+
Aa
-
like
comment

“Bẫy kép” nham hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

20/09/2019 16:18

Trung Quốc có rất nhiều mưu mẹo. Lịch sử của họ là thế. Binh pháp Tôn Tử của họ có 36 kế, không chỉ là “pháp” trong lĩnh vực quân sự và phạm vi đất nước Trung Quốc. Những hành động của gã phương Bắc ở bãi Tư Chính vừa rồi chính là kế “hỗn thủy mạc ngư” – tạo khuấy động, lộn xộn để bắt cá – và rất nhiều kế khác nữa.

Họ tạo ra sự bất ổn, bất an trong hoạt động khai thác chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế cũng như hoạt động hợp tác khai thác kinh tế trên vùng đặc quyền này giữa Việt Nam và các đối tác. Điều này có thể gây khó khăn cho chúng ta cả trước mắt và lâu dài. Quan trọng hơn, từ sự bất ổn trên biển mà họ khuấy lên, nếu chúng ta không tỉnh táo thì các thế lực xấu sẽ tạo cớ gây bất ổn trong xã hội, lợi dụng để kích động, phá hoại tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…

Cả hai điều đó đều nhằm mục đích làm cho ta bất ổn, suy yếu hoặc không cho chúng ta mạnh lên. Để thoát khỏi “bẫy”, đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ. Từng người dân cần phải tỉnh táo, nắm vững pháp lý để nhận ra “bẫy” chứ không nên cảm xúc, dù cảm xúc yêu nước là giá trị mà chúng ta cần phải phát huy.

mmm

Chúng ta cần trang bị nhận thức, trình độ thì mới phát hiện ra bẫy thật, bẫy giả. Còn nếu chỉ bằng tình cảm, bằng tinh thần hăng hái, xung phong thì sẽ vướng phải mũi tên hòn đạn bọc đường.

Để thoát khỏi “bẫy”, đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ. Ví dụ, nếu có được kiến thức, hiểu biết đúng đắn, thì sẽ không xảy ra những cuộc lộn xộn không đáng có như năm 2014. Năm đó, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ lưỡng khi chọn vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Đây là vị trí rất nhạy cảm, cách đảo Tri Tôn – đảo nằm ở cực nam của Hoàng Sa 18 hải lý, có nghĩa là đã nằm ngoài lãnh hải tối đa 12 hải lý.

Họ đặt giàn khoan chỉ cách 6 hải lý so với tiêu chuẩn tối đa 12 hải lý mà Công ước UNCLOS 1982 quy định đối với các đảo quá nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống dân cư và không có đời sống kinh tế riêng. Trung Quốc đã giăng cái “bẫy” này hòng hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Họ muốn vẽ đường cơ sở của quần đảo này như là đường cơ sở quốc gia quần đảo, bằng cách nối tất cả các thực thể địa lý nhô ra của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (họ cưỡng chiếm và gọi là Tây Sa).

Họ làm vậy để cho rằng quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Đây là họ đang cố tình giải thích sai, áp dụng sai Công ước UNCLOS 1982, vì chỉ có quốc gia quần đảo mới được áp dụng quy định nối điểm chứ không được áp dụng đối với đảo xa bờ.

Khi đó, nếu ta tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là ta mắc “bẫy”, vì nói vậy cũng có nghĩa là thừa nhận các thực thể địa lý của quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Nhưng nếu ta chỉ nói giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam thì Trung Quốc lại sử dụng cái “bẫy” khác, rằng họ đặt giàn khoan vào vùng quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam không hề phản đối, tức là Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo mà họ gọi là Tây Sa.

Đó là “bẫy kép” về pháp lý rất tinh vi mà Trung Quốc đã giăng ra, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu của “mũi tấn công mềm” mang tên Hải Dương 981.

Lần này là với bãi Tư Chính – vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Việc Trung Quốc ngang ngược đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu hải giám có vũ trang xâm phạm chính là cách họ cố tình lặp lại những cái “bẫy” như năm 2014.

Đó là “bẫy” pháp lý đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc cố tình gọi là Nam Sa).

Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nhưng họ cố tình coi Tư Chính là bộ phận của “quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”, cố tình coi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa xung quanh bãi Tư Chính là “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” của quần đảo này. Rồi từ đó, họ có thể lớn tiếng đòi hỏi, lên giọng hòa hảo đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Nhưng, Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự cố tình gán ghép đó. Vì bãi Tư Chính hoàn toàn không phải là vùng biển tranh chấp, càng không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa, cũng không thể là “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” của quần đảo này.

Họ “khuấy” khu vực bãi Tư Chính, ngày càng ngạo ngược, một phần quan trọng cũng là hòng trong đất liền, ta “sập bẫy”, xáo động như năm 2014.

Tất cả đều là những tính toán bài bản mà Trung Quốc giăng ra, không chỉ trên Biển Đông. Nên, để tránh được những “bẫy kép” nham hiểm đó, điều cần thiết là chúng ta phải tỉnh táo, cảnh giác và tiếp nhận kiến thức pháp lý đúng đắn để có những hành động chính xác, phù hợp.

Tiến sĩ Trần Công Trục (Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ)

Bài mới
Đọc nhiều