Bất ngờ với vị trí của Việt Nam trên BXH điện mặt trời toàn cầu
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã đưa ra những cam kết quan trọng để cắt giảm đáng kể lượng phát thải carbon, như một biện pháp quan trọng để chống biến đổi khí hậu và sự tàn phá mà nó gây ra. Từ đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung trở thành giải pháp tối ưu nhất trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.
Được biết, các quốc gia châu Á hiện chiếm 5 trong số 10 nền kinh tế sử dụng năng lượng mặt trời hàng đầu. Một thập kỷ tăng trưởng đã giúp một số nền kinh tế lớn nhất châu Á mở rộng đáng kể công suất năng lượng mặt trời của họ. Việt Nam hiện đứng thứ 10 trong danh sách này.
Một thập kỷ trước, chỉ có 2 quốc gia ở châu Á lọt vào danh sách này, trong khi các quốc gia châu Âu thống trị vị trí đầu bảng xếp hạng năng lượng mặt trời.
Danh sách này được đưa ra trong một phân tích mới đây của tổ chức tư vấn điện lực Ember, đơn vị này đã thực hiện nghiên cứu tổng công suất điện mặt trời đã thay đổi như thế nào trong 10 năm qua ở các quốc gia trên thế giới.
Phân tích nêu rõ công suất năng lượng mặt trời đã thay đổi như thế nào trong 11 năm qua, với các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Hàn Quốc đã lọt vào top 10 toàn cầu. Vào năm 2010, Ấn Độ đứng thứ 22 toàn cầu trong khi Việt Nam đứng thứ 196.
Với 307GW, Trung Quốc là quốc gia có tổng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu lắp đặt 108GW điện mặt trời trong năm nay. Riêng công suất điện mặt trời của Trung Quốc được lắp đặt trong năm nay sẽ tương đương với tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt trên toàn nước Mỹ, gấp đôi của Đức và gấp hơn 5 lần tổng công suất điện mặt trời được lắp đặt của Úc.
Theo báo cáo Đánh giá điện toàn cầu năm 2022 của Ember (tổ chức chuyên tập trung nghiên cứu năng lượng và khí hậu), sản lượng điện Mặt Trời của Việt Nam năm 2021 tăng tới 337% so với năm 2020. Đây được xem là con số mở rộng năng lượng vô cùng vượt trội so với thế giới.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), công suất năng lượng mặt trời toàn cầu lên tới 849GW vào năm 2021, cao hơn 19% so với năm trước. Thế giới đã tạo ra 3,7% điện năng từ năng lượng mặt trời vào năm 2021, với mức trung bình trên toàn châu Á chỉ dưới 3%. Phần lớn sự gia tăng này là nhờ vào sự gia tăng gần đây trên toàn khu vực, nhưng điều này cũng cho thấy năng lượng mặt trời phải phát triển như thế nào trước khi nó có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Theo cả Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), để giữ cho biến đổi khí hậu dưới 1,5 độ ấm lên, các nước châu Á nên đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 40% lưới điện từ gió và năng lượng mặt trời vào năm 2030. Điều này sẽ đòi hỏi cả đầu tư và đổi mới chính sách quốc gia phù hợp mà còn là hợp tác kinh tế tập thể và công nghệ trên quy mô lớn.
Từ con số 0, chỉ sau vài năm, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kinh ngạc. Hiện nay Việt Nam có 92 dự án điện mặt trời đã vào vận hành thương mại với tổng công suất hơn 4.693MW và có thêm 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch với công suất 13.000MWp (khoảng 10.000MW).
Ông Caroline Chua, chuyên gia phân tích của BNEF lại cho rằng: “Hiện tượng bùng nổ năng lượng mặt trời của Việt Nam chứng minh rằng các quốc gia đang phát triển có thể nâng công suất năng lượng mặt trời ở mức đáng kể trong khoảng thời gian ngắn”.
Tại Cop26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.
Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Với thành tích hiện tại cộng với sự phát triển vượt bậc của điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam vài năm qua là kết quả của sự tổng hòa nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, xu thế phát triển của thế giới, một nguyên nhân chính thúc đẩy nhà đầu tư rót vốn vào các dự án điện mặt trời là chính sách khuyến khích của Nhà nước, thu hút đầu tư…để cùng thực hiện mục tiêu chung của cả thế giới.
Bảo Trâm (Theo Bloomberg, Ember)