Bát nháo nghệ sĩ quảng cáo: Nổ ‘banh nhà lồng’
Khi nói về sản phẩm liên quan sức khỏe, nhiều nghệ sĩ đã nói quá sự thật, công dụng khiến nhiều người lầm tưởng, thậm chí bỏ qua những đơn thuốc điều trị của bác sĩ.
Trên một kênh YouTube năm 2019, 2020 có đăng một video ghi lại hình ảnh nghệ sĩ Q.L giới thiệu và dùng thử sản phẩm có tên Scurma Fizzy được quảng cáo có chức năng “hỗ trợ điều trị” các bệnh về dạ dày.
Hỗ trợ điều trị tận các tế bào ung thư?
Vừa mở hộp đóng gói các sản phẩm này, nghệ sĩ L. vừa giới thiệu: “Đây là một sản phẩm hỗ trợ điều trị – curcumin, một công nghệ hỗ trợ điều trị hướng đích. L. uống cái này hôm trước đỡ lắm. Đây 1 hộp 20 viên, mỗi ngày chúng ta uống 3 viên, uống trước khi ăn 30 phút, sáng trưa chiều đều vậy. Chúng ta uống một liều hỗ trợ điều trị liệu trình khoảng 2 – 3 tháng. Mua 9 hộp tặng 1 hộp”.
Nghệ sĩ này nói tiếp: “Là viên sủi, dễ uống, rất dễ uống nha. Công nghệ hướng đích là công nghệ hỗ trợ điều trị, được chuyển giao độc quyền cho công ty E. Hỗ trợ điều trị bằng công nghệ hướng đích, đưa curcumin đến đúng tế bào tổn thương trong bao tử của mình. Thay vì mình điều trị uống thuốc đau bao tử, thuốc vào chạy tùm lum. Nhưng sản phẩm này hỗ trợ điều trị, uống vào là hướng đúng đích, chỗ tổn thương tế bào rất là tốt. Mọi người ai đau bao tử đâu vào đây, L. sẽ giới thiệu cho mọi người uống”.
Uống hết ly sủi có màu cam, nghệ sĩ này tiếp tục: “Q.L gặp rất nhiều anh em nghệ sĩ dùng curcumin này… Mình uống sản phẩm curcumin này hướng đến hỗ trợ điều trị tận các tế bào ung thư luôn. Curcumin này sẽ giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày chúng ta và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường nên L. rất tin tưởng curcumin này. Thật sự mà nói, nhờ cái này mà đỡ đau” (?).
Theo tìm hiểu của PV, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) Scurma fizzy (số công bố 20071/2017) được Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) cấp giấy xác nhận quảng cáo số 01694 ngày 23.8.2019 cho Công ty CP ELEPHARMA (Hà Nội). Công dụng của sản phẩm được ghi là: Hỗ trợ chống ô xy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật. Hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng. Hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.
Một sản phẩm tương tự là thực phẩm BVSK Scurma fizzy New được Cục ATTP cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2899 ngày 15.9.2020 cho Công ty CP ELEPHARMA (Hà Nội). Công dụng: Hỗ trợ giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản: Ợ hơi, ợ chua, nóng rát cổ họng. Hỗ trợ làm lành vết loét, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, hành tá tràng. Ngoài ra, còn có dòng chữ: Sản phẩm chứa hệ hướng đích (nano curcumin, axit folic liên kết curcumin).
Chỉ có vậy thôi mà Q.L khuyên công chúng không nên uống thuốc điều trị dạ dày để uống loại sản phẩm mà nghệ sĩ này quảng cáo. Các công dụng mà nghệ sĩ Q.L nói như “hỗ trợ điều trị tận các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường” hoàn toàn không có trong nội dung được cấp phép quảng cáo.
Uống “thần dược” xong, uống rượu bia thoải mái?
Nam nghệ sĩ Q.T cũng là “gương mặt vàng” quảng cáo những sản phẩm thảo dược. Chẳng hạn, trong một video được đăng tải, nghệ sĩ Q.T quay livestream khoảng 4 phút để “bật mí bí kíp” điều trị bệnh gút của mình là viên sủi Nano Fast, xem đây là “thần dược”.
“Viên sủi này lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam mà đã được bào chế bởi công nghệ của Mỹ và kết hợp cả giáo sư đầu ngành về đông y của Việt Nam”, nghệ sĩ Q.T nói và lý giải bệnh gút là do a xít uric trong người không đào thải ra được. Thế nên, viên sủi được bào chế từ chất của cây bàng hôi sẽ kìm hãm không cho a xít uric phát triển.
