.
Việt Nam cũng thực hiện chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức rất quyết liệt. Điều này tạo được tâm lý cả xã hội chung sức” chống lại dịch bệnh.
Pollack nhận định chính phủ Việt Nam nhận được sự ủng hộ của người dân vì cho thấy mình “đang làm hết sức và đang đạt được thành công” và chính phủ “sẽ làm mọi cách để bảo vệ người dân”.
Cộng đồng y học và ngoại giao nhất trí cao độ rằng không có cơ sở gì để nghi ngờ số liệu được Việt Nam công bố, theo BBC. Guy Thwaites và nhóm cũng có mặt tại bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Theo ông, nếu có những ca nhiễm không được báo cáo, không được chẩn đoán hoặc bị bỏ sót, “chúng tôi đáng lẽ phải nhìn thấy ngay tại khoa điều trị, nhưng chúng tôi không phát hiện gì”.
Đội của Thwaites cũng tiến hành hơn 20.000 xét nghiệm và nhận thấy kết quả khớp với dữ liệu được chính phủ Việt Nam chia sẻ.
Ông nhận định dù chiến lược của Việt Nam có thể không áp dụng được ở những nước đã xảy ra lây nhiễm trên diện rộng, những nước chưa bùng phát dịch quy mô lớn có thể rút ra bài học quý giá từ mô hình Việt Nam.
“Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, và nhìn chung thì nó luôn rẻ hơn. Giả sử Việt Nam gặp phải số ca nhiễm lớn, hệ thống mà họ sử dụng có thể đã chật vật. Tuy nhiên, không gì có thể sánh với lợi ích y tế – kinh tế từ cách làm của họ”, ông đánh giá.
Thanh Danh/ZNS