+
Aa
-
like
comment

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ điều chỉnh phù hợp với lịch công tác

14/06/2021 15:56

Theo Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, khi tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lịch công tác của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Chiều nay (14/6), tiếp tục chương trình phiên họp 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dự kiến tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự: 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác: 4,5 ngày.

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng sẽ điều chỉnh phù hợp với lịch công tác - Ảnh 1.
Công tác kiện toàn nhân sự được tiến hành ở kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, trong ảnh là các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành bỏ phiếu bầu (ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội).

Báo cáo cũng nêu rõ, không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian (trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết).

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội ngay sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ theo quy định (vì đến thời điểm khai mạc kỳ họp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIV sẽ kết thúc nhiệm vụ; riêng Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV được hoạt động cho đến khi Quốc hội bầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV).

Thời điểm cụ thể xem xét, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lịch công tác của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ (Tổng Thư ký sẽ trao đổi với Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ để phối hợp tham mưu vấn đề này).

Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên bố trí để Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo kinh tế – xã hội tại phiên khai mạc. Tuy nhiên, vào thời điểm khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa XV chưa được bầu để trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế – xã hội, nên đề nghị phân công Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Hồng Thanh) trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khóa XIV.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh như Đại hội Đảng lần thứ XIII, chuẩn bị các kịch bản, tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm cho các Đại biểu Quốc hội và phóng viên tham dự đưa tin. Bên cạnh đó là phương án đối phó khi đang họp mà có dịch.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với công tác nhân sự Quốc hội cần tiến hành trước, vì công tác nhân sự Quốc hội phải họp tập trung, nếu giả sử có sự cố dịch Covid -19 thì nội dung sau Quốc hội có thể tiến hành họp trực tuyến được.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo của Tổng Bí thư; các phát biểu quan trọng của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sau khi được Quốc hội bầu nên công tác tổ chức kỳ họp cần phải chuẩn bị kỹ.

Như vậy, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; bầu Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các thành viên Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành).

Tất cả các chức danh lãnh đạo Nhà nước được bầu hoặc phê chuẩn nêu trên là của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (khóa mới).

Trước đó tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2021), Quốc hội đã tiến hành công tác kiện toàn nhân sự do nhân sự lãnh đạo không tái cử Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Theo đó, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội cũng đã bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, bầu Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Những chức danh kể trên được bầu hoặc phê chuẩn là thuộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Khi Quốc hội khóa XV được bầu ra và tiến hành kỳ họp thứ nhất, có nghĩa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV kết thúc, các chức danh do Quốc hội khóa XIV kiện toàn cách đó hơn 3 tháng cũng hết nhiệm kỳ.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều