Bầu cử Tổng thống Mỹ có liên quan gì đến Việt Nam?
Nếu buổi sáng đẹp trời gần đây, bạn mở Facebook lên và tràn ngập trên tường nhà là những dòng tút về bầu cử Tổng thống Mỹ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu vì cho rằng chẳng hề liên quan đến chén cơm bạn sẽ ăn trong bữa tối; thay vào đó, bạn quan tâm hơn về chủ đề thủy điện hoặc Thủy Tiên. Rất tiếc, phải nói rằng bài viết này không được thiết kế dành cho bạn, nhưng nếu bạn chịu khó đọc được đến cuối, xin cám ơn vì đã dành thời gian.
Nhân loại được tự nhiên định sẵn rằng chúng ta phải sống trong một xã hội cộng đồng và rộng hơn nữa là trong một thế giới không ngừng tác động qua lại. Tương tác là yếu tố quyết định để tạo ra trí thông minh bầy đàn, kiến thức, sự sáng tạo, cũng như phân công lao động trong xã hội. Nếu giới quý tộc La Mã không từng chìm đắm trong sự đam mê với lụa, con người sẽ không bao giờ có huyền thoại về con đường tơ lụa vắt ngang qua Sa mạc Taklamakan nơi mà thuốc súng, giấy in từ phương Đông chuyển sang phương Tây. Những con lạc đà xuất phát từ La Mã về lại Trường An mang theo nó những lựu, điều, gai, nho cũng như cả tiếp biến văn hóa trong âm nhạc, nghệ thuật để tạo nên sự phồn hoa của một thời kỳ Trinh Quan thịnh thế.
Diều hâu nó không ăn chay vì đơn giản nó có thể bắt thỏ, Đại Việt của chúng ta nếu nhu nhược thì thành Thăng Long từ lâu đã là một thuộc tỉnh của “Bồn Man” hay “Lão Qua” rồi chứ đừng nói đến người hàng xóm phía bên kia phương Bắc. Huống hồ là Hoa Kỳ, một quốc gia tập trung 5% người giàu chiếm hơn 90% tài sản của thế giới thì việc họ liên tục duy trì và gia tăng ảnh hưởng của lên mọi ngóc ngách trên địa cầu là điều dễ hiểu. Và dĩ nhiên, bất cứ biến động nào ở quốc gia này cũng có thể tác động lên phần còn lại của thế giới, từ nửa điểm phần trăm lãi xuất ở Washington cũng có thể nhuốm đỏ chỉ số Nikken ở Tokyo hay một quyết định ở phòng Bầu Dục Nhà Trắng có quyền năng tô xanh chỉ số Hang Seng ở Thượng Hải. Lúc này, Hoa Kỳ đang đối diện với sự kiện chính trị quan trọng nhất nó: bầu cử Tổng thống.
“Dù ai sẽ bước vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới cũng vậy thôi”, chuyện này đúng. Nghĩa vụ của nguyên thủ trước hết phải đảm bảo lợi ích cho quốc gia mà đại diện là các nhóm lợi ích dù tuyên bố minh thị hay ngầm thị nhiệm vụ này. Trật tự và cân bằng quyền lực của Hoa Kỳ về cơ bản nằm trong tay tài phiệt, khi các thùng dầu vẫn còn được đổ đầy, các hợp đồng bán vũ khí vẫn được ký kết và hiện nay là dòng dữ liệu người dùng vẫn được thu thập liên tục thì trật tự và cán cân quyền lực này sẽ không thể thay đổi. Nhưng đó lại là chuyện sau hậu trường của chính giới, điểm khác biệt giữa các đời Tổng thống lại nằm ở chính sách ứng xử với các nước khác.
