+
Aa
-
like
comment

Bầu cử Tổng thống Pháp: khả năng tái cử của Macron

07/04/2022 22:11

Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine có giúp cải thiện uy tín của Thủ tướng Macron, nhưng các đối thủ của ông ở phe cực hữu và cực tả vẫn có được sự ủng hộ tương đối từ người dân.

Gilles Lermet đã trải qua đủ 45 năm làm việc, chịu đủ chu kỳ tả-hữu bất tận của nền chính trị Pháp, vốn sắp bắt đầu trở lại trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4. Ông quá chán ngán với việc xe cộ bị côn đồ đốt cháy trên đường phố, mệt mỏi với tình trạng thiếu bác sĩ, dịch vụ công suy giảm và với vấn đề nhập cư. Từ phía sau quầy bar của mình ở La Ricamarie nằm trong thung lũng công nghiệp của sông L’Ondaine hợp lưu với sông Loire gần Saint-Etienne, ông nói: “Có quá nhiều người nhập cư. Không phải là họ lấy việc của chúng tôi, mà bởi vì không có bất kỳ công việc nào. Nhưng chúng tôi phải trả tiền cho họ”, phản ánh những phàn nàn về phe cực hữu ở Pháp. La Ricamarie là một thị trấn hậu công nghiệp, nơi tổng thống theo trường phái tự do Emmanuel Macron và các chính trị gia khác từ trung tả đến trung hữu là mục tiêu chế giễu của những dân sống với di sản cay đắng của nghèo đói, thất nghiệp và nhà ở tồi tàn do việc đóng cửa mỏ than và nhà máy từ những năm 1970 gây ra.

Mọi cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy Macron có khả năng sẽ tái đắc cử một nhiệm kỳ 5 năm nữa trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp bắt đầu vào ngày 10/4. Tuy nhiên, sự phẫn nộ đối với giới tinh hoa Paris vẫn còn tàn dư ở những nơi như La Ricamarie cho thấy chiến thắng của Macron sẽ không kiềm chế bầu không khí giận dữ trong xã hội Pháp, vốn dấy lên do các cuộc biểu tình “áo vàng” chống chính phủ, hay việc bôi nhọ các chính trị gia Pháp cực đoan vốn đang tìm cách lợi dụng điều đó.

Chiến dịch quân sự do Nga phát động ở biên giới phía Đông của Liên minh Châu Âu (EU) kể từ cuối tháng 2 đã biến Macron, thường xuyên đối thoại với Tổng thống Vladimir Putin với mục đích theo đuổi một giải pháp ngoại giao, thành nhà lãnh đạo thời chiến và tăng khả năng ông dẫn đầu trong các cuộc thăm dò quốc gia. Các vấn đề chính trị được các đối thủ của Macron nêu bật trong chiến dịch tranh cử – nhập cư, đặc biệt là người Hồi giáo và tội phạm – đột nhiên có vẻ ít quan trọng hơn khi các thành phố của một đất nước ở châu Âu đang bị quân đội Nga bao vây, hàng triệu dân thường Ukraine đang xin tị nạn ở các nước láng giềng EU. Những thách thức nảy sinh từ cuộc xung đột cũng khiến tổng thống Pháp đương nhiệm có cớ để không tranh luận với các đối thủ của mình về các chính sách kinh tế và xã hội hay chi phí sinh hoạt ngày càng cao.

Điều đó có nguy cơ nuôi dưỡng nhận thức vốn đã phổ biến rằng Macron kiêu ngạo và lạnh nhạt với mối quan tâm của người dân. Nhiều công dân nói rằng họ có khả năng sẽ bỏ phiếu trắng – những người thăm dò dư luận nói rằng khoảng 1/3 cử tri không có kế hoạch bỏ phiếu, điều đó có nghĩa là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục – và các nhà bình luận nói rằng điều đó có thể làm suy yếu tính hợp pháp của Macron trong 5 năm tới, bất chấp Pháp đã ghi nhận thành tích kinh tế tương đối mạnh mẽ kể từ khi ông đã nhậm chức. Tỷ lệ bỏ phiếu trắng cao và sự thể hiện mạnh mẽ của các đối thủ cực hữu và cực tả cũng sẽ đảm bảo Pháp vẫn là một chiến trường mấu chốt trong cuộc đấu tranh toàn cầu giữa những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do và các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy. Đây là những lực lượng đã khởi sự quá trình Anh rời khỏi EU (Brexit), bỏ phiếu cho Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ và đưa các nhà lãnh đạo độc tài lên nắm quyền từ Brazil đến Philippines.

