+
Aa
-
like
comment

Bầu cử Mỹ: Sự thật đằng sau những cuộc khảo sát Biden dẫn trước Trump

13/06/2020 07:20

Các cuộc khảo sát cho thấy Biden đang dẫn trước Trump nhưng liệu điều đó có phản ánh chính xác bức tranh bầu cử Mỹ và lựa chọn thực sự của cử tri?

Trong các cuộc khảo sát gần đây, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã sụt giảm đáng kể. Nhà lãnh đạo Mỹ bị ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước 10 điểm về tỷ lệ các cử tri đã đăng ký trên toàn quốc và tại hầu hết các bang chiến địa.

bau cu my: su that dang sau nhung cuoc khao sat biden dan truoc trump hinh 1
Ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Những phát ngôn, dòng tweet và hành động của Tổng thống Trump trong đại dịch Covid-19 cũng như vụ biểu tình George Floyd đã khiến ông tổn thất một số lượng phiếu bầu nhất định ở hầu hết các bộ phận cử tri. Sự ủng hộ dành cho Tổng thống ở các cử tri da trắng lao động vùng ngoại ô và người cao tuổi đang sụt giảm. Những cử tri trẻ thường nghiêng về phía ông Biden nhiều hơn trong khi ông Trump không hề “được lòng” các cử tri nữ giới. Ở bộ phận cử tri này, nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí bị ứng viên đảng Dân chủ dẫn trước 25 điểm.

Hiệu ứng Bradley

Trên thực tế, các cuộc khảo sát không thể hiện được toàn bộ bức tranh cử tri. Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là một minh chứng. Bất chấp việc bà Hillary Clinton – ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ được đánh giá cao hơn và dẫn đầu trong các cuộc bỏ phiếu, Donald Trump vẫn trở thành Tổng thống.

Ngoài ra, các nhà khoa học chính trị cho rằng các cuộc khảo sát không phản ánh chính xác quyết định của cử tri, thậm chí còn có cả một cụm từ ám chỉ hiện tượng các cử tri “nói dối” trong các cuộc khảo sát gọi là “Bradley Effect” (tạm dịch là Hiệu ứng Bradley). Hiệu ứng này được đặt tên theo cựu thị trưởng da màu Los Angeles tên là Tom Bradley, người đã thua trong cuộc bầu cử thống đốc bang California trước George Deukmejian năm 1982, một người Mỹ da trắng gốc Armenia mặc dù trong các cuộc khảo sát trước đó, ông Bradley đều dẫn trước đối thủ ở một khoảng cách đáng kể. Điều đó cũng chứng minh cho việc một số cử tri da trắng đã nói dối trong các cuộc khảo sát về người họ sẽ bỏ phiếu khi các ứng viên da màu nằm trong danh sách các ứng viên.

Các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy Tổng thống Trump không nhận được nhiều tín nhiệm về khả năng xử lý các vấn đề về sắc tộc. Tuy nhiên, dường như các cuộc biểu tình đang là một cơ hội để ông xây dựng hình ảnh và truyền tải thông điệp của mình một cách rõ ràng. Tổng thống Trump tuyên bố mình là “Tổng thống của Pháp luật và Trật tự”, sẵn sàng thiết lập lại trật tự đất nước nhằm thu hút sự ủng hộ của tầng lớp cử tri “đa số im lặng”, những người da trắng chưa tốt nghiệp đại học, sống ở các vùng nông thôn và ngoại ô, bất mãn với hành động của cảnh sát nhưng không đi biểu tình. Donald Trump muốn xây dựng hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, “nói là làm” và có những thông điệp rõ ràng. Tất nhiên có những điều Tổng thống làm tốt và chưa tốt nhưng sự “gây tranh cãi” của ông khiến ông thu hút được những bộ phận cử tri trung thành và nhiệt huyết.

Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối năm 2015, khi mà cuộc bầu cử Mỹ còn gần 1 năm nữa mới diễn ra, nhà phân tích Jonathan Capehart đã nhận định rằng bất chấp những chiến dịch và các tuyên bố gây tranh cãi của ông Trump, đảng Dân chủ nên lo lắng về mức độ ủng hộ thực sự của cử tri Mỹ dành cho vị tỷ phú này.

Kyle Dropp – đồng sáng lập và là giám đốc điều hành bộ phận khoa học dữ liệu và khảo sát của Morning Consult nhận định có nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump nhưng họ “ngại” thừa nhận trong các cuộc khảo sát. Dropp giải thích việc này xảy ra “một phần xuất phát từ cái gọi là “thành kiến mong đợi xã hội”, tức là xu hướng phản ứng theo cách được xã hội thừa nhận hơn là dựa trên những cảm nhận hay hành vi của người đó.

Điều này dường như tương phản với ông Biden. Mặc dù ứng viên của đảng Dân chủ biết cách làm “hài lòng” mọi người hơn nhưng ông lại chưa xây dựng được một hình ảnh mạnh mẽ và tạo nên một thông điệp rõ ràng.

Frank Luntz, một thành viên đảng Cộng hòa phụ trách các cuộc khảo sát nhận định trên Financial Times rằng các cuộc trưng cầu dân ý “ngày càng gia tăng sự thất vọng của công chúng với Tổng thống về những điều ông ấy nói. Nhưng điều đó không có nghĩa là Joe Biden đang làm tốt. Ông ấy không hề làm tốt. Các cử tri ở những bang dao động vẫn đang quan sát và lắng nghe những gì Tổng thống thể hiện”.

“Kẻ tám lạng, người nửa cân”

Ngoài ra, mặc dù Tổng thống Trump đang thực sự đối mặt với thách thức trong việc thu hút sự ủng hộ của khối cử tri quan trọng, bao gồm cử tri độc lập, cử tri da trắng ở vùng ngoại ô và cử tri lớn tuổi thì ông Biden cũng có không ít vấn đề cần vượt qua, vốn không được phản ánh trong những cuộc khảo sát hiện cho thấy ông đang dẫn đầu.

Theo một báo cáo phân tích các cuộc khảo sát gần đây do New York Times công bố tuần này, thời gian gần đây, ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã không tạo được những hiệu ứng tích cực với các cử tri không phải da trắng. Đây là khối cử tri quan trọng mà đảng Dân chủ cần thu hút sự ủng hộ nếu muốn thành công trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong tháng 11 tới.

Thực tế, phân tích trên cho thấy, ông Biden hiện dẫn trước 46 điểm ở bộ phận cử tri không phải da trắng trong khi bà Hillary Clinton từng giành được lợi thế 50 điểm ở nhóm cử tri này trong các cuộc khảo sát cuối cùng vào năm 2016.

Hơn nữa, bất chấp việc Tổng thống Trump đang “lép vế” ở khối cử tri da trắng vùng ngoại ô, các cử tri độc lập và cử tri cao tuổi, 3 nhóm quan trọng với cả 2 đảng trong năm nay thì ông Biden có lẽ cũng tự đặt mình vào tình thế nan giải khi cố gắng thu hút bộ phận cử tri này.

Nhìn vào các sáng kiến chính sách được một số thành viên đảng Dân chủ ủng hộ trong tuần này như “cắt kinh phí của cảnh sát”, ông Biden sẽ gặp khó khăn hơn nhiều để gia tăng cách biệt với ông Trump trong việc tạo những hiệu ứng tích cực với các khối cử tri trên.

Trong nửa đầu năm 2020, nước Mỹ đã trải qua không ít những biến cố lớn lao, từ khủng hoảng y tế, suy thoái kinh tế cho đến những vấn đề xã hội nan giải. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, những sự kiện trên dường như là một cách “thử lửa” để các ứng viên tranh cử Tổng thống chứng minh khả năng của mình, không chỉ dựa trên những tuyên bố hay các lời hứa hùng hồn mà là năng lực thực sự để dẫn dắt đất nước ra khỏi khủng hoảng và củng cố vị thế của một siêu cường trên toàn cầu.

Kiều Anh/VOV

Bài mới
Đọc nhiều