Hai mạng xã hội dành cho chuyên gia là LinkIn và Medium trong một tuần gần dây chủ đề nóng nhất không gì khác ngoài bầu cử Tổng thống Mỹ thay vì Thủy Tiên và thủy điện. Thậm chí các tranh luận được đẩy lên cao trào với 4 kịch bản kinh tế thế giới tương ứng với 4 tình huống Trump-Biden/Dân Chủ – Cộng Hòa/nắm –không nắm Hạ Viện. Phải nhìn nhận rõ ràng rằng nếu Trump tái đắc cử, khối ngành công nghệ sẽ có tăng trưởng hoàn toàn thuận lợi do nhận được sự bảo hộ rất tốt từ chính sách của vị đương kim Tổng thống; còn nếu Biden thắng lợi, các ngành cơ sở hạ tầng và công nghiệp có thể hưởng lợi nhiều nhất nhờ vào đà kích thích kinh tế từ gói cứu trợ mới. Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những biến động không-thể-lựa-chọn như vậy. Còn Việt Nam thì sao? Rất rõ ràng, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chơi khi đã chấp nhận bước lên con tàu mang tên hội-nhập.
Từ lâu, Việt Nam được xem là một quốc gia hưởng lợi trong thương chiến Mỹ -Trung mà số lượng các doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư từ quý I/2020 đã là một minh chứng rõ nét. Cách Donald Trump làm chính trị phản ánh nhiều bởi phong cách kinh doanh, ông không muốn Hoa Kỳ bỏ ra nhiều nhưng lại nhận được ít. Đó chính là lý do tại sao trong suốt nhiệm kỳ của Trump, cụm từ hay được nhắc nhất chính là thâm hụt thương mại ám chỉ việc Hoa Kỳ nhập siêu rất nhiều hàng hóa nhưng lượng xuất khẩu lại thấp hơn rất nhiều. Nói cho dễ hiểu, là mua nhiều bán ít. Vì lẽ đó, một trong những công cụ ưa thích của chính quyền Mỹ hiện nay dùng để giảm thặng dư thương mại chính là cáo buộc các quốc gia khác thao túng tiền tệ Hoa Kỳ đã đơn phương áp đặt 3 tiêu chí xác định thao túng tiền tệ như sau:
(1) Có thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD.
(2) Thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tương đương 2% GDP nước đó.
(3) Can thiệp 1 phía (mua hoặc bán ròng) và kéo dài trên thị trường ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng mua ròng ít nhất 2% GDP.
Trong thực tế, cách áp đặt này rất bất công vì đã có giao dịch thương mại với Hoa Kỳ thì bất cứ quốc gia nào cũng có thể thỏa đủ 2/3 tiêu chí để bị xem là có thao túng tiền tệ. Đơn giản, thị trường Hoa Kỳ có truyền thống dựa trên tiêu dùng chính vì thế trừ khi có quy mô quá nhỏ không đáng kể thì còn đâu đều thỏa mãn tiêu chí số (1). Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi mới tháng 8/2020, Bộ Tài Chính Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá Việt nam đang chủ động định giá VNĐ thấp hơn USD và chúng ta phải đối mặt với việc bị viện dẫn vi phạm lần 2 khi thâm hụt thương mại giữa hai nước ở khoảng 46 tỷ USD.
Việt Nam hiện nay đang phải gia tăng độ dày của tấm đệm dự trữ ngoại hối lên mức mục tiêu tiệm cận 100 tỷ USD cùng lúc với việc cố hãm tỷ giá VNĐ nhằm bảo hộ cho xuất khẩu. Chúng ta đồng thời cũng không thể chọn dù bất cứ phe nào trong thương chiến Mỹ – Trung, vì nếu ngả về một bên trong con đường rất hẹp ấy, chúng ta sẽ bị bên còn lại nghiền nát.
Chuyến thăm đầy cảm xúc của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội ngay trước bầu cử đã để lại phía sau nó 7 thỏa thuận thương mại khác nhau mà trong đó có trọng tâm là dự án điện khí từ khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu mà Việt Nam sẽ sử dụng thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ trị giá hơn 3 tỷ USD. Nếu không phải Donald Trump làm tổng thống thì liệu câu chuyện sẽ khác không? Tất nhiên là khác nhưng vấn đề chúng ta phải đối mặt cũng sẽ khác.