Đối với Julian Jackson, nhà sử học và người viết tiểu sử của Charles de Gaulle, chiến thắng có khả năng xảy ra của Macron sẽ che giấu thực tế rằng địa vị của Pháp như một ngọn hải đăng của nền dân chủ tự do đang ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Ông nhớ lại rằng phe cực hữu đã xâm nhập vào nền chính trị Pháp thời hậu chiến ngay từ những năm 1980 và tiếp tục phát triển. Ông nói: “Ông ấy [Macron] đang níu kéo, nhưng trong bao lâu? Một điều đáng lo ngại là ông gần như chắc chắn sẽ đắc cử là do không có ai phù hợp hơn. Không có Macron tuyệt vời như lần bầu cử trước”.

Mảnh đất màu mỡ cho phe cực hữu

4.800 cử tri ở La Ricamarie đã không có nhiều đóng góp vào làn sóng ủng hộ đưa Macron lên nắm quyền vào năm 2017 với lời hứa sẽ lãnh đạo “không theo cánh tả cũng không theo cánh hữu”. Thay vào đó, họ tránh xa khu vực trung tâm và chọn Jean-Luc Mélenchon thuộc phe cực tả, tiếp theo là Marine Le Pen thuộc phe cực hữu làm ứng cử viên hàng đầu của họ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Tại quán cà phê của mình nằm ở quảng trường chính của La Ricamarie, Lermet đưa ra quan điểm về vấn đề nhập cư cho thấy ông ủng hộ Le Pen và đảng Tập hợp quốc gia hơn là Mélenchon và đảng Nước Pháp bất khuất. Ông đã mở Bar Roulette 36 năm trước và đây là nơi những người da trắng thuộc tầng lớp lao động ở độ tuổi 60 thường đến để tìm niềm an ủi bằng một ly rượu pastis hoặc rượu rẻ tiền. Bầu không khí ở đây không mang hơi hướng Paris mà có nét đặc trưng của thị trấn nhỏ – từng người bước vào quán thường bắt tay với vài người đã ngồi tại đó – và gợi nhớ mãnh liệt về 30 năm vinh quang, 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp sau năm 1945. Lermet nói: “Có công việc, có những người thợ mỏ cũ, có sự thân thiết. Điều đó thật tuyệt vời… 20.000 người từng đến Firminy hàng ngày để làm việc tại xưởng luyện thép Creusot-Loire và các công ty khác. Bây giờ chỉ còn lại tình trạng thất nghiệp”.

Cyrille Bonnefoy, thị trưởng của thị trấn La Ricamarie, cũng nhớ lại những ngày xa xưa tốt đẹp của thời khai thác than, công nghiệp nặng, các tổ chức công đoàn hoạt động năng nổ và hàng nghìn công việc thu hút làn sóng người di cư, đầu tiên từ Nam và Đông Âu và sau đó là từ các thuộc địa cũ của Pháp ở Bắc Phi. Kể từ những năm 1980, những người di cư mới đến từ vùng nông thôn Thổ Nhĩ Kỳ và những người tị nạn từ Nam Tư cũ, nhưng hiện nay việc làm khan hiếm và đã có sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu. Bonnefoy cho biết 16-17% lực lượng lao động địa phương thất nghiệp – cao gấp đôi so với mức trung bình của Pháp và 3/4 số nhà ở của thị trấn là tòa nhà chính phủ hoặc là những căn hộ và nhà dột nát cần sửa chữa.

Tất cả những điều này là “món hời” cho phe cực hữu. Bonnefoy, y tá tại bệnh viện địa phương, đã nhận xét một cách châm biếm rằng có khả năng những ngày này, những người ủng hộ Le Pen trong chiến dịch tranh cử không sống yên ổn được ở nơi từng là một thị trấn ủng hộ cánh tả một cách mạnh mẽ. Ông nói: “Tôi sẽ không bao giờ tin rằng một chiếc xe buýt của đảng Tập hợp quốc gia có thể đi qua thung lũng này, dừng lại ở khắp nơi và phát tờ rơi mà không ai nói gì. Điều đó đã không thể xảy ra 30 năm trước”. Các cuộc thăm dò cho thấy Le Pen, theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và có kế hoạch hạn chế nhập cư đã giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động trước đây, có thể mong đợi nhận được sự ủng hộ của khoảng 19% cử tri trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử vào ngày 10/4. Nếu nhận được số phiếu này thì bà chỉ đứng sau Macron với 28% và có đủ tư cách để đối đầu với ông hai tuần sau đó – lặp lại cuộc đấu trong cuộc bầu cử trước đó.

Một ứng cử viên cực hữu khác, Eric Zemmour, nhà bình luận trong chương trình trò chuyện trên truyền hình thậm chí còn phê phán dữ dội vấn đề nhập cư hơn Le Pen, hiện đang ở vị trí thứ tư với khoảng 11%; mới đây, ông đã đề xuất thành lập một bộ mới phụ trách vấn đề đưa người nhập cư hồi hương và trục xuất 1 triệu người nước ngoài trong vòng 5 năm. Nhiều đảng viên có tư tưởng bảo thủ thuộc đảng Cộng hòa Pháp về lý thuyết nên bỏ phiếu cho ứng cử viên của họ là Valérie Pécresse sau khi bà giành chiến thắng trong buộc bỏ phiếu sơ bộ trong đảng không mấy che giấu việc đồng tình với phe cực hữu, điều có thể ngăn cản họ ủng hộ tuyên ngôn ôn hòa của bà. Điều đó làm tăng thêm số phiếu vốn đã rất đáng kể của phe cực hữu.

Đây sẽ là kết quả tốt nhất cho phong trào cực hữu kể từ khi nó được cha của Le Pen thành lập vào những năm 1970 và sẽ tạo thuận lợi cho phong trào này chạm tới quyền lực ở Pháp. Lần tới họ có thể tiến xa hơn nữa. Nếu Le Pen bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu tổng thống, những người theo chủ nghĩa tự do lo sợ phe cực hữu sẽ tự tổ chức lại, có lẽ dưới sự kết hợp giữa Zemmour và cháu gái của Le Pen là Marion Maréchal, một ngôi sao trẻ của cánh hữu đã tham gia chiến dịch tranh cử của ông.

Nhìn vào khoảng trống

Tuy nhiên, sự chia rẽ ở Pháp không chỉ đơn giản giữa một bên là các chính trị gia nhiều ảnh hưởng và một bên là phe cực hữu.

Naella Amman, sinh viên năm thứ ba ngành luật tại Đại học Saint- Etienne’s Jean Monnet, cũng chán ngấy tình trạng nước Pháp dưới thời Macron như chủ quán bar Lermet. Tuy nhiên, khác xa với việc đổ lỗi cho người nhập cư, chính cô là một phụ nữ Pháp gốc Algeria, đồng thời là người ủng hộ nhiệt thành cho Mélenchon và đảng của ông. Cô nói rằng mình bắt đầu nhận thức về chính trị khi quan điểm chống nhập cư ngày càng cực đoan ngay trước cuộc bầu cử trước đó và nhận thức sâu sắc nhất trong đại dịch COVID-19 về những gì cô cho là các quyết định tùy tiện và độc tài của Macron nhằm tước bỏ quyền tự do của người Pháp bằng các đợt phong tỏa định kỳ và phải trình thẻ xanh COVID-19 mới được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đến những nơi giải trí. Amman cho biết trong lúc đó, hệ thống giáo dục và y tế mẫu mực một thời của Pháp đang sụp đổ và tình hình trở nên không thể chịu nổi. Cô nói: “Macron đã tiếp tục phá hủy các dịch vụ công cộng”. Cô đã chọn ủng hộ Mélenchon và tuyên ngôn quyết liệt của ông, bao gồm đảm bảo công ăn việc làm cho tất cả mọi người, tăng thuế đối với người giàu, chào đón người nhập cư, hợp pháp hóa cần sa và rút khỏi NATO. Ứng cử viên cánh tả đã nhận được sự ủng hộ gia tăng gần đây trong các cuộc thăm dò dư luận và hiện đang đứng thứ ba sau Macron và Le Pen với 14%. Thế nhưng, sự thù địch trong quá khứ của ông đối với Ukraine, và sự đồng tình với Putin, được coi là một trở ngại. Amman bác bỏ lời chỉ trích này. Cô nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối chủ nghĩa cực đoan của Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi mềm mỏng với Putin”.

Bất chấp tất cả những khác biệt về ý thức hệ, phe cực tả và cực hữu ở Pháp có nhiều điểm chung: tức giận với giới lãnh đạo nhà nướ, kích động chủ nghĩa dân tộc của Pháp không tin tưởng vào toàn cầu hóa, NATO và EU; xa lánh chính trị truyền thống; và cảm giác bị loại khỏi hoạt động kinh tế. Amman cho biết cả cha và mẹ cô đều sống bằng mức lương tối thiểu, và Lermet phàn nàn rằng lương hưu hàng tháng của ông chỉ là € 955 sau khi đã dành cả đời làm việc.

Các cuộc biểu tình “áo vàng” bắt đầu vào cuối năm 2018, đã làm rung chuyển chính quyền Macron trước khi đuối dần trong đại dịch, thậm chí còn dẫn đến việc tưởng chừng như phi lý là tập hợp cánh tả và cánh hữu cùng tham gia các cuộc tuần hành trên đường phố. Họ bắt đầu bằng những cuộc biểu tình của những tài xế có tư tưởng bảo thủ tại các bùng binh ngoại ô để phản đối thuế nhiên liệu xanh, trong một thời gian ngắn đã thu hút những người ủng hộ cực hữu rồi đến cánh tả và cuối cùng biến thành các cuộc tuần hành đường phố với sự tham gia của những người chủ trương vô chính phủ chống lại cảnh sát chống bạo động của Pháp.

Việc Macron phá bỏ hệ thống đảng truyền thống, đặc biệt là các đảng Cộng hòa bảo thủ và những người theo chủ nghĩa xã hội trung tả, đã tạo ra “hoang mạc trong đó cánh hữu thông thường và cánh tả thông thường bị hút vào trung tâm của ông”. Nhà sử học Jackson nói: “Nó để lại một khoảng trống tồi tệ mà ở đó những lời lẽ dân túy mãnh liệt này có thể tự lan truyền”.

Rủi ro đối với Macron

Ngay cả khi Macron giành chiến thắng một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử lần này như dự đoán của các cuộc thăm dò dư luận, rõ ràng ông sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Thách thức đầu tiên sẽ là cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6/2022, khi đó những chính trị gia ủng hộ ông sẽ phải giành chiến thắng nếu ông muốn điều hành nước Pháp một cách hiệu quả.

Một vấn đề khác là chính ông cũng không được lòng số đông người Pháp. Trong hội thảo trực tuyến cho Viện Nghiên cứu lịch sử của Đại học London, Marc Lazar, giáo sư lịch sử chính trị và xã hội học tại Sciences Po, đã nói rằng Macron bị ghét cay ghét đắng. Ông nói: “Ông ấy bị cánh tả, cánh hữu và tầng lớp bình dân ghét bỏ”. Nếu Macron tái đắc cử mà không có tranh luận thực chất về các vấn đề kinh tế và xã hội thì giai đoạn sau bầu cử có thể rất khó khăn đối với ông. Như thường thấy ở Pháp, bất ổn là một khả năng có thể xảy ra. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây với 8.000 thanh niên Pháp trong độ tuổi 18-24 do giáo sư Lazar đồng đề xuất cho tổ chức nghiên cứu Institut Montaigne cho thấy 22% dùng bạo lực để biện minh cho sự phản đối hoặc bảo vệ ý tưởng của mình. 37% số người được hỏi cho biết việc xông vào tòa nhà của một bộ của chính phủ bằng vũ lực là điều có thể chấp nhận được hoặc có thể hiểu được. Nicholas Dungan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Những người phản đối có thể ở ngoài đường phố chứ không phải trong quốc hội và đó là một vấn đề”, mặc dù ông cho rằng “một cuộc nổi dậy chống lại các thể chế dân chủ” là khó có thể xảy ra. Ông nói: “Người Pháp có học thức khá cao và khá yêu nước. Nhiều cử tri Pháp sẽ không muốn trở thành những người tham gia vào việc phá hủy nền dân chủ của Pháp”.

Macron và chiến dịch tranh cử của ông không được tự mãn trước những rủi ro này, một trong những người thân tín của Macron trong chính phủ nói với Financial Times: “Chúng tôi là những người tinh hoa, bởi vì chúng tôi sống tốt, chúng tôi không thấy rằng phần lớn người Pháp muốn có sự rối loạn, một sự thay đổi triệt để”. Người này nói rằng Brexit và Trump đã khiến Anh và Mỹ phân cực sâu sắc: “Tôi không muốn điều tương tự xảy ra ở Pháp. Nếu Pháp lâm vào bất ổn, thì cả lục địa châu Âu cũng sẽ bất ổn theo”.

Nếu Paris một lần nữa bùng phát bạo lực, thì điều đó không khiến những người ở La Ricamarie ngạc nhiên. Lermet bất mãn nói: “Macron giống nhà ảo thuật David Copperfield. Ông đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng ông vẫn đóng cửa các nhà máy… Chúng tôi đã tiếp tục phải chịu cảnh chính phủ áp đặt các kế hoạch thắt lưng buộc bụng và cắt giảm lực lượng cảnh sát. Tình trạng này đã diễn ra trong 40 năm”.

Trong khu chợ được dựng trên bãi đậu xe bên ngoài quán bar của Lermet, có những món hàng hạ giá được bày bán thu hút những người lao động có mức lương thấp – 12 chai bia Giáng sinh của hãng Leffe còn lại được bán với giá 6 euro hoặc một đôi giày có giá 3 euro – và huyên náo những tiếng nói bằng tiếng Pháp, tiếng Arập và các ngôn ngữ Đông Âu, một số người trong số họ càu nhàu về những tên hề điều hành đất nước họ. Cánh cửa của nhà vệ sinh công cộng cạnh chợ được dán những tấm áp phích bác bỏ sự bất công của chủ nghĩa tư bản và gửi một thông điệp tới các chính trị gia ở thủ đô: “Chúng ta phải nổi dậy chống lại trò hề bầu cử!”, “Tẩy chay năm 2022”./.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều