Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Donald Trump – Joe Biden dùng mọi chiến thuật tấn công
Cuộc tranh luận trong 90 phút với 6 chủ đề, mọi vấn đề lớn nhỏ của nước Mỹ, nền chính trị nước Mỹ và cả cá nhân hai ứng viên đều được đặt lên bàn cân.
BBT ghi nhanh ý kiến của một số chuyên gia sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden sáng nay.
Cọ sát gay gắt
Qua tranh luận, ta thấy một nước Mỹ, nền chính trị Mỹ đang rất phân hóa
Về quan điểm, chính sách lẫn phong cách cá nhân, hai bên đều rất khác nhau. Đây là cuộc tranh luận trực diện, cọ sát gay gắt.
Ông Trump tìm cách nhấn mạnh các thành tựu của mình trước đại dịch Covid-19 bao gồm cả kinh tế, nền pháp trị (như bổ nhiệm hơn 300 thẩm phán) và chính sách đối ngoại, tăng cường quốc phòng… Ông nhấ mmạnh tất cả điều này đem lại lợi ích công ăn việc làm và quyền lợi cho người dân. Trong khi đó ông Biden tập trung nhấn mạnh vào thất bại trong 4 năm cầm quyền củaDonald Trump.
Trong khi ông Trump tìm cách áp đảo với lợi thế tranh luận của mình thì ông Biden cũng rất chín chắn trong ứng xử. Điều người ta lo mà báo chí nêu nhiều là liệu hai bên có vấp váp gì không thì rõ ràng hai bên đã chuyển được thông điệp của mình tới cử tri.
Tuy nhiên, sức hút như thế nào còn phụ thuộc vào câu chuyện lợi ích của cử tri và những vấn đề mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Nên tác dụng cuộc tranh luận này ra sao thì cần theo dõi.
Cuộc tranh luận nếu theo thông thường sẽ không có tác dụng đảo lộn một cách căn bản chiều hướng tranh cử từ nay tới tháng 11. Nhưng do tình hình nước Mỹ hiện rất khác biệt nên tranh luận cũng có ý nghĩa nhất định.
Khác biệt là Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống và chính trị nước Mỹ. Ví dụ Trump ở “trên cơ” trước đại dịch thì nay các hồ sơ thành tích bị xóa đi. Biden vốn rất chập chững kể cả trong bầu cử sơ bộ ở đảng Dân chủ nay lại đang dẫn điểm trong thăm dò dư luận.
Nhưng người ta cũng đều nhấn mạnh rằng, dù Biden dẫn trong thăm dò nhưng chưa chắc đã giành điểm trong bầu cử. Nòng cốt cử tri ủng hộ ông Trump không rộng nhưng giữ vững, dao động hơn 40%.
Trong khi ông Biden phải tập hợp xung quanh mình rất nhiều lực lượng, trong đó có nòng cốt của Dân chủ nhưng cũng có bên “thiên tả” hơn như của Warren hay Bernie Sanders, vậy các thông điệp hôm nay đã làm hài lòng họ chưa? Rồi những người bất mãn với Trump mà quay sang ủng hộ Biden liệu thông điệp hôm nay có tác động gì không?
Sự phân hóa
Dù Biden có dẫn trong thăm dò dư luận nhưng người ta đều đánh giá cuộc bầu cử này nói chung và ở các bang còn tranh chấp nói riêng vẫn đang rất sát sao. Nếu cuộc tranh luận lần này có thể dẫn tới 1-2 điểm cộng trừ cho mỗi ứng viên, cũng có thể tạo ra xu thế mới khi hai bên chưa chắc bên nào đã thắng.
Chưa kể thăm dò dư luận độ chính xác thường cộng trừ 5 điểm phần trăm. Tiếp đến là lực lượng trung dung có thể làm thay đổi số phiếu sau này. Cuộc tranh luận lần này cũng như sắp tới sẽ tiếp tục làm thay đổi cục diện.
Cuối cùng qua tranh luận, ta thấy một nước Mỹ, nền chính trị Mỹ đang rất phân hóa. Quan điểm mà Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa, quan điểm của Biden và Dân chủ đưa ra rất khác nhau.
Dường như hai bên đã vượt qua thử thách mà không để sai sót lớn, thông điệp của cả hai bên đã hướng tới và truyền đạt được tới cử tri. Phong cách hay quan điểm hai bên khác nhau chỉ chứng tỏ rằng vì nước Mỹ rất phân hóa, nên các bên trong thông điệp đưa ra phải bảo vệ cơ sở nòng cốt của mình với cử tri.
Ông Trump dù ở thế yếu trong thăm dò dư luận nhưng lại có cơ sở cử tri nòng cốt trung thành trong khi Biden dẫn trước ở thăm dò, song chặng đường phía trước khiến ông phải làm việc rất nhiều để giữ cho được liên minh nhiều thành phần ủng hộ. Còn ông Trump cần phân hóa lực lượng ủng hộ ví dụ nói về người da đen, người gốc Mỹ Latin đồng thời cần tranh thủ bên trung dung.
Tôi đánh giá thông điệp tranh luận đã được chuyển đến cử tri nhưng sắp tới tương quan còn ngang ngửa, nhất là với thành phần chưa quyết định sẽ ủng hộ ai.
Khúc dạo đầu
Đối với những câu hỏi của đối thủ Biden, ông Trump không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà tấn công vào hướng khác.
Cuộc tranh luận diễn ra khá căng thẳng. Cả hai bên đều chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, các vấn đề tranh luận chịu ảnh hưởng của tình hình, xã hội Mỹ đang phân hóa.
Các phát biểu của ông Biden có vẻ chặt chẽ hơn, dựa nhiều vào số liệu. Ông Biden khoét sâu những vấn đề chính quyền Trump đang phải đối phó như Covid-19, biến đổi khí hậu và thuế.
Ông Trump vẫn giữ chiến lược cũ “Nước Mỹ trên hết”. Đối với những câu hỏi của đối thủ Biden, ông không đưa ra câu trả lời trực tiếp, thay vào đó tấn công vào hướng khác. Ông có thế mạnh về 4 năm cầm quyền với thành tích và hạn chế nhất định. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, ông đã có những nghiên cứu về cuộc bầu cử 2016, về 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Obama để đưa ra điểm yếu và điểm mạnh nhất định.
Ông Biden chủ yếu nhằm vào điểm yếu của ông Trump trong khi đó chiến lược cải cách hay chính sách lại chưa rõ ràng, chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Thông thường các cuộc tranh luận kiểu này chỉ ảnh hưởng tới khoảng 1% ý kiến của công chúng. Tuy nhiên, nó giúp ông Biden khẳng định vẫn minh mẫn và sáng suốt giữa lúc có nhiều e ngại. Đây mới chỉ là màn dạo đầu, cơ hội chia đều cho cả ông Biden lẫn Tổng thống Trump.
Phản ánh văn hóa chính trị Mỹ
Cuộc tranh luận này phản ánh đúng văn hóa chính trị của Mỹ.
Xung quanh 6 chủ đề tranh luận, tôi cho rằng tương quan lực lượng ngang nhau, chưa ai thể hiện sự nổi bật hơn ai. Nếu như Tổng thống Trump muốn nhấn mạnh về khía cạnh kinh tế, tạo ra việc làm, thất nghiệp giảm… thì lại mắc phải hạn chế về vấn đề hồ sơ nộp thuế, đại dịch Covid-19, tòa án…
Có thể thấy cuộc tranh luận này phản ánh đúng văn hóa chính trị của Mỹ. Hai bên tấn công nhau trực diện, dùng các vấn đề kể cả liên quan tới gia đình, đời tư để hạ thấp uy tín và vị thế đối thủ.
Nếu theo dõi cuộc tranh luận, có thể có người có cảm tình nhiều hơn với ông Biden khi ông Trump liên tục ngắt lời đối thủ thậm chí là người dẫn dắt chương trình. Tuy nhiên, đây là chiến thuật của Tổng thống Trump.
Ông Biden thể hiện tốt khi mỗi lần trả lời đều nhìn thẳng vào ống kính và như nói trực tiếp với cử tri chứ không để ý tới đối thủ. Cá nhân tôi nếu chấm điểm ứng viên qua cuộc tranh luận này thì ông Biden được 51 điểm, ông Trump 49 điểm.
Chiến thuật “ngắt quãng”
Việc ngắt quãng, thậm chí “phá đám” ý kiến đối thủ là nghệ thuật tranh luận của ông Trump.
Ông Trump có mặt mạnh về kinh tế, dù đối thủ Biden luôn tấn công nhiều về mảng này.
Tiếp nữa ở vị trí đương kim Tổng thống Mỹ, ông nắm rõ và xử lý tốt nhiều vấn đề. Chẳng hạn như về Tòa án tối cao, ông Trump đang đương chức, nắm đa số Thượng viện nên có quyền bổ nhiệm bất kỳ lúc nào theo đúng luật định. Mặt mạnh thứ ba của ông Trump là có phong thái và sức khỏe tốt hơn.
Điểm mạnh của Biden là không cầm quyền, nên không phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót, cũng không phải đưa ra quyết định khó khăn nên ông thoải mái chọc sâu vào những điểm yếu của ông Trump. Đặc biệt điểm yếu của ông Biden là sức khỏe.
Về sơ bộ, hai bên gần như ngang ngửa trong cuộc tranh luận đầu tiên. Tuy nhiên Tổng thống Trump có vẻ “nhỉnh hơn” khi dồn dập tấn công đối thủ, trong khi ông Biden phản đòn ít hơn.
Ngoài ra, những ý kiến của ông Biden luôn bị Tổng thống Trump làm ngắt quãng, ảnh hưởng tới việc tuyên truyền quan điểm của đảng Dân chủ. Việc ngắt quãng, thậm chí “phá đám” ý kiến đối thủ là nghệ thuật tranh luận của ông Trump. Đây là đấu trường và các đấu thủ sử dụng mọi biện pháp để tấn công nhau.
Thái An, Tuấn Anh/VNN