Bẫy pháp lý sau yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông
Việc Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1-5 đến 16-8-2020 không chỉ vạch rõ việc làm sai trái của Trung Quốc, mà còn khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Hành động trái với quy định của UNCLOS
Kể từ năm 1995, Trung Quốc bắt đầu thi hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên với lý lẽ bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi nguy cơ đánh bắt quá mức. Ở Biển Đông, lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc áp đặt đơn phương từ năm 1999. Sẽ không có điều gì cần phải bàn cãi nếu như phạm vi tác động của lệnh này không bao trùm cả các vùng biển của nước khác trong khu vực.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông. Nhìn trên hải đồ, phạm vi của lệnh này bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vịnh Bắc bộ và bãi cạn Scarborough. Thậm chí cả vùng biển quốc tế cũng có thể nằm trong phạm vi chấp hành của lệnh cấm đánh cá này.
Như vậy, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc đâu chỉ liên quan đến các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc, mà đã vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông, nhất là quyền lợi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển có liên quan khác.
Theo quy định của UNCLOS, các quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền trong các vùng biển như nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong các vùng biển này, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguồn tài nguyên cá, là một trong những nội dung của chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ven biển.
Ngoài các quy định về đánh bắt cá trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia, UNCLOS còn quy định về hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển quốc tế. Ở vùng biển này, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do biển cả với các nội dung bao gồm cả quyền tự do đánh bắt cá.
Hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển quốc tế được sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia mà tàu treo cờ và các quy định của pháp luật quốc tế. UNCLOS đồng thời quy định nghĩa vụ của quốc gia phải tự mình, hoặc hợp tác với các quốc gia khác, để xác định các biện pháp cần thiết nhằm bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển quốc tế, trong đó có tài nguyên cá.
Như vậy có thể thấy việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở một vùng rộng lớn như thế rõ ràng là một hành động trái với quy định của UNCLOS, trái với thông lệ quốc tế và đặc biệt là gây cản trở cho hoạt động làm ăn, sinh sống của ngư dân Việt Nam ở khu vực này.
Mắt xích quan trọng trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đánh thẳng vào nhu cầu khai thác hải sản của ngư dân các nước trong vùng, trong đó có Việt Nam, nhưng mục đích chính của nó không phải là nhằm bảo tồn tài nguyên sinh vật của biển. Trên thực tế, đây là một mắt xích quan trọng trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Trước hết, đơn phương áp đặt lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc muốn thể hiện trên thực tế quyền lực của Bắc Kinh nhằm hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như đối với các vùng biển và thềm lục địa nằm trong “đường lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông. Mặc dù Tòa thường trực LHQ trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã ra phán quyết rõ ràng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” bởi sự phi lý và trái với UNCLOS, Bắc Kinh vẫn cố tình duy trì “mùa cấm đánh bắt” phi pháp của họ.
Thêm vào đó, do thất thế trên mặt trận pháp lý, Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh việc sử dụng các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển (hay tàu cá có vũ trang) để đe dọa, va đâm, ép buộc ngư dân các nước từ bỏ các ngư trường. Đi liền với lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp mà Bắc Kinh coi là vi phạm. Việc này đánh vào tâm lý để tạo thói quen đối với ngư dân các nước rằng “hễ tháng 5 về thì đừng vào Biển Đông”.
Nếu ngư dân các nước sợ hãi và tránh né, thì Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong, tạo đà thể chế hóa sự quản lý các vùng biển mà Bắc Kinh đang đòi chủ quyền trên Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”. Những hành vi của Trung Quốc được tính toán rất kỹ lưỡng nên các nước phải rất cẩn thận, kiên quyết lên án và có biện pháp đối phó, nếu không sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy pháp lý được Trung Quốc giăng ra để giành lấy sự công nhận trên thực tế các yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo UNCLOS. Với phương châm “tạo dựng Biển Đông thành một vùng biển hoà bình và hợp tác”, Việt Nam luôn hướng giải quyết những tranh chấp, xung đột trên biển một cách hòa bình, trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi không một quốc gia nào có thể làm trái với luật pháp quốc tế, không một ai có thể đưa ra luận điểm ngang ngược kiểu “biên giới mềm” để từ đó biến vùng đất, vùng biển của nước khác thành của mình.
Hoàng Sơn/ ANTĐ