Bát nháo người nổi tiếng quảng bá tiền ảo bất hợp pháp
Chưa hết bức xúc vì nghệ sĩ quảng cáo kiểu ‘công nghiệp’ thì giờ đây, người dùng trên mạng xã hội lại một phen bất ngờ vì nghệ sĩ nổi tiếng công khai quảng bá, lôi kéo đầu tư tiền ảo.
Nghệ sĩ, người nổi tiếng “dụ” chơi tiền ảo
Ngày 11.5, các fanpage chính thức, Facebook “chính chủ” của nhiều người nổi tiếng đồng loạt đăng bài quảng cáo với từ khoá #DOGE (viết tắt của Dogecoin). Với những cái tên quen thuộc trong làng giải trí Việt như: Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm…
Trong bài viết, ngoài liệt kê những đồng tiền ảo đã có uy tín và giá trị, nhiều “đồng coin rác” cũng được cài cắm khéo léo, người đọc, người xem sẽ khó phân biệt nếu không có hiểu biết, kiến thức về những loại tiền ảo này. Các bài đăng gần giống hệt nhau từ các từ khoá cho đến hình ảnh.
Thế nhưng, ngay sau đó N.Tr. lại tố tiền ảo Bilaxy lừa đảo. Cụ thể: “#BILAXY/SCAM trả chị 2.000.000 USD em ơi??? Có muốn làm ăn ở Việt Nam nữa không? “.
Đáng chú ý, Facebook N.Tr. còn đăng bài đáp trả khi bị nhiều người nghi ngờ về khả năng có lợi nhuận khi đầu tư tiền ảo. “Đây là bao nhiêu tiền mà các em bảo chị không có tiền ????”.
Người dùng mạng xã hội thất vọng về nghệ sĩ quảng bá tiền ảo
Sau khi các nghệ sĩ đăng tải nội dung quảng bá liên quan đến tiền ảo, không ít người hâm mộ tỏ ra thất vọng. Người dùng K.N bày tỏ trên mạng xã hội: “Quá thất vọng về các nghệ sĩ”. Còn A.N. (người dùng facebook) chia sẻ: “Biết bao nhiêu mẹ bỉm sữa ở nơi quê nghèo, tin theo lời quảng cáo bán kem trộn, chơi tiền ảo rồi mất hết tiền. Khóc lên khóc xuống trên mạng”.
Còn N.N. cũng bức xúc bình luận: “Việt Nam mình hình như không có quyền quản lý nội dung nghệ sĩ PR hay sao ấy, ít ra cũng phải phân biệt cái nào nên cái nào không nên để phạt răn đe nghệ sĩ chứ nhỉ”.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại, những bài viết này đã không còn xuất hiện nhưng nhiều người đã chụp lại những thông tin mà nghệ sĩ đăng tải về tiền ảo.
Lãnh đạo Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, cho biết “tiền ảo không được Nhà nước Việt Nam xem là tài sản và cho lưu thông. Mọi người nên cảnh giác khi bỏ tiền đầu tư tiền ảo. Công an đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kêu gọi đầu tư đồng tiền ảo nhưng nhiều người vẫn tham gia mua đồng tiền mà Việt Nam chưa công nhận. Mới đây, Công an TP.HCM cũng đã tiếp nhận hàng trăm đơn tố cáo ứng dụng đầu tư tiền ảo Coolcat lừa đảo, với số tiền thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng”.
“Những ngày qua, người nổi tiếng, các nghệ sĩ quảng bá đồng tiền ảo vì họ có sức ảnh hưởng lớn, nhiều người hâm mộ… Nhưng việc quảng bá một đồng tiền không được pháp luật công nhận thì việc quảng bá đó là vi phạm, bất cứ ai khi quảng bá một sản phẩm nào đó cần phải thực sự hiểu về nó, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến người khác. Chưa kể những người quảng bá đó vô tình khiến nhiều người không hiểu biết, bỏ tiền vào đầu tư tiền ảo và rất dễ dàng bị mất tiền oan. Lúc biết mình bị lừa thì đã quá muộn rồi”, vị này nói.
Kêu gọi người khác tham gia có thể vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm
Luật sư (LS) Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết nếu nghệ sĩ hoặc bất cứ người nào dụ dỗ, lôi kéo, quảng bá về tiền ảo, mà gây ra hậu quả thiệt hại cho người khác là vi phạm pháp luật. Còn chưa gây hậu quả thì việc quảng bá, lôi kéo tiền ảo cũng vi phạm pháp luật do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chưa cho phép giao dịch đồng tiền này trên thị trường.
LS Lượng phân tích, theo Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 – 100 triệu đồng.
“Ngoài ra, kể từ ngày 1.1.2018, người nào thực hiện các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại sẽ bị xử lý về tội tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 hoặc tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điểm h khoản 1 điều 206 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả” gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
LS Lượng cho rằng, hiện nay quy định này chưa được mọi người quan tâm, tìm hiểu đầy đủ. Theo đó, quy định này không chỉ xử lý hình sự với các đối tượng đứng ra tổ chức, mà những người tham gia vào đường dây này, kêu gọi người khác tham gia, thì họ vừa là nạn nhân, nhưng cũng đồng thời là đồng phạm với đối tượng cầm đầu. Vì vậy, họ hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự, chứ không đơn thuần là nạn nhân.
Còn đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng và trong game online, LS Lượng cũng cho rằng có thể bị xử lý về tội đánh bạc, gá bạc hoặc tổ chức đánh bạc của Bộ luật hình sự 2015.