+
Aa
-
like
comment

Bất ngờ xuất hiện “hiệp sĩ” giải cứu châu Âu

Lan Hoa - 07/09/2022 09:58

Những tháng gần đây, châu Âu luôn sống trong nỗi lo sợ “mùa đông băng giá” khi Nga luôn dọa cắt nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, giờ đây nỗi lo trên đã có thể được giải quyết nhờ một người “hiệp sĩ” bất ngờ.

Châu Âu đau đáu nỗi lo co ro trước mùa đông sắp tới

Trong nửa đầu năm nay, các công ty Trung Quốc đã bán lại một số lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dư thừa ra thị trường quốc tế do nhu cầu năng lượng trong nước suy giảm. Điều đó giúp giải tỏa phần nào cơn khát năng lượng của châu Âu trong bối cảnh Nga bóp nghẹt dòng chảy khí đốt sang khu vực này. Theo các chuyên gia, nếu tốc độ nhập khẩu duy trì như hiện nay, châu Âu có khả năng đạt được mục tiêu lấp đầy 80% các cơ sở lưu trữ khí đốt của mình vào tháng 11.

Trang Nikkei Asia đưa tin, JOVO – một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu của Trung Quốc – thông báo đã bán lại một lô LNG cho khách hàng ở châu Âu. Một nhà giao dịch ở Thượng Hải cho biết lợi nhuận thu được từ thương vụ này có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD.

Tương tự, trong một cuộc họp báo doanh thu hồi tháng 8, tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group thừa nhận họ đã chuyển lượng lớn LNG dư thừa ra thị trường quốc tế. Truyền thông trong nước cho biết, riêng thị trường châu Âu, Sinopec đã thực hiện chuyển giao 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn.

Còn theo dữ liệu của công ty phân tích hàng hóa Kpler, sản lượng nhập khẩu LNG từ Trung Quốc của châu Âu trong nửa đầu năm nay đạt 53 triệu tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối năm, ước tính con số này có thể tăng thêm 4 triệu tấn.

Một bồn chứa LNG ở cảng Như Đông, thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Vậy điều gì đã biến một nước thiếu năng lượng như Trung Quốc chuyển hướng và trở thành người bán năng lượng? Theo bà Misa Hama, bình luận viên về năng lượng của trang Nikkei Asia Review, có hai lý do cho sự thay đổi này:

Thứ nhất là do nền kinh tế đang đình trệ của Trung Quốc khiến cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh. Tăng trưởng GDP đã điều chỉnh theo lạm phát (GDP thực) của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 2,5%, khi nước này áp các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn Covid-19. Ngoài ra, lệnh phong tỏa các thành phố lớn do ảnh hưởng của đại dịch khiến nhu cầu nhiên liệu cho ngành công nghiệp và hóa chất giảm sút, kéo theo nhu cầu khí đốt thấp trong nửa đầu năm.

Thứ hai là do chỉ thị tăng cường sản xuất năng lượng, trong đó có than, được Chính phủ Trung Quốc đã được đưa ra trước đó. Theo đó, trọng tâm chính sách của Trung Quốc hiện nay là đảm bảo an ninh năng lượng, thay vì giảm phát thải carbon ra môi trường. Ngoài khai thác than, Trung Quốc cũng đang mở rộng sản xuất khí đốt. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn năng lượng Sia Energy, sản lượng khí đốt quốc nội trong năm nay của Trung Quốc dự kiến tăng 7% so với năm 2021. Trong khi đó, nhập khẩu LNG của Trung Quốc cũng có thể giảm 20% trong năm 2022, tác động đáng kể đến giá năng lượng trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc tăng cường khai thác than đá bất chấp cam kết tại COP26

Tình thế đã xoay chuyển, khi nguồn cung khí đốt của Nga tới châu Âu đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ. Dòng chảy khí đốt Nga qua các đường ống tới châu Âu chỉ bằng 20% so với năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Để bù đắp nguồn cung từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chấp nhận mua LNG trên thị trường giao ngay từ mọi nguồn với giá cao hơn, đồng thời các thành viên của khối cam kết giảm 15% tiêu thụ khí đốt tới tháng 3 năm sau. Trong bối cảnh đó, nguồn khí đốt dư thừa từ Trung Quốc được coi là khoản “cứu trợ” rất cần thiết, vừa giúp Bắc Kinh hưởng lợi từ giá bán chênh lệch, vừa hỗ trợ châu Âu đối phó khủng hoảng năng lượng.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra rằng châu Âu có một lần nữa phụ thuộc vào Trung Quốc như đã và đang phụ thuộc vào Nga.

Thông qua các biện pháp khẩn cấp, châu Âu có thể tích trữ đủ năng lượng để sử dụng cho mùa đông sắp tới, ngay cả khi lưu lượng khí đốt của Nga cung cấp vào đường ống Nord Stream 1 thấp hơn 80% so với bình thường.

Theo dự đoán, Đức sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vào mùa đông tới nếu thiếu khí đốt Nga

Theo các chuyên gia, vẫn tồn tại rủi ro Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Trong kịch bản đó, châu Âu sẽ phải mua hầu hết LNG còn lại trên thị trường giao ngay – một nhiệm vụ phi thực tế. Và hậu quả tiềm ẩn của  tình trạng này là Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng của mình trên thị trường năng lượng. Cũng lưu ý rằng khi Trung Quốc phục hồi các hoạt động kinh tế, tình hình hiện tại có thể sẽ đảo ngược hoàn toàn. Điều này khiến châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc về năng lượng và tác động đáng kể đến xu hướng địa chính trị toàn cầu.

Kết quả của những kịch bản này đều khiến ảnh hưởng trên thị trường năng lượng của Trung Quốc gia tăng. Trong trường hợp Nga tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc như một cách để trả đũa châu Âu, Trung Quốc sẽ có thêm khả năng bán lại lượng khí đốt dư thừa cho châu Âu trên thị trường giao ngay.

Cuối cùng, khi mà châu Âu càng trở nên tuyệt vọng về nguồn cung cấp năng lượng, thì các quyết sách của Trung Quốc sẽ càng có sức ảnh hưởng đến khối. Lượng khí đốt mà Trung Quốc tự sản xuất cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mua năng lượng của châu lục này. Thật trớ trêu khi mà đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng từ Nga, châu Âu lại vô tình phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

Lan Hoa (Theo Nikkei Asia Review)

Bài mới
Đọc nhiều