+
Aa
-
like
comment

Hai ông bầu góp công thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam

13/06/2021 16:04

Là người yêu bóng đá Việt Nam thì hẳn là ai cũng từng nghe tới cái tên Bầu Đức, tên thật là Đoàn Nguyên Đức. Ông nổi tiếng là người đam mê bóng đá và góp công không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam hiện nay.

Bầu Đức là một trong những người tạo ra lứa cầu thủ đội tuyển Việt Nam xuất sắc như hiện nay.

Từ năm 2001, ông bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá. Năm 2002, ông trở nên nổi tiếng vì đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang về đội bóng của mình. Nhờ đó đội bóng Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai từ chỗ hạng nhất trở thành đội bóng đá 2 lần vô địch V-League và là một trong những đội dẫn đầu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Chỉ vài ba năm sau, thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.

Năm 2007, ông thành lập Học viện bóng đá mang tên Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG để tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của Học viện cầu thủ trẻ Arsenal. Tiếp đến, năm 2011, ông cùng với các doanh nhân làm bóng đá khác là Võ Quốc Thắng, Nguyễn Đức Kiên đã vạch ý tưởng và thành lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Bầu Đức bỏ tiền túi mời HLV Park Hang-seo về Việt Nam.

Bầu Đức chính là người đã đưa HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp của ông, làm thay đổi cả cục diện bóng đá Việt Nam. Học viện Hoàng Anh Gia Lai được mở ra hơn 10 năm trước đã cho ra đời lứa cầu thủ nên người như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Đông Triều… Không chỉ đá bóng hay, họ biết cư xử đúng mực để luôn đem lại hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. Đó là thành công của bầu Đức khi ông quyết tâm tạo nên thế hệ cầu thủ mới cho bóng đá Việt Nam.

“Tôi làm vì rất thích bóng đá. Nhưng có cái cục tức này mình nhịn mãi không nổi. Tức là trước đây, Việt Nam mình cứ gặp Thái Lan là sợ. Cầu thủ rồi huấn luyện viên gặp Thái Lan, ai cũng lo sợ hết. Gặp họ là mình thua. Nghĩ sao mà bực bội trong con người. Khó chịu hết được”. Bầu Đức chia sẻ.

Từ đó, ông Bầu Đức quyết đầu tư, muốn làm cho thật bài bản. Sở dĩ mà hồi 2006, ông bắt tay với Arsenal làm học viện bóng đá cũng chỉ vì bóng đá Thái Lan. Ông nói, bây giờ mình không sợ Thái và đá chiếu trên ở Châu Á là nhờ từ chỗ bực quá nên ông quyết phải làm tới nơi tới chốn, làm cho kỳ được mới chịu. Đó là vì tinh thần dân tộc.

Cầu thủ Công Phượng là một trong số gà nòi của Bầu Đức.

Bầu Đức muốn đào tạo được một lớp người mới chơi bóng đá thiệt đẹp. Mà muốn đào tạo thì phải xây dựng trường lớp, cơ sở sân bãi, hệ thống nội dung giảng dạy đầy đủ hết. Ông đầu tư tất cả từ đội lớn đội nhỏ, từ đào tạo, đến thi đấu,… cỡ 70 tỷ mỗi năm.

Ông Bầu Đức chia sẻ: “Cái mà tôi thu về được người ta có bỏ 700 trăm tỷ cũng không có! Lớp đầu như Phượng, Toàn, Trường, Tuấn Anh…, tụi nó đến bây giờ là mỹ mãn. Chưa bao giờ có một thái độ gì gọi là ngôi sao, nói nôm na dân giã là mất dạy từ trên sân cỏ đến sinh hoạt cá nhân”.

Còn bầu Hiển, một người vốn rất kín tiếng và thật không muốn ồn ào. Giới thạo tin cho rằng, trong chỉ 10 năm đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp, ông Đỗ Quang Hiển bỏ vào đó số tiền không kém gì ông Đoàn Nguyên Đức, trong 20 năm. Tất nhiên, nó không chỉ dồn cho mỗi Hà Nội FC. Với tư cách một người hâm mộ, ông Hiển thậm chí có thể rút ví cả tỷ đồng tiền mặt để thưởng đội bóng, nếu thích.

Ông Đỗ Quang Hiển.

“Yêu nhau không cần ai làm chứng”, đấy cũng là một câu nói rất nổi tiếng của bầu Hiển. Cũng như bầu Đức, bầu Hiển đau đáu thực sự với sự hưng vong của nền bóng đá. Các ông đều muốn hướng tới một nền bóng đá tự cường.

Năm 2007-2008, bầu Hiển mới bắt đầu đầu tư bóng đá. Không phải chơi, mà là đầu tư thực sự, với việc ghép tên các thương hiệu của Tập đoàn T&T, SHB…, với các đội bóng. Nhưng, bầu Hiển không trực tiếp xắn tay vào việc, mà giao lại cho đội ngũ giúp việc điều hành. Ngay lúc này, việc điều hành CLB Hà Nội chính là do con trai của ông Hiển làm. Việc phân vai như thế, khiến ông Hiển luôn nhận mình chỉ là một CĐV cuồng nhiệt, dù ai cũng biết ông mới là chủ tịch đích thực.

Cả bầu Đức và bầu Hiển cùng đau đáu thực sự với sự hưng vong của nền bóng đá. Các ông đều muốn hướng tới một nền bóng đá tự cường.

Hoàng Anh Gia Lai và CLB Hà Nội đã có tổng cộng 7 chức vô địch V-League, trong 20 năm giải đấu được tổ chức. Ông Đoàn Nguyên Đức và ông Đỗ Quang Hiển, cũng chính là những ông bầu nổi tiếng nhất của bóng đá Việt Nam 20 năm qua. Họ có những cách tiếp cận và làm bóng đá không giống nhau, nhưng đóng góp là rất đáng kể, thậm chí ngay lúc này, mang tính quyết định. Nhìn lại lứa đội tuyển bóng đá nam thể hiện thời gian qua, chúng ta có thể tự hào bóng đá Việt Nam không ngán bất kỳ đối thủ nào trong khu vực Châu Á nữa. Chúng ta cần có lời cảm ơn với Bầu Đức, Bầu Hiển, những người không ngại hy sinh làm mới, làm phát triển bóng đá nước nhà và cống hiến hết mình vì vinh quang của đất nước.

Hạ Trắng 

Bài mới
Đọc nhiều