Trong bốn văn kiện quan trọng nhất chuẩn bị trình Đại hội XIII đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân, chưa bao giờ pháp luật quốc tế lại được nhắc nhiều đến vậy, cụ thể trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII đề cập 07 lần từ “luật pháp quốc tế” và 01 lần “điều ước quốc tế”. Rất rõ ràng, Việt Nam đã phải gánh chịu thiệt hại rất lớn liên tiếp từ 2 cuộc chiến tranh vệ quốc trong khi sau thế chiến thứ II, các cường quốc đều tập trung xây dựng kinh tế, do vậy, con đường nhanh nhất để khơi thông dòng hàng hóa đó chính là hội nhập.
Tất cả các đời Tổng thống Hoa Kỳ nhìn chung đều có tác động đáng kể lên pháp luật quốc tế mà cụ thể là các điều ước quốc tế về thương mại và an ninh. Donald Trump là một người theo chủ nghĩa bảo hộ thương mại quốc gia, việc ông quyết định rút khỏi TPP cũng tương tự như quan điểm mà Narendra Modi đang ngần ngừ trong việc tham gia RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực).
Xét về mặt kỹ thuật, hiện nay Việt Nam chưa có bất cứ một hiệp định thương mại thế hệ mới với Hoa Kỳ trừ 2 hiệp định về thương mại và đầu tư từ năm 2000, điều này có nghĩa là chúng ta trong trường hợp phải mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ thì hàng hóa và dịch vụ đó sẽ không được hưởng mức thuế ưu đãi như với các quốc gia EVFTA và CPTPP và người tiêu dùng chắc chắn sẽ không được hưởng lợi. Nhưng nếu có một tổng thống cởi mở hơn với vấn đề thương mại quốc tế như Barrack Obama thì sao?
Ông B. Obama về bản chất không phải là một người thích dùng công cụ đàm phán là cáo buộc thao túng tiền tệ như ông Donald Trump mà là một người thiên về phương châm cây gậy và củ cà rốt. Các dữ liệu thống kê đến tháng 06/2019 cho thấy, dưới thời ông Obama Việt Nam phải đối mặt với 8 vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá (anti-dumpling) trong khi dưới thời Trump chỉ 4 vụ; đồng thời, doanh nghiệp Việt dưới thời Obama bị điều tra 5 vụ chống trợ cấp chính phủ (anti –supsidy) nhưng dưới thời ông Donald Trump chỉ có 2 vụ. Có thể lý luận rằng do thời gian ông Obama kéo dài cả 2 nhiệm kỳ trong khi Donald Trump chỉ có 1 nhưng lưu ý rằng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm thứ 2 trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Obama là 2010 chỉ có 14,24 tỷ USD trong khi đó ở năm thứ 2 nhiệm kỳ Trump là 47,53 tỷ, hơn gấp 3 lần.
Tổng thống Hoa Kỳ có thể theo đuổi những mục tiêu giống nhau, nhưng có lẽ cách ứng biến của chúng ta với chính sách của ông ấy bắt buộc phải khác nhau, không một Tổng thống nào muốn dẫm chân vào cái bóng của người tiền nhiệm. Đừng quên rằng dưới thời Obama chúng ta cũng từng được hưởng một đặc sản của giới tinh hoa Mỹ là hạt giống dân chủ gieo vào vườn cây mang tên nhân quyền. Từ đó đã mọc lên vô số những tổ chức xã hội đấu tranh vì nhân quyền bằng cách ngồi xổm lên pháp luật, cũng từ đó đã khai sinh ra vô số nhà hoạt động aka dân chủ bờ hồ với xuất thân danh giá từ ngành xe ôm và thợ ảnh thất nghiệp.
Bầu cử nó vẫn ở đó thôi. Có người tìm thấy sự thú vị hồi hộp của một gameshow chính trị, có người tìm thấy sự phấn khích ở một sự kiện 4 năm mới có, cũng có người tìm thấy chút kiến thức tổ chức quyền lực nhà nước từ một bản hiến pháp được xây dựng lâu đời nhất thế giới, nhưng riêng với người viết bài này, đó là một tầm nhìn về kinh tế và chính trị đến năm 2025.
Steven Tran
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả