‘Bắt tay’ với Trung Quốc ở biển Đông: Lợi bất cập hại!
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc (TQ) muốn độc chiếm biển Đông. Nhận định này được đồng thuận bởi đông đảo giới chính trị gia lẫn học giả các nước.
Dùng vũ lực lần lượt chiếm Hoàng Sa, một số thực thể ở Trường Sa. Bồi lấp công phu, quân sự hóa nhiều vũ khí nguy hiểm. Triển khai cùng lúc ba mặt trận là tâm lý, dư luận và pháp lý để giành ưu thế. Những đầu tư có tầng có lớp này của TQ chắc chắn không dừng lại ở việc hưởng lợi 40% nguồn tài nguyên khai thác chung với Philippines.
Ngoài ra, việc kêu gọi TQ tuân thủ phán quyết, thừa nhận chủ quyền của Philippines ở vùng hai nước khai thác chung cũng là điều bất khả. Trước thềm ông Duterte đến Bắc Kinh, Đại sứ TQ tại Philippines Triệu Giám Hoa không ngại ngần bắt tay quan chức Manila và khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục không chấp nhận và phản đối phán quyết biển Đông năm 2016. Điều này được TQ nhất quán qua chủ trương bốn không từ năm 2013 đến nay: “Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết”.
Mục tiêu thật sự của TQ là từng bước biến vùng biển của nước khác thành vùng biển tranh chấp mà “khai thác chung” là một cách. Tiếp đến là từ vùng biển tranh chấp trở thành vùng biển của riêng TQ khi đối phương có bất kỳ sơ hở nào. Sự kiện TQ chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 trong “tích tắc” là một bài học xương máu cho Philippines.
Cần phải nhắc lại, ở tầm chiến lược, khi cả Mỹ, Nhật Bản, Úc, châu Âu và nhiều nước Đông Nam Á đang ra sức tìm cách tạo ra áp lực buộc TQ theo luật chơi chung, mà điển hình là UNCLOS 1982, thì việc Philippines lội ngược dòng để bắt tay TQ sẽ là một sự mạo hiểm vô cùng lớn. Khi TQ đang cố “bẻ gãy từng chiếc đũa”, cô lập các nước ở biển Đông khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài thì việc đơn phương bắt tay TQ có thể khiến Philippines mất rất nhiều thứ.
ĐỖ THIỆN/ Pháp Luật TP.HCM