“Bầy sói” tên lửa bờ Rubezh-ME tối tân đã có mặt tại Việt Nam
Hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME là một trong những hệ thống phòng thủ mới và tối tân nhất của Nga đã được Tập đoàn Rosoboronexport đưa tới Hà Nội nhân dịp Triển lãm DSE Vietnam 2019.
“Điều kiện cần” đã có…
Trong những năm gần đây, Quân chủng Hải quân, với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, đã được đầu tư mua sắm nhiều loại vũ khí tối tân mà chủ yếu là từ Nga, trong đó lực lượng tên lửa bờ có sự lột xác hoàn toàn vươn lên tầm cao mới khi được trang bị các tổ hợp tên lửa K-300P Bastion-P sử dụng tên lửa chống hạm Yakhont.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia thứ 2 chỉ sau mỗi Nga được sở hữu tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P rất hiện đại.
Các hệ thống phòng thủ bờ biển này xứng đáng là lá chắn thép trấn biển, đúng như với tên gọi “Bastion – Pháo đài” bởi chúng có những tính năng kỹ – chiến thuật vượt trội và độc đáo có một không hai trên thế giới, hoàn toàn không có đối thủ xứng tầm mà theo như chuyên gia quân sự Nga Alexander Mozgovoi đã bình luận:
“Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Yakhont được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt nước và áp chế vũ khí điện tử và hoả lực mạnh của đối phương.
Tên lửa bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 2,6 lần. Dòng tên lửa này có tính cơ động rất cao, với đường bay rất phức tạp. Ngay sau khi được phóng, tên lửa có thể lên độ cao 15 km. Đài radar của hệ thống tự dẫn có thể phát hiện theo dõi và bám mục tiêu. Sau khi phát hiện mục tiêu, tên lửa tắt đài radar dẫn đường và hạ độ cao xuống 10-15 m.
Nhờ phương pháp này tên lửa thoát khỏi vùng radar phòng không của đối phương. Sao đó đầu tự dẫn lại tiếp tục bật radar tìm kiếm, đeo bám và tiêu diệt mục tiêu. Với đường bay rất phức tạp, tốc độ siêu nhanh và “bộ não điện tử thông minh” Onyx là loại tên lửa khó bị đánh chặn nhất.
Khi bắn loạt đạn chống các tàu chiến của đối phương, chúng bay như “đàn chim”, chủ động tương tác với nhau. Mỗi tên lửa tự chọn mục tiêu của nó”.
Thế nhưng, bên cạnh “lá chắn thép” Bastion-P rất hiện đại, trong biên chế Hải quân Việt Nam vẫn còn những tổ hợp tên lửa bờ thế hệ cũ như 4K44 Redut (tầm bắn khoảng 450km) và 4K51 Rubezh (tầm bắn khoảng 80km) đã được đưa vào sử dụng từ 30-40 năm trước.
Những hệ thống tên lửa bờ loại cũ của Hải quân Việt Nam đã dần dần lạc hậu, do thời gian sử dụng đã khá lâu, hiện Nga cũng không còn sản xuất mới nữa nên công tác bảo đảm kỹ thuật gặp nhiều khó khăn và tính năng của chúng cũng ngày càng hạn chế trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, trong đó có lĩnh vực đóng tàu quân sự.
Do vậy như cầu thay thế các tổ hợp tên lửa bờ này của Hải quân Việt Nam là tất yếu.
… “điều kiện đủ” sắp đến?
Trước khi ra quyết định mua sắm một loại vũ khí mới, Quân đội Việt Nam hay bất cứ nước nào khác đều phải nghiên cứu nhu cầu, khả năng làm chủ vũ khí mới cũng như hình thành nghệ thuật tác chiến cũng như tính toán khả năng tài chính,… để đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
Dựa trên nhu cầu có thật về việc phải thay thế các hệ thống tên lửa bờ đã cũ, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu những ứng viên sáng giá, trong đó có tổ hợp tên lửa bờ Rubezh-ME.
Triển vọng có mặt tại Việt Nam của tổ hợp tên lửa bờ Rubezh-ME là rất sáng sủa khi:
Thứ nhất, tại Triển lãm Hải quân Quốc tế lần thứ 9 (IMDS-2019) diễn ra từ 10 đến 14/7/2019 tại Saint-Petersburg, Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Phó TTMT QĐND VN (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) dẫn đầu, đã được phía Nga giới thiệu 4 loại vũ khí cụ thể, trong đó có hệ thống tên lửa bờ Rubezh – ME.
Thứ hai, gần như ngay sau IMDS-2019, vào tháng 10/2019, tại Triển lãm quốc tế về Quốc phòng và An ninh – DSE Vietnam 2019 được tổ chức ở Hà Nội, Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga đã đưa tồ hợp tên lửa bờ mới nhất này giới thiệu một lần nữa.
Thứ ba, hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME có sức mạnh chiến đấu vượt trội và hoàn hảo, giá cả phải chăng, rất phù hợp với nhu cầu và nghệ thuật tác chiến của Hải quân Việt Nam.
Điều đó được thể hiện qua khả năng theo dõi cùng lúc nhiều mục tiêu và tấn công đồng loạt vào nhiều mục tiêu trong số chúng bằng “bầy sói” với hàng chục tên lửa diệt hạm có thể khai hỏa cùng lúc, có thể đánh bại chiến thuật “biển tàu” của đối phương một khi lọt vào vùng hỏa lực.
Theo các tài liệu được Nga công bố, Rubezh-ME có tầm tác chiến hiệu quả từ tối thiểu 7km cho tới tối đa 260 km, nghĩa là không thua kém so với K-300P Bastion-P.
Rubezh-ME phù hợp với nghệ thuật quân sự “tác chiến phi đối xứng” lấy phòng tránh, đánh trả là chính của Việt Nam.
Cụ thể, trong chiến tranh tương lai khi mà chúng ta có thể phải đối mặt với những lực lượng áp đảo về vũ khí, hỏa lực có điều kiển chính xác bởi mỗi xe bệ phóng có thể tác chiến độc lập, bố trí phân tán, cách xa nhau nhưng “hỏa lực lại rất tập trung”, qua đó nâng cao khả năng sống sót, bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài.
Hy vọng, trong tương lai gần, hệ thống tên lửa bờ Rubezh-ME có thể sát cánh cùng các tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P trong biên chế Hải quân Việt Nam, tạo thành những lá chắn thép đầy uy lực bảo vệ bờ biển.
Bình Nguyên