‘Bẫy Thucydides’ và hành động của ASEAN
Trước bất kỳ thách thức toàn cầu nào, sự hợp tác và thúc đẩy thịnh vượng tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn là giải pháp tối ưu.
Đó là thông điệp mà Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai đưa ra ngày 31-7 tại Bangkok, nơi diễn ra Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52.
Thách thức trên Biển Đông
Các vấn đề Biển Đông phủ sóng AMM năm nay, khi Trung Quốc có hàng loạt động thái gây bất ổn trong khu vực, điển hình là việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía nam Việt Nam.
Kết thúc ngày làm việc 31-7, ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung dài 23 trang, trong đó Biển Đông được nhắc tới như một trong hai vấn đề lớn khu vực cần quan tâm, bên cạnh diễn biến ở bán đảo Triều Tiên.
Về mặt hình thức, bản tuyên bố chung thành công trong việc chỉ ra những thách thức hiển hiện ở Biển Đông.
Các ngoại trưởng nêu trong tuyên bố chung: “Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy niềm tin, tự kiềm chế trong hành động và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp trong hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở quan trọng để căn cứ và giải quyết các tranh chấp hiện tại ở Biển Đông. Một phán quyết dựa trên UNCLOS năm 2016 đã bác bỏ yêu sách lãnh thổ “đường lưỡi bò” đầy tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, song Bắc Kinh đã ngó lơ phán quyết này dù cũng là thành viên của UNCLOS.
Tháng 7 vừa qua, chuyên gia và học giả quốc tế cũng khẳng định Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi đưa tàu khảo sát vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam.
Việc đưa UNCLOS vào tuyên bố chung đã là một thành công, trong bối cảnh xuất hiện tin đồn rằng đã rất khó khăn để chốt nội dung.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-7, ông William Church, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu xung đột năng lượng mới (NECsc), lạc quan về cuộc họp này.
Ông nói: “Tôi cho rằng nên xem cuộc họp này là một bước mở ra các thảo luận, bất kể câu chữ ra sao. Khi làm việc với các nước ASEAN, tôi luôn thấy một sự trì hoãn với Trung Quốc, trước sau gì cũng thế”.
Tránh “bẫy Thucydides”
Trên thực tế, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, cụ thể và gần nhất là tranh chấp thương mại, là vấn đề được các ngoại trưởng ASEAN chú trọng tại hội nghị năm nay.
Chủ nhà Thái Lan đã chỉ ra thách thức từ sự cạnh tranh này, khi cả hai cường quốc kinh tế nêu trên đều có ảnh hưởng sâu đậm tới kinh tế khu vực. ASEAN thậm chí còn là trung tâm trong các nỗ lực vận động, tranh thủ tầm ảnh hưởng từ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, hay sáng kiến Vành đai – con đường của Trung Quốc.
Hôm 29-7, Thái Lan thực chất đã cung cấp góc nhìn của nước này về thách thức của ASEAN thông qua phát biểu của cố vấn ngoại trưởng Pornpimol Kanchanalak.
Bà Kanchanalak lấy hình ảnh “bẫy Thucydides” để nói về cạnh tranh Mỹ – Trung. Thucydides là tên nhà sử học Hi Lạp, người nổi tiếng với nhận định: “Điều khiến một cuộc chiến trở thành điều không thể tránh khỏi là sức mạnh từ Athens và nỗi sợ hãi mà điều đó gây ra ở Sparta”.
“Bẫy Thucydides” đã được giới học giả dùng để chỉ sự cạnh tranh khó tránh giữa Trung Quốc và Mỹ thời hiện đại. Và dù có nhiều tranh luận về chuyện ai đang sợ hãi, “bẫy Thucydides” vẫn là ác mộng cho phần còn lại vì “trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết”.
Để đối phó với sự cọ xát giữa các cường quốc, Thái Lan đã đề xuất giải pháp. Trong phát biểu với các đồng nghiệp, Ngoại trưởng Thái Lan Pramudwinai khẳng định tăng cường niềm tin và sự hợp tác trong ASEAN, hội nhập sâu rộng hơn để thúc đẩy thương mại và sự thịnh vượng là yếu tố sống còn.
Ông cho rằng ASEAN phải nhìn ra ngoài, thay vì cứ nhìn vào trong: “Chúng ta phải nhận ra rằng việc nhìn vào trong và nhìn ngắn không phải là lựa chọn của chúng ta, và không bao giờ là thế. Giữa sự náo loạn, chúng ta phải hướng ngoại và nhìn ra phía trước nhiều hơn bao giờ hết”.
Tiến độ đàm phán COC
Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng tại cuộc họp AMM thống nhất sẽ chốt nội dung sơ bộ cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm nay. Tuyên bố viết: “Chúng tôi cũng hoan nghênh những nỗ lực nhằm hoàn thành nội dung dự thảo đàm phán COC trong năm nay.
Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì và xây dựng môi trường đàm phán COC hiệu quả, và vì thế hoan nghênh các biện pháp thực tiễn có thể giúp giảm bớt căng thẳng, các nguy cơ xảy ra sự cố, phán đoán và tính toán sai lầm”.
Hoài Nam