“Khỏi là khỏi chứ không phải bị bệnh lại như thuốc tây. Uống viên sủi này thoải mái lắm, vì 100% từ thảo dược mà, không tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến dạ dày. Đặc biệt, mùi vị rất thơm, rất dễ uống. Tôi uống một lộ trình thì thấy bệnh thuyên giảm hẳn đi”, nói xong Q.T dẫn chứng một tờ giấy đề “kết quả xét nghiệm”, bảo mình trước đây có 650 μmol/l (μmol/l là đơn vị tính của thông số xét nghiệm, như đường huyết, a xít uric, máu…), thế nhưng khi uống vào chỉ còn có 410 μmol/l. Q.T còn chắc nịch: “Bây giờ uống rượu, uống bia thoải mái. Đi diễn mệt nghỉ không vấn đề gì, chân tay ngon lành rồi”.
Theo tìm hiểu của PV, Cục ATTP cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm BVSK Nano Fast cho Công ty TNHH MTV Nano Việt Nam (Hà Nội). Phần công dụng chỉ ghi: hỗ trợ giảm a xít uric máu, hỗ trợ hạn chế và hỗ trợ giảm nguy cơ viêm khớp do gút.
Người nổi tiếng và trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết việc quảng cáo, bán thực phẩm BVSK qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng là hình thức phổ biến. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.
Ông Phong lưu ý người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi, quảng cáo thực phẩm BVSK có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, logo của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; thư cảm ơn của người bệnh… giới thiệu và bán thực phẩm BVSK. Các quy định hiện hành không cho phép sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo cho sản phẩm về sức khỏe.
Ông Phong đánh giá: “Vừa qua có các đơn vị đã lựa chọn người nổi tiếng, người được nhiều người biết đến như: MC, diễn viên, biên tập viên của một số cơ quan báo, đài để quảng cáo cho sản phẩm. Việc sử dụng hình ảnh đó không vi phạm về quảng cáo, nhưng một số sản phẩm có nội dung quảng cáo vi phạm, vì đã thổi phồng, gây hiểu lầm sản phẩm có tác dụng điều trị”.
Diễn viên Huy Khánh bị “lừa”?
Vừa qua, chuyện nam diễn viên Huy Khánh xuất hiện trong video giới thiệu sản phẩm “kẹo ngậm” Tengsu có chức năng tráng dương, cường lực… làm dậy sóng cộng đồng mạng. Trao đổi với PV, diễn viên Huy Khánh cho biết chính anh cũng “bị lừa” sử dụng hình ảnh để quảng cáo cho sản phẩm (?).
“Ban đầu khi nhận lời phỏng vấn, chúng tôi có yêu cầu đưa giấy phép của Bộ Y tế về sản phẩm này thì phía công ty đó trấn an, bảo thuốc này của Nhật Bản, được Bộ Y tế công nhận và bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, sau khi tôi quảng cáo xong thì có rất nhiều người hỏi là mua ở đâu. Tôi nói là sản phẩm có trên các hiệu thuốc lớn trên toàn quốc thì họ bảo không có, chỉ đăng ký mua qua mạng thôi. Chúng tôi chất vấn lại thì công ty nói hàng chưa về kịp”, Huy Khánh nói.
Cũng theo nam diễn viên này, anh có video 10 phút khi đóng quảng cáo, nói về công việc hằng ngày, về dự án phim và sử dụng thêm viên thực phẩm chức năng đó, không hề đề cập chuyện uống để giải quyết những vấn đề sinh lý.
“Nhưng họ không đăng video đó mà cắt những hình ảnh mình lấy thuốc ra, nói tên thuốc và lấy hình ảnh nhạy cảm ghép vào hình ảnh của mình, kèm theo những câu chữ rất phản cảm, mang tính chất “giường chiếu”, Huy Khánh phân trần và cho biết thêm, ngay sau đó anh có yêu cầu đính chính, gỡ hết video nhưng “bên đó cứ giải thích lập lờ, không giải quyết rõ ràng”.
Trước hiện tượng một số người nổi tiếng quảng bá cho sản phẩm nhưng thể hiện với hình thức chia sẻ về tác dụng của sản phẩm trên trang mạng cá nhân…, ông Phong khẳng định về nguyên tắc, đã nói về sản phẩm tác dụng với sức khỏe là phải đúng sự thật, đúng tác dụng, không thể nói thực phẩm đó chữa khỏi bệnh, không thể nói đó là thuốc.
Ông Phong lưu ý thực phẩm chức năng, thực phẩm BVSK ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Người nổi tiếng nếu thông tin quảng cáo hoặc chuyển tải các nội dung gây lầm tưởng có tác dụng điều trị, có thể khiến người bệnh xao nhãng hoặc không tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, gây hệ lụy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí khiến bệnh nặng hơn. “Chúng tôi mong muốn các cá nhân khi tham gia quảng bá cho sản phẩm, dù là hình thức nào cũng cần thông tin đúng về sản phẩm trên cơ sở nội dung quảng cáo đã được cấp phép. Không vì quyền lợi cá nhân mà thổi phồng, nói quá mức về tác dụng của sản phẩm”, ông Phong nói. (còn tiếp)
Thanh